Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong tổng dân số của các tỉnh Tây Nguyên là 38,7%, trong đó 59% hộ gia đình dân tộc thiểu số có thu nhập dưới mức nghèo khổ. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực cả về chất lượng và số lượng đang là một thách thức lớn đối với các tỉnh Tây Nguyên.
Còn nhiều bất cập
Theo Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), đến hết năm 2015, trên địa bàn Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên có 108 cơ sở đào tạo nghề, trong đó có 6 trường cao đẳng nghề, 12 trường trung cấp nghề, 90 trung tâm dạy nghề, trong vùng còn có 65 cơ sở khác tham gia đào tạo nghề.
Chất lượng dạy nghề của các cơ sở trong vùng chưa cao, quy mô tuyển sinh hạn chế. Nhiều cơ sở thiếu thiết bị, thiếu giáo viên cơ hữu, nhất là trung tâm dạy nghề cấp huyện. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng công tác tuyển sinh, đào tạo tại 5 tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2011 - 2015 đã đạt 427.921 người, tăng 3,7 lần so với giai đoạn 2006 - 2010.
Đối với dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) giai đoạn 2010 - 2015 đã dạy nghề cho 213.516 người; trong đó gần 50% là người dân tộc thiểu số; 42,4% học nghề phi nông nghiệp và 57,6% học nghề nông nghiệp. Dạy nghề cho LĐNT đã mang lại việc làm cho khoảng 159.577 người, có 6.163 hộ nghèo có người tham gia học nghề, có việc làm thoát nghèo; 6.028 hộ có thu nhập cao hơn mức bình quân tại địa phương...
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng công tác đào tạo nghề cho Tây Nguyên vẫn còn những khó khăn, như về địa hình, khí hậu tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội. Cơ chế chính sách còn chưa đồng bộ, đầy đủ chính sách đối với học sinh dân tộc theo Quyết định số 267/2015/QĐ-TTg đối tượng chính sách bao gồm học sinh tốt nghiệp các trường phổ thông dân tộc nội trú được vào học; cơ chế chính sách về tài chính ngân sách Nhà nước giao cho hoạt động dạy nghề hàng năm theo mức khoán chưa gắn với số lượng, quy mô tuyển sinh hàng năm, chưa gắn kết giữa giao nhiệm vụ và giao kinh phí; chính sách đối với giáo viên cho các cơ sở đào tạo nghề cho dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập, chưa được hưởng các chính sách đãi ngộ theo điều kiện và địa bàn làm việc...
Chính sách và giải pháp
Bà H’Ngăm Niê Kdăm - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên - cho biết: Với đặc điểm khó khăn của Tây Nguyên tới đây, cần thúc đẩy các giải pháp hợp tác với khu vực tư nhân và các hiệp hội để nâng cao chất lượng và tính phù hợp của đào tạo nghề với thị trường lao động ở các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh miền núi giáp Tây Nguyên. Nâng cao hình ảnh, vị thế của giáo dục nghề nghiệp và tích cực trong chính sách đào tạo nghề góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Đồng thời, xây dựng chính sách và giải pháp ứng phó hiệu quả với những thách thức thực tế trong đào tạo nghề.
Từ thực tế và quá trình khảo sát tại một số tỉnh của Việt Nam về công tác đào tạo nghề, bà Lisa Kreibich, cố vấn kỹ thuật chương trình đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam (GIZ) đã đưa ra một số khuyến nghị như: Tạo việc làm thông qua các chính sách, các quy định về kiểm soát sự phát triển kinh tế địa phương, các ưu đãi cho nhà đầu tư và khối tư nhân. Xây dựng các biện pháp gắn kết doanh nghiệp vào các khía cạnh của dạy nghề. Xây dựng hệ thống khuyến khích hỗ trợ tự dạy nghề. Thực hiện cơ chế tài chính hiệu quả cho đào tạo nghề dựa trên nhu cầu thị trường lao động địa phương. Học thông qua tham gia tích cực vào quá trình làm việc thực tế tại doanh nghiệp. Tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ dạy nghề của các cơ sở đào tạo. Nâng cao năng lực cho giáo viên, thúc đẩy trao đổi giáo viên giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp…