Các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội ở Mỹ ngày 5/11 năm ngoái đã đem lại chiến thắng cho ứng cử viên tổng thống của đảng này là ông Donald Trump cũng như đa số cho phe Cộng hoà ở cả Hạ viện và Thượng viện. Nhưng đa số mà phe này có được trong lưỡng viện lập pháp lại rất mong manh.
Tại Hạ viện, Đảng Cộng hoà giành về 219 ghế, chỉ nhiều hơn đa số tối thiểu có 1 ghế và phía Dân chủ có được 215 ghế dân biểu. Với tương quan và cục diện quyền lực như thế, chỉ cần vài dân biểu phá rào thì Đảng Cộng hoà không còn có thể duy trì được đa số tối thiểu cần thiết để thông qua những đạo luật mới mà phe này và ông Trump muốn được Quốc hội thông qua để cầm quyền thành công.
Hai năm trước đây, phe Cộng hoà phải bỏ phiếu đến lần thứ 5 mới bầu được ông Johnson làm Chủ tịch Hạ viện. Ở lần bầu vừa qua, ông Johnson đắc cử ngay tại vòng đầu tiên. Nhìn vào bề ngoài thì kết quả này là một kỳ tích đối với Đảng Cộng hoà. Nó khơi dậy cảm nhận, ấn tượng là phe Cộng hoà hiện tại khác biệt cơ bản so với ở thời cách đây hai năm và nay rất đoàn kết, thống nhất trong nội bộ.
Trong thực chất lại không hẳn như vậy khi ông Johnson giành được đúng đủ đa số tối thiếu và vẫn có dân biểu thuộc phe này không muốn bầu cho ông dù đích thân ông Trump lên tiếng ủng hộ, hối thúc tất cả các dân biểu Cộng hoà trong Hạ viện.
Ngoài ra, ông Johnson còn bị suýt trượt tái đắc cử khi có 3 dân biểu Cộng hoà không ủng hộ. Chỉ sau khi đích thân ông Trump trực tiếp vận động và thuyết phục thì mới có được 2 trong số 3 vị ấy thay đổi chủ định.
Họ không muốn ông Johnson tiếp tục làm Chủ tịch Hạ viện vì muốn cắt giảm thâm hụt ngân sách trong khi ông không đồng ý chủ trương này. Ông Johnson không dám có quan điểm khác vì ông Trump không có chủ ý cắt giảm thâm hụt ngân sách và thậm chí còn muốn không giới hạn mức trần về nợ công.
Ở đây đã ẩn hiện tiềm năng bất đồng quan điểm gia tăng giữa ông Trump, ông Johnson và bộ phận không nhỏ trong Đảng Cộng hoà nói chung cũng như trong lưỡng viện lập pháp Mỹ nói riêng.
Sự kiểm soát của Đảng Cộng hoà ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện Mỹ tạo tiền đề rất thuận lợi cho ông Trump cầm quyền theo ý mình khi đã kiểm soát, chi phối và o ép được phe này như đã có thể thấy trong thời gian vừa qua. Nhưng đa số ấy trong lưỡng viện đã tự chứng tỏ rất không bền vững và rất dễ có thể nhanh chóng đổ vỡ.
Sự tuân phục của phe Cộng hoà đối với ông Trump biểu hiện ra bên ngoài là tuyệt đối nhưng trong thực chất lại không hẳn như vậy và tính tương đối sẽ ngày càng tăng. Uy quyền của ông Trump đối với Đảng Cộng hoà cũng không phải vô giới hạn.
Cho nên trong cái dễ dàng nói trên lại có cái khó xử đối với ông Trump, trong cái thuận lợi cho người này cầm quyền lại có những cái không thuận chút nào.
Muộn nhất thì tới cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tới ở nước Mỹ vào năm 2026, khi toàn bộ Hạ viện và một phần ba số dân biểu ở Thượng viện được bầu lại. Khi ấy, những mâu thuẫn, bất hoà nội bộ này sẽ bộc lộ công khai, sẽ phát tác tai hại đối với phe Cộng hoà và ông Trump.