Biến cây rau hoang thành sản phẩm thương hiệu
Từ một loại rau mọc hoang, giá trị thấp, đến nay rau má ở Quảng Thọ (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã trở thành nguồn nguyên liệu cho một thương hiệu sản phẩm nông nghiệp đặc biệt ở Quảng Điền. Đây là địa phương có diện tích cây rau má lớn nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Hiện, địa bàn Quảng Thọ có hơn 250 hộ dân tham gia sản xuất rau má theo quy trình VietGAP. Các sản phẩm trà rau má và bột Matcha rau má Quảng Thọ đã có mặt ở các tỉnh, thành trong cả nước.
Trước đây, rau má xã Quảng Thọ được người dân trồng theo hướng tự phát, chủ yếu bán dưới dạng rau xanh cho thị trường, đầu ra không ổn định, hay bị tư thương ép giá. Sau khi đưa dây chuyển sản xuất trà rau má túi lọc vào sản xuất, người dân xã Quảng Thọ đã triển khai sản xuất rau má theo tiêu chuẩn Vietgap, giá cả được HTX thu mua bao tiêu sản phẩm rau má ổn định.
Trồng và chăm sóc cây rau má tương đối đơn giản và ít tốn kém, bởi thời gian sinh trưởng ngắn. Rau má là loại cây sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh và trồng một lần là thu hoạch nhiều vụ, hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng lúa.
Bà Nguyễn Thị Loan một người có kinh nghiệm trồng rau má lâu năm chia sẻ, sau khi được HTX Quảng Thọ 2 quan tâm, hướng dẫn cho người dân quy trình trồng cây rau má theo chuẩn VietGAP cây sinh trưởng và phát triển rất tốt.
“Gia đình tôi áp dụng vào quá trình trồng rau má, đã bảo đảm đủ các điều kiện quy hoạch vùng sản xuất rau, nên sản phẩm gia đình tôi đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh và được thị trường ưa chuộng.
Trên cánh đồng này trước đây trồng lúa, năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha/năm, trồng rau má năng suất đạt gần 50 tấn/ha/năm. Tính ra, hiệu quả kinh tế của cây rau má gấp 4 - 5 lần cây lúa. Đến mùa rau má sạch được thương lái đến tận đồng ruộng thu mua với giá ổn định dao động từ 6.000 – 7.000 đồng/1kg. Sau những ngày mưa lũ vừa qua thì giá rau má tăng lên 15.000 đồng/1kg.
Ngoài bán cho các thương lái đến tận ruộng thu mua thì chúng tôi không lo đầu ra bởi đã có hợp tác xã thu mua bao tiêu sản phẩm rau má ổn định”, bà Loan chia sẻ thêm.
Liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm
Từ năm 2015, rau má Quảng Thọ được đưa vào sản xuất theo quy trình VietGAP. Các hộ dân tham gia sản xuất đều ký cam kết và tuân thủ đúng quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch.
Để tiêu thụ sản phẩm cho người dân và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, hợp tác xã Quảng Thọ 2 đã xây dựng nhà máy thu mua và chế biến các sản phẩm rau má. Nhà máy có hệ thống máy móc và quy trình công nghệ hiện đại.
Sản phẩm được đăng ký thương hiệu, mẫu mã bao bì “trà rau má Quảng Thọ” với sản phẩm “trà rau má túi lọc” và “trà rau má sấy khô” và sản phẩm “bột Matcha rau má” cung ứng ra thị trường trong cả nước.
Sản phẩm “trà rau má Quảng Thọ” cũng đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận là 1 trong 17 sản phẩm OCOP cấp tỉnh đạt 4 sao năm 2020 vừa qua. Bộ sản phẩm bột Matcha rau má của HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2 đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021.
Như vậy, ngoài việc dùng làm thực phẩm chế biến các món ăn hàng ngày, rau má Quảng Thọ đã được người tiêu dùng biết đến là một loại thức uống tốt, bổ dưỡng cho sức khỏe gồm trà rau má và bột Matcha rau má.
Các sản phẩm trà rau má và bột Matcha rau má của xã Quảng Thọ đã được công bố nhãn hiệu tập thể và đã được Cục Sở hữu Trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể và Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm Bộ Y tế cấp phép sản xuất.
Hiện nay, tại hợp tác xã Quảng Thọ 2, xã Quảng Thọ đã sản xuất các loại sản phẩm trà rau má đựng trong túi lọc và trà rau má sấy khô, bột Matcha rau má cung ứng cho thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ông Nguyễn Lương Trí - Giám đốc HTX nông nghiệp Quảng Thọ 2, xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho biết, nói đến Quảng Thọ là nói đến cây rau má và cây rau má không chỉ được tiêu thụ mạnh ở thị trường rau tỉnh Thừa Thiên – Huế mà còn được ưu chuộng ở các thị trường khác như Quảng Nam, Đà Nẵng…
Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông nghiệp là quy luật tất yếu của loại hình hợp tác xã kiểu mới, góp phần quan trọng cho nông sản của hộ thành viên có đầu ra ổn định, bền vững và tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới giàu đẹp.
“Sản phẩm rau má của người dân được HTX thu mua sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ đón nhận, hàng năm, HTX thu mua và tiêu thụ rau má tươi từ 180 - 200 tấn và chế biến các sản phẩm từ rau má khô 20 - 25 tấn.
Trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các đơn hành đi các tỉnh, thành có chững lại, tuy nhiên đầu năm 2022 này, HTX đã có những tín hiệu tích cực, nhiều đơn hàng đã hợp đồng thu mua các sản phẩm rau má của HTX.
Trong sản xuất rau má theo quy trình VietGAP, người dân phun thuốc sinh học tại đồng ruộng bảo đảm theo nguyên tắc 4 đúng gồm: “Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách”. “Quy trình VietGAP sau khi bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật thì phải có thời gian cách ly mới được phép thu hoạch nên không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Ngoài việc nâng cao thu nhập cho người dân trồng rau má, hợp tác xã còn phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt khâu tưới tiêu, tư vấn đường nội đồng, sâu bệnh hại hoa màu”, ông Trí nói.