Chốt kiểm soát y tế quá tải
Ghi nhận của Báo GD&TĐ tại chốt kiểm soát y tế số 4 và số 5 dưới chân đèo Hải Vân thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong những ngày qua có rất đông người đổ về đây. Đây là chốt có nhiệm vụ kiểm soát người và các phương tiện xe ô tô, xe chở khách.
Những người dân này đều trở về quê từ các tỉnh có dịch ở phía Nam bằng phương tiện xe máy. Lượng người đổ về đông, nên thời gian làm thủ tục cũng lâu hơn, họ ngồi “vật vờ” ven đường để ăn cơm và nghỉ ngơi trong lúc chờ khai báo y tế hoặc đưa đi cách ly.
Việc một lượng lớn người ùn ùn đổ về quê khiến các cán bộ, nhân viên, lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 phải làm việc liên tục gần như hết công suất và quá tải. Dù mệt mỏi, căng thẳng nhưng ai cũng nỗ lực để hỗ trợ làm thủ tục cho người dân một cách nhanh nhất có thể.
Thời tiết nắng nóng, oi bức trong nhiều ngày liên tiếp càng khiến người dân và lực lượng chức năng thêm vất vả. Để chống chọi với tiết trời nắng nóng, rất nhiều người dân trong đó có trẻ em và phụ nữ, phải dựng lều bạt, che chắn làm chỗ tạm nghỉ. Dưới cái nắng khắc nghiệt, họ ngồi vật vờ bên vỉa hè trong lúc chờ đến lượt.
Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã dựng tạm rạp che nắng cho bà con nghỉ ngơi. Ngoài ra, để hỗ trợ bà con từ xa về, lực lượng chức năng và người dân sống quanh khu vực chốt y tế số 4 nhiệt tình giúp đỡ, tặng nước uống và thức ăn.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính đến thời điểm hiện tại tổng số người qua chốt kiểm soát y tế trong ngày là 5.400 người. Trong đó, số người đến từ tỉnh, thành phố có dịch là 1.895 người.
Tại các chốt kiểm dịch, đối với những công dân các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh… từ các tỉnh phía Nam về quê bằng xe máy thì được lực lượng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ đồ ăn, thức uống cũng như điều tiết, dẫn đường cho họ tiếp tục hành trình về quê tránh dịch.
Một cán bộ tại chốt kiểm soát y tế số 5 cho biết, trong những ngày qua, lượng người trở về địa phương ngày càng nhiều khiến đội ngũ y tế, lực lượng chức năng phải căng mình xử lý.
Đối với những công dân ngoại tỉnh nếu kiểm tra không có dấu hiệu bất thường, thì sẽ được lực lượng chức năng hỗ trợ qua địa bàn để về quê. Đối với công dân quê tỉnh Thừa Thiên - Huế, họ sẽ phải thực hiện khai báo y tế, điều tra dịch tễ. Nếu đi về từ vùng có dịch thì sẽ được lực lượng y tế đưa đi cách ly tập trung tại các cơ sở mà tỉnh đã chuẩn bị.
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, chị Nguyễn Thị Mùi (30 tuổi, quê huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) cho biết, gia đình mình sinh sống tại TPHCM. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chồng chị không có việc làm, bản thân chị cũng vừa sinh con được 2 tháng nên gia đình quyết định về quê tránh dịch.
“Trước đó, để được về quê gia đình tôi đã đi làm xét nghiệm và có kết quả âm tính mới được trở về, mất hơn 2 ngày đi đường, mới đến Thừa Thiên - Huế và gia đình tôi vẫn đang đợi hoàn tất thủ tục để được đưa đi cách ly theo quy định”, chị Mùi chia sẻ thêm.
Sẵn sàng kích hoạt các khu cách ly tập trung
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng lãnh đạo các đơn vị, sở ngành liên quan đã đi khảo sát một số địa điểm để sẵn sàng kích hoạt các khu cách ly tập trung trong thời gian tới.
Qua khảo sát thực tế, các cơ sở vật chất tại Trường Đại học Kinh tế, Ngoại ngữ và Khoa Giáo dục thể chất…, các cơ sở này đều bảo đảm các điều kiện để hình thành một khu cách ly tập trung mới với tổng quy mô 1.000 giường. Ban giám hiệu các trường cũng sẵn sàng phối hợp cùng chung tay với tỉnh để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Sau quá trình khảo sát, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đề nghị Sở Y tế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Sở Xây dựng phối hợp, xây dựng phương án cụ thể của mỗi cơ sở nhằm bảo đảm bố trí nguồn nhân lực, vật lực để sẵn sàng kích hoạt, đưa vào hoạt động các khu cách ly mới; chủ động cho những kịch bản dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.
Dự kiến thời gian tới lượng công dân tại các địa phương có dịch đặc biệt là TPHCM sẽ trở về địa phương với số lượng lớn, để đáp ứng đủ chỗ cho công dân trở về, các địa phương tiếp tục rà soát các địa điểm, cơ sở vật chất hiện có trên địa bàn để sẵn sàng kích hoạt các khu cách ly đến cấp phường, xã; chủ động tự kích hoạt khi có yêu cầu.
“Chúng tôi đã lên phương án, bố trí lực lượng sẵn sàng để đón tiếp người dân bảo đảm khép kín, khoa học, tuyệt đối giữ an toàn cho các khu vực xung quanh. Về các khu cách ly, UBND tỉnh giao Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh tiến hành cải tạo các dãy nhà tầng lớp học, dọn dẹp vệ sinh toàn bộ khuôn viên. Ngoài ra, khu vực hậu cần và các vật dụng sinh hoạt cần thiết đều được bổ sung thêm để phục vụ tốt nhất cho người được cách ly”, ông Minh nói.
Trước tình trạng người dân ồ ạt về quê bằng phương tiện tự phát, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã khuyến cáo mọi người nên bình tĩnh, thực hiện nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh.
“Tỉnh sẽ tìm mọi cách để hỗ trợ công dân Thừa Thiên - Huế đang làm ăn, sinh sống và học tập tại TPHCM gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Hiện nay, chính quyền địa phương đang đẩy nhanh tiến độ đưa những người yếu thế từ vùng dịch trở về.
Tuy nhiên, do điều kiện của địa phương, nhất là cơ sở cách ly có giới hạn nên Thừa Thiên - Huế không thể đón tất cả mà ưu tiên đón người già, trẻ em, người mang thai, người dễ bị tổn thương do dịch bệnh về quê tránh dịch” - ông Phương cho biết.