Thừa Thiên Huế: Các cơ sở lưu trú, điểm du lịch… được nới lỏng sau 22/4

Thừa Thiên Huế: Các cơ sở lưu trú, điểm du lịch… được nới lỏng sau 22/4

Một số mặt hàng, cơ sở lưu trú, các điểm du lịch, dịch vụ ăn uống... sẽ được phép hoạt động để giảm bớt sự khó khăn cho người dân.

Bà Văn Thị Hồng Khuyên, chủ khách sạn tư nhân ở thành phố Huế, cho biết, hơn 2 tháng tập trung phòng chống dịch Covid-19, khách sạn của gia đình bà phải đóng cửa. Dù không có nguồn thu, bà Khuyên vẫn phải trả lương cho nhân viên, thỏa thuận giảm một nửa hoặc 1/3 lương để giữ chân người làm và giúp người lao động vượt qua khó khăn.

“Mình cũng trông được hoạt động lại để kinh doanh, mọi người đi làm lại. Khách sạn không có thu nhập thì lấy đâu ra trả tiền cho người làm. Doanh nghiệp lưu trú mong được hoạt động để tạo điều kiện cho các anh chị em ở trong khách sạn được đi làm lại và có hướng có khách lâu dài” - bà Khuyên nói.

Sau 22/4 các cơ sở lưu trú, các điểm du lịch, dịch vụ ăn uống... sẽ nới lỏng.
Sau 22/4 các cơ sở lưu trú, các điểm du lịch, dịch vụ ăn uống... sẽ nới lỏng.

Các cơ sở kinh doanh mặt hàng không thuộc nhu yếu phẩm đóng cửa hơn nửa tháng qua, sắp tới cũng hoạt động trở lại. Đối với ngành dịch vụ ăn uống sẽ được nới lỏng sau ngày 22/4 nhưng có kiểm soát, phải đảm bảo an toàn, đảm bảo vệ sinh phòng dịch.

Bà Bùi Thị Hiền, chủ quán Đông Ba ở khu phố Tây, thành phố Huế cho biết, hơn một tháng qua, quán ngưng hoạt động, nay nghe tin cho hoạt động trở lại, bà mừng lắm và mong việc kinh doanh thuận lợi.

“Tôi rất mong dịch bệnh sẽ lắng xuống và cuộc sống ổn hơn, để người dân sinh sống một cách bình thường và tiếp tục kinh doanh được” - bà Hiền chia sẻ.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh những ngày qua có nhiều diễn biến theo hướng tích cực. Với quan điểm phòng, chống dịch nhưng phải đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thường xuyên theo dõi, kịp thời đưa ra những quyết sách hợp lý, bảo đảm mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội.

Theo đó, sau ngày 22/4, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ chỉ đạo nới lỏng vòng trong đối với một số lĩnh vực kinh doanh, cơ sở lưu trú, các điểm du lịch, dịch vụ ăn uống... theo hướng có kiểm soát chặt, để giảm bớt khó khăn cho nhân dân; đồng thời, duy trì thắt chặt vòng ngoài để kiểm soát tốt dịch bệnh.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, dịch vụ du lịch là một thế mạnh. Thế nhưng, gần 3 tháng qua, do ảnh hưởng của đại dịch, các dịch vụ du lịch, lữ hành đều không thực hiện được các tuor, tuyến, các nhà hàng khách sạn cũng phải đóng cửa.

Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp Hội du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: “Các công ty lữ hành thì hiện nay đang bố trí nhân lực làm việc tại nhà hết, làm theo chế độ online, tạo nên sản phẩm du lịch mới để khi hậu dịch để có thể tung ra để phục vụ khách. Hiệp hội du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang cố gắng tạo điều kiện để vận động khách sạn, tiếp tục nâng cao cơ sở vật chất của mình, đặc biệt là công tác đào tạo lại để cho nhân viên nâng cao tay nghề”.

Theo vov.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ