Thừa Thiên Huế: Triển khai chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do Covid-19

GD&TĐ - Để kịp thời hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ.

Thừa Thiên Huế dự kiến có 5.000 người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định được hỗ trợ.
Thừa Thiên Huế dự kiến có 5.000 người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định được hỗ trợ.

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình đã có buổi làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính và các ngành liên quan về triển khai chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sau khi UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai đến các sở ngành và địa phương, Sở đã triển khai nhiều giải pháp, thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ, tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân, doanh nghiệp. Đã có 14/14 đơn vị ban hành kế hoạch, tổ chức hướng dẫn, triển khai rà soát, thống kê số lượng, dự ước kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ thuộc lĩnh vực quản lý.

Về nhóm 1, nhóm do cơ quan Bảo hiểm xã hội và Ngân hàng chính sách xã hội giải quyết hoặc chi trả, hiện nay toàn tỉnh đã thực hiện xong việc giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người sử dụng lao động. Trên địa bàn tỉnh từ 01/7/2021 đến 30/6/2022 (thuộc nhóm 1) cho 1.633 đơn vị, doanh nghiệp với 113.076 người lao động được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, với tổng số tiền 36.273 triệu đồng.

Đối với nhóm 2 (Nguồn kinh phí Trung ương hỗ trợ địa phương 60% mức thực chi, 40% còn lại do các địa phương) và nhóm 3 (100 % ngân sách địa phương), qua thống kê rà soát, dự kiến nhu cầu kinh phí để thực hiện chính sách cho nhóm 2 là 22,41 tỷ đồng và cho nhóm 3 là 45,02 tỷ đồng, tổng kinh phí địa phương dự kiến phải đảm bảo để chi chính sách là 53,984 tỷ đồng.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, nắm bắt số lượng, ngành nghề, trình độ tay nghề đối với lao động làm việc ngoài tỉnh trở về. Phối hợp với các công ty, doanh nghiệp để tổ chức cung ứng giới thiệu việc làm kịp thời cho người lao động, đảm bảo ổn định cuộc sống cho nhân dân.

Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành và các địa phương vận dụng các cơ chế, chính sách để hỗ trợ người lao động học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.

Qua đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá sự vào cuộc tích cực của các đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Tuy nhiên lưu ý khi thực hiện chính sách các đơn vị cần quan tâm công tác truyền thông để bà con nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc hỗ trợ, giúp bà con được an tâm, ổn định cuộc sống. Đồng thời đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần chủ động phối hợp với các địa phương thống nhất phương pháp, cách làm; công tác thẩm định phải chặt chẽ, đảm bảo đúng đối tượng để đáp ứng mục tiêu là hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời cho bà con nhân dân, đảm bảo quy định.

“UBND tỉnh sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra để bảo đảm chính sách được áp dụng hiệu quả đến từng người thụ hưởng, đồng hành cùng người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống”, ông Bình nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.