Thừa Thiên - Huế đề nghị người dân hạn chế ra đường trước bão số 5

GD&TĐ - Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày 11/9 phát thông báo đề nghị người dân hạn chế ra đường khi có gió mạnh trong chiều và đêm nay (11/9).

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế  đôn đốc công tác ứng phó bão tại khu vực ven biển. Ảnh: Cổng TTĐT Thừa Thiên - Huế.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đôn đốc công tác ứng phó bão tại khu vực ven biển. Ảnh: Cổng TTĐT Thừa Thiên - Huế.

Dự kiến trong đêm 11 và sáng ngày 12/9, tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ ban hành lệnh cấm ra đường khi có gió mạnh.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, do ảnh hưởng của bão số 5, từ ngày 11 đến 13/9 trên địa bàn tỉnh có thể xuất hiện một đợt mưa lớn trên diện rộng, gấy lũ quét và sạt lở đất.

Từ đêm nay, trên địa bàn tỉnh sẽ có gió giật mạnh, tỉnh đề nghị các huyện, thị xã và TP. Huế, các sở, ban ngành trong tỉnh kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó bão số 5.

Sáng 11/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các địa phương ven biển hỗ trợ người dân gia cố nhà ở an toàn, khẩn trương rà soát các đối tượng dễ bị tổn thương, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn trước khi bão vào, lưu ý công tác đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 cho các địa điểm sơ tán, khu cách ly, hoàn thành trước 17h ngày 11/9.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng kiểm tra chỉ đạo gia cố các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho nhân viên trực chốt, vừa đảm bảo 2 mục tiêu phòng chống dịch Covid-19.

Từ 12h trưa 11/9, người dân Lý Sơn được yêu cầu không ra khỏi nhà

Trưa 11/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng ngãi đã có công điện khẩn chỉ đạo các sở ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 5; mưa, lũ và sạt lở đất; đảm bảo an toàn tàu, thuyền, lồng bè…

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Lý Sơn, Bình Sơn thông báo và không để người dân ra khỏi nhà, nơi cư trú kể từ 12h ngày 11/9 để đảm bảo an toàn tính mạng cho đến khi hết gió mạnh.

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, do ảnh hưởng của bão số 5, từ nay đến ngày 13/9 ở các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa ở Quảng Trị đến Quảng Nam phổ biến 200-300mm, có nơi trên 350mm, Quảng Ngãi phổ biến 100-200mm, có nơi trên 200mm.

Từ ngày 12-14/9 ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt.

Từ nay đến ngày 12/9, các tỉnh Bình Định, Kon Tum và Gia Lai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-80mm/24h, có nơi trên 100mm/24h.

Hướng di chuyển của bão số 5.

Hướng di chuyển của bão số 5.

Huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ chằng chống, gia cố nhà ở, công trình, trụ sở... Tổ chức sơ tán dân đến nơi an toàn; rà soát công tác dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu tại cơ sở, nhất là nơi có nguy cơ cao bị chia cắt, cô lập. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời hỗ trợ người dân khi có yêu cầu.

Tập trung kiểm tra, rà soát và kịp thời huy động lực lượng tổ chức sơ tán các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đặc biệt lưu ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân ở vùng đã bị sạt lở đất và có nguy cơ cao bị sạt lở đất tại các huyện: Sơn Tây, Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long, Sơn Hà; vùng trũng thấp tại các huyện: Bình Sơn, Trà Bồng... Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi có sóng, gió lớn.

Đà Nẵng: Mở cửa âu thuyền Thọ Quang đón tàu thuyền tránh bão

Sáng 11/9, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh tiếp tục chỉ đạo các sở ngành, UBND các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án, lực lượng sơ tán nhân dân và bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid-19, nhất là tại các khu vực dân cư đang sống ở những vùng trực diện với bão, nhà không kiên cố, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét... 

Chỉ đạo triển khai công tác ứng phó bão số 5, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng lần này Thành phố chống bão khác với những lần trước, bởi vừa phải chống bão vừa phòng, chống Covid-19.

Do đó, các sở, ban, ngành và địa phương phải chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống bão, trong đó phải có phương án và tổ chức lực lượng sơ tán dân đến nơi an toàn, bố trí nhiều địa điểm. Khi sơ tán thực hiện như phương án giãn dân ở các “vùng đỏ” trong thời gian qua với nguyên tắc mỗi hộ gia đình ở 1 phòng, tránh bố trí nhiều hộ gia đình vào 1 phòng.

Ông Nguyễn Văn Quảng yêu cầu khu vực âu thuyền Thọ Quang phải mở cửa tiếp nhận các tàu cá ngoại tỉnh vào trú bão nhằm bảo đảm an toàn cho ngư dân. Các đơn vị, địa phương phải xây dựng phương án đón ngư dân vào trú bão an toàn, nhưng bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Nghệ An sơ tán dân tránh bão đảm bảo phòng dịch Covid-19

Ngày 11/9, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đã có công văn số 145 về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất cũng như các tình huống bất thường, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thành phố, thị xã, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Giám đốc các công ty thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện một số nội dung quan trọng:

Theo dõi chặt chẽ tình hình bão số 5, mưa lớn để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân, đặc biệt là việc sơ tán di dời dân cư ở các khu vực có nguy cơ cao. Tuân thủ tuyệt đối các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời, sẵn sàng phương án bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn...

Đến chiều 11/9, tỉnh Nghệ An đã kêu gọi gần 3.400 tàu thuyền với hơn 17.100 lao động vào bờ tránh, trú bão nhằm đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho các ngư dân. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ