Thúc đẩy đổi mới công tác dạy nghề

GD&TĐ - Sau 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. 

Thúc đẩy đổi mới công tác dạy nghề

Ý kiến này được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo sơ kết mới đây của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ, TB&XH) về 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 - 2020 và đánh giá Dự án “Đổi mới và phát triển dạy nghề” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2011 - 2015; phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020.

Tuyển sinh đạt hơn 9,1 triệu người

Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011 - 2025 (QĐ 630/QĐ-TTg), về kết quả cụ thể, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề TS Nguyễn Hồng Minh cho biết:

Sau 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề, Tuyển sinh nghề đã đạt hơn 9,1 triệu người (đạt 95,5% kế hoạch đề ra), trong đó cao đẳng và trung cấp nghề đạt hơn 1,1 triệu người, sơ cấp và dạy nghề phổ cập dưới 3 tháng đạt hơn 8 triệu người. Đáng chú ý, với trình độ sơ cấp và dạy nghề phổ cập đã thu hút 2,4 triệu lao động nông thôn theo học theo Đề án 1956.

Tính chung, đến cuối năm 2015, trên cả nước lao động qua đào tạo nghề ở tất cả các trình độ từ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề và dạy nghề lao động nông thôn đạt gần 40%. Trong đó, đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề đạt 25%, dạy nghề theo Đề án 1956 đạt 13,5%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề cả nước tăng 18,5% so với năm 2010, gần đạt chỉ tiêu đề ra (đạt 96,2%).

Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu cũng thừa nhận những bất cập trong phát triển chương trình, giáo trình, xây dựng khung trình độ quốc gia, cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề, kiểm định chất lượng dạy nghề, hợp tác quốc tế.

Một số mục tiêu của Chiến lược đã không đạt yêu cầu như mạng lưới cơ sở dạy nghề, số lượng và chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, cấp chứng chỉ nghề quốc gia, hướng nghiệp phân luồng học nghề sau THCS...

Nguyên nhân dẫn đến một số mục tiêu Chiến lược không đạt là do việc chậm ban hành quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề đến năm 2020. Ngoài ra, việc phân bố mạng lưới cơ sở dạy nghề cũng chưa hợp lý, nguồn lực đầu tư từ các chương trình mục tiêu cho các trường chỉ đạt 62% so với kế hoạch.

Đối với đội ngũ giáo viên dạy nghề, tuy số lượng tăng nhưng chỉ 60% có kỹ năng nghề đạt theo chỉ tiêu. Việc tiến hành bồi dưỡng, tổ chức đào tạo cán bộ quản lý dạy nghề còn yếu, thiếu tính hệ thống, chuyên nghiệp...

Đi vào hiệu quả, thực chất

Trao đổi về định hướng tháo gỡ những khó khăn tồn tại trong thực hiện Chiến lược phát triển Dạy nghề và thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia đổi mới và phát triển dạy nghề, PGS.TS Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cho biết:

“Việc nhận định những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn vừa qua có ý nghĩa quan trọng. Đó cũng là khâu đột phá để Chiến lược đi đúng hướng, với mục tiêu là cung cấp nhiều nhân lực phục vụ phát triển tăng tốc nền kinh tế khi cuối năm 2015, Việt Nam gia nhập cộng đồng chung ASEAN, và vừa ký nhiều hiệp định tự do thương mại thế hệ mới…”.

Lãnh đạo ngành dạy nghề khẳng định, không chần chừ, chờ đợi, mà bản thân lãnh đạo các cơ sở dạy nghề cần sáng tạo nhiều hơn trong công tác đổi mới đầu tư trang thiết bị dạy nghề, đặc biệt trong công tác tuyển sinh. “Đã đến lúc dạy nghề phải đi vào hiệu quả, thực chất, số lượng tuyển sinh các trường, cơ sở dạy nghề là thước đo chất lượng, uy tín của cơ sở dạy nghề.

Từ năm 2016, sẽ không có chuyện dàn hàng ngang sử dụng vốn ngân sách để đầu tư trường, cơ sở dạy nghề mà không tính đến hiệu quả thực tiễn. Với 45 trường cao đẳng nghề được chọn đầu tư trọng điểm từ ngân sách Nhà nước cũng vậy. Nếu không đáp ứng được như kế hoạch đề ra, sẽ có trường ra khỏi danh sách, để nhường trường có thể đáp ứng tốt vào thay…”, ông Dương Đức Lân nhấn mạnh. 

Về Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tập trung đào tạo các ngành nghề trọng điểm đạt trình độ của các nước khu vực ASEAN và thế giới, tạo sự đột phá về chất lượng nghề nghiệp và nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 63% vào năm 2020.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.