Thừa Thiên - Huế: Học sinh vùng trũng mơ ước có phòng học kiên cố

GD&TĐ - Đó là tình cảnh “éo le” suốt gần 3 năm qua đối với thầy và trò trường tiểu học số 1 Quảng Thọ (huyện Quảng Điền).

Buổi học của các em học sinh lớp 5/1, Trường Tiểu học số 1 Quảng Thọ tại trường mầm non xuống cấp của xã.
Buổi học của các em học sinh lớp 5/1, Trường Tiểu học số 1 Quảng Thọ tại trường mầm non xuống cấp của xã.
Do trường cũ xuống cấp và thiếu phòng học nên nhà trường buộc phải “mượn” trường mầm non để dạy học cho học sinh... Đặc biệt do mái tôn mới lợp tạm để học do đó khi trời mưa thầy, cô giáo chỉ có cách đứng sát bên học trò để giảng, cô trò không có cách nào để nghe thấy lời của nhau.

Trường Tiểu học số 1 Quảng Thọ được tách ra từ Trường Phổ thông Cơ sở Quảng Thọ từ năm 1995, đóng trên địa bàn thôn Niêm Phò (xã Quảng Thọ). Ban đầu trường được xây dựng với 5 phòng học để đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. 

Tuy nhiên, sau trận mưa bão vào cuối năm 1999 thì một dãy phòng học trường này đã bị sập đổ... Đến nay, nhà trường không đủ phòng học để đáp ứng việc học 2 buổi/ngày đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Lãnh đạo Trường cho biết: Nằm ở địa bàn thấp trũng nên mùa mưa lũ năm nào, nhà trường cũng lo “sốt vó” bởi trong 5 phòng học thì có đến 2 là phòng học tạm.

“Cuối năm 2010, 2 phòng tạm này đã bị sập mái một lần. Rất may lúc đó các em học sinh vừa tan trường nên không có ai bị thương... Vì thế mà cứ đến mùa mưa, các thầy cô giáo ở trường luôn nơm nớp lo sợ cho tính mạng của học sinh” - Một thầy giáo cho biết thêm.

Suốt 3 năm qua, Trường Tiểu học số 1 Quảng Thọ phải mượn trường mầm non này để dạy học cho học sinh
 Suốt 3 năm qua, Trường Tiểu học số 1 Quảng Thọ phải mượn trường mầm non này để dạy học cho học sinh

Thiếu phòng học, nhà trường buộc phải xin địa phương “mượn tạm” trường mầm non cũ làm 2 phòng học Tin học và Anh văn cho học sinh lớp 3, 4 và 5. 

Chúng tôi đến trường mẫu giáo này vào một chiều mưa cuối tháng 11, lúc cô giáo Nguyễn Thị Thùy Nhi đang đứng lớp dạy môn Anh văn cho 27 học sinh thuộc lớp 5/1 trường tiểu học số 1 Quảng Thọ. 

Cô Nhi cho biết: “Tuy ở vùng đồng bằng nhưng điều kiện học tập của các em trong trường còn thua xa nhiều nơi so với các huyện miền núi. 

Do trường mẫu giáo đã rệu rã, xuống cấp nên mùa nắng thì rất nóng, mùa mưa thì dột khắp nơi. Đặc biệt, trường không có nước và nhà vệ sinh nên các em học sinh rất vất vả...”.

Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Lê Phước Thu - Hiệu trưởng - bày tỏ sự lo lắng: “Hiện cơ sở vật chất của nhà trường được xếp vào loại yếu kém nhất huyện. Biết vậy nhưng trường đành “bó tay” vì không có biện pháp khắc phục nào ngoài tăng cường tiết học cho các em...”.

Cũng theo thầy Thu, nhà trường đã nhiều lần kiến nghị và đề xuất lên Phòng GD&ĐT huyện Quảng Điền nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. 

Trong khi đó, dự án xây dựng kiên cố trường tiểu học số 1 Quảng Thọ suốt 2 năm qua vẫn còn “nằm trên bàn giấy” vì không có nguồn vốn để thực hiện. 

Và nói như thầy Thu: “Không biết các thầy cô cùng học sinh của trường sẽ phải cầm cự thêm bao lâu nữa bởi trong năm học 2014 - 2015 này, trường vẫn chưa thể xây mới thêm phòng học nào!”. 

Chia sẻ khó khăn cùng học sinh, giáo viên nhà trường, tuy nhiên việc xây dựng thêm phòng học mới vượt quá khả năng của xã, mặc dù địa phương rất quan tâm đến việc học tập của con em nhưng lực bất tòng tâm.

Ông Hoàng Công Phong - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ - cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm công tác nâng cao chất lượng của Trường tiểu học Quảng Thọ 1. Trong các cuộc họp đều đưa việc xây dựng trường vào công trình trọng điểm, nhưng đến nay vẫn thiếu vốn do kinh phí đầu tư quá lớn (khoảng 5 tỷ đồng). Đây cũng là băn khoăn của chính quyền xã và huyện vì cơ sở vật chất trường học là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới”. 

Trong lúc đó ông Phan Văn Hưng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quảng Điền thừa nhận: “Thiếu phòng học ở Trường Tiểu học Quảng Thọ 1 gây khó khăn lớn cho việc dạy học của giáo viên và học sinh ở trường. 

Trong các cuộc họp HĐND và các cuộc họp thường kỳ, chúng tôi đã đề xuất rất nhiều, phía lãnh đạo huyện cũng ghi nhận và tìm mọi cách kêu gọi đầu tư xây dựng nhưng đến nay vẫn chưa có vốn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.