Theo hướng dẫn này, đối với việc phụ đạo học sinh yếu, kém và bồi dưỡng học sinh giỏi, căn cứ Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT thì việc phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém, bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách nhiệm của nhà trường, không thu tiền của học sinh.
Do vậy, khi lập kế hoạch dự toán ngân sách, các cơ sở giáo dục công lập căn cứ kết quả phân loại học tập của học sinh năm học trước hoặc khảo sát chất lượng đầu năm học để lập kế hoạch dạy thêm các môn học cho đối tượng được học theo quy định.
Kinh phí giảng dạy cho các đối tượng này được xây dựng trong dự toán ngân sách của từng cơ sở giáo dục, tuân theo quy trình lập dự toán của từng cấp ngân sách.
Nguyên tắc chung thực hiện các khoản thu được Sở GD&ĐT lưu ý: Đối với các khoản thu học phí, giá dịch vụ trông giữ xe, phí và lệ phí khác (nếu có) cần thực hiện theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
Đối với các khoản thu, chi khác: Phải đảm bảo có cơ sở pháp lý từ các quy định của cấp có thẩm quyền của Trung ương và của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế;
Các khoản đóng góp tự nguyện phải đảm bảo đúng tính chất tự nguyện của người dân, tổ chức tài trợ, đóng góp. Tuyệt đối không gợi ý, không lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính chất cào bằng, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp dưới bất cứ hình thức nào;
Đảm bảo nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập dân cư trên từng địa bàn. Mức thu phải được xây dựng trên dự toán chi phí hợp lý, đúng mục tiêu huy động đúng quy trình theo quy định hiện hành và phải được thỏa thuận bằng văn bản với cha mẹ học sinh, có sự thống nhất của Ban Giám hiệu nhà trường trước khi ban hành và triển khai thực hiện. Không được dùng khoản thu này để điều chuyển hoặc chi cho nội dung, mục đích khác. Thực hiện công khai quy định của Bộ GD&ĐT và Bộ Tài chính.