Kính tặng các thầy cô,
những người lái đò
suốt một đời cần mẫn,
nhân Ngày 20/11;
thay lời tri ân
mà học trò chúng em
chẳng thể nói hết một lần.
Nắng loãng dần trên các ngọn cây, lãng đãng những chiếc lá nhẹ gieo bay bay giữa sân trường. Mấy chú bồ câu liệng vài vòng nghiêng ngó rồi kéo nhau sà xuống cái sân gạch đỏ au đang nghiêng nghiêng duỗi mình sau một ngày nhộn nhịp ồn ào. Ai đó lướt qua giục giã:
- Chưa về à? Muộn rồi đấy!
Nó lơ đãng:
- Vâng, muộn rồi!
Chẳng hiểu sao, từ lúc chứng kiến sự lao xao túm tít của các nhỏ em lớp 1 trong ngày đầu nhận lớp, sự xao xuyến bâng khuâng cứ ùa về nghẹn ứ trong nó. Ngồi làm việc mà đầu óc phiêu bồng lướt thướt mãi đâu, mấy cái văn bản bỗng dưng được sửa đi sửa lại đến dăm bận. Giá như phòng làm việc đừng nằm trên tầng bốn, cũng không kề sát ngôi trường thường xuyên rộn rã tiếng cười này và cửa sổ quay hướng khác, không thu trọn cái khuôn viên rợp mát bóng cây này thì bây giờ có lẽ nó đang vô tư tung tăng ngoài phố. Bản giao hưởng ngày nào đâu trỗi dậy thổn thức những nốt lặng trầm tư: Đứa trò nhỏ còi còi, cô giáo yêu thương …!
Đến tuổi đi học, khi bắt đầu biết tràng gáy “Ò…ó…o…” của chú gà trống sặc sỡ đang vươn dài cổ ngoài bìa quyển sách kia là các chữ cần phải học, cần phải viết bằng mẩu bút chì con con vẫn kẹp sẵn trong quyển vở ô li đen đen, nó được bố dắt trao tận tay cô giáo Nhân. Cô giáo nhỏ nhắn trong ngôi trường cấp 1 nằm chơ vơ trên dẻo đất đỏ đầu làng. Chẳng rõ tuổi cô hồi ấy thực sự là bao nhiêu nhưng trong tâm tưởng, nó luôn mặc định cô là một bà giáo già với mái tóc dài búi trễ buông trùng sau gáy, cặp kính trắng lúc nào cũng hững hờ tụt ngang sống mũi.
Mỗi lần lũ trò nhỏ líu ríu cất tiếng chào, cô phải nhướn cặp lông mày đưa tay đẩy cao gọng kính rồi mới gật đầu hé nụ cười mỉm hiền từ đáp lời. Cả làng, ngày ấy, chỉ mỗi lớp chúng nó là học sinh lớp Một, đứa nào cũng lơm chơm vàng khè và nhỏ tí xíu. Tập trung ở trường chính vài hôm thì chuyển về học tại một gian ngách trong ngôi đình cổ to tướng nằm giữa làng, ngôi đình Tám Mái gắn với bao chiến công hiển hách của dân làng từ thời kháng Pháp. Đó là điều có lẽ vô cùng may mắn với nó, chứ mãi ở trường chính dòng kí ức chưa chắc được tràn trề đến vậy.
Và trên dòng chảy mênh mang dạt dào ấy, “bà giáo già” thuở nào luôn thoắt ẩn thoắt hiện đến lạ lùng. Thoáng như một bà mẹ bao dung tha thiết, thoáng lại như một bà tiên phúc hậu đầy những phép biến hóa diệu kì. Lớp học nho nhỏ và rất gọn gàng, không chen chúc đông đúc mà chỉ mười mấy hai chục trò xếp dãy bên nhau trên các bộ bàn ghế đóng từ các mảnh gỗ ghép vội nhưng đứa nào cũng như một con bọ dừa lao nhao, nhộn nhạo suốt buổi.
Để học trò quen nếp, buổi nào đến, nó cũng thấy cô có mặt trong lớp tự bao giờ. Hôm kiểm tra đầu tóc tay chân, cắt gọn ghẽ móng tay đứa này, chỉ đứa kia mang nhau ra thùng nước cô vừa xách để sẵn ngoài đầu hồi rửa ráy sạch sẽ. Hôm kiểm tra sách vở mấy thằng con trai hay lơ láo, hướng dẫn mấy đứa con gái cách kê bàn ghế và quét lớp cho sạch. Ổn định rồi thì gọi kiểm tra bài học từng đứa. Cô tinh lắm, chỉ lướt một lượt kiểu gì cũng lôi ra chính xác những đứa ậm ừ lúng búng mà giảng giải rất từ từ cẩn thận. Chỉ từng nét chữ viết từng con số mà mặt vẫn còn ngơ ngơ, cô liền cầm tay hết tô trên bảng lại mạc tới mạc lui mòn dòng kẻ. Ai mạc cứ mạc, cô tiếp tục vòng khắp lớp.
Khi mải miết kéo thẳng lưng mấy con chữ thằng Tuấn thả ngả nghiêng, khi cầm tay cái Thủy nắn chữ o cho thật tròn trịa thẳng hàng, khi nắn bút cái Mùi biết kiên nhẫn thu nhỏ con chữ nép gọn theo các dòng ô li trong vở, lúc uốn miệng đánh vần đi đánh vần lại các tiếng có nguyên âm đôi cùng chúng nó đến vã mồ hôi. Luôn tay luôn chân vậy mà chẳng thấy cô vội bao giờ, rất thong thả, nhẹ nhàng và chậm rãi. Chắc cô sợ nếu mình dạy nhanh quá lũ trò non nớt mải chơi sẽ đánh rớt đâu đó trên con đường về tím ngát hoa mua.
Nó ở với bà nội trên rìa làng, xa nhất so với các bạn nên hay đến lớp muộn. Nhiều hôm trời mưa, lếch thếch lội đến nơi, sách vở ướt rượt, lớp đã học tự bao giờ. Thường những đứa hay đi học muộn hoặc mắc lỗi vi phạm trong lớp sẽ bị bọn còn lại đẩy lên đứng trước lớp và đua nhau “ồ…ồ…ê…ê…” một hồi dài. Nhưng riêng nó, nếu vô tình chứng kiến, kiểu gì cô cũng bảo về chỗ. Đã không phải chịu phạt mà còn được tỉ mỉ chỉ dẫn giúp hoàn thiện những phần bài mới học qua, nước có vừa ngập lướt thướt ngang người thì trong nó cũng thành khô cong dễ chịu. Với cô, một đứa nhỏ vốn rụt rè ít nói lại sống xa bố mẹ, mọi trách phạt có lẽ không cần thiết và sẽ rất là vô bổ.
Lên lớp Hai, không còn được loay xoay bên lũ bạn lóc nhóc màu nắng và phải nói lời tạm biệt cô giáo Nhân, nó chuyển xuống phố học. Ngôi trường mới nằm mấp mé triền một dãy núi dài gối đầu lên bờ con sông Mã anh hùng kỳ vĩ vô cùng. E tiếng trường phố, đã rụt rè ít lời, nó càng trầm lặng hơn. Nhưng mọi nỗi sợ nhanh chóng tan biến như một cơn gió thoảng. Chẳng biết có phải vì là trường vùng ven hay nỗi e dè chỉ là cảm giác mà bạn bè và thầy cô đều rất gần gũi thân thiện, không bao lâu nó đã hòa đồng được với mọi người dù chưa hoàn toàn thoát khỏi cái vỏ kén nhút nhát cố hữu.
Hết học kì một, cô Bảy vào chủ nhiệm lớp nó. Buổi học đầu tiên, cô không kiểm tra chúng nó đọc thế nào, chữ nghĩa viết lách ra sao. Cô chỉ hỏi:
- Các em thấy mình có ngoan không? Biết giúp bố mẹ việc gì?
Những cánh tay rào rào đưa lên. Dường như sợ kể không kịp các bạn sẽ nói mất, đứa nào cũng tranh nhau. Rửa bát, quét nhà, nấu cơm, trông em… Từng khuôn miệng nhỏ xinh hào hứng đến bất ngờ. Ban đầu, nó cũng giơ tay hăng hái lắm nhưng chợt ngập ngừng rụt lại. Nếu như còn trên quê, nó đâu thiếu việc để khoe. Từng bì lá tre chật căng xếp ngoài trái bếp, nó cùng bọn cái Thơm đi vơ mỗi buổi chiều. Cái nền nhà đen nhẵn bóng mịn không một hạt bụi, mỗi sớm nó lau chau tranh quét trước bà bằng cái chổi rơm vàng ươm bà lui cui bện từ rơm nếp thơm thơm.
Hè về, khi những quả mít lúc lỉu bắt đầu tròn mọng căng gai, có đứa lại chót vót trên cây vừa vỗ bồm bộp thử quả vừa khanh khách cười gọi bà bắc thang hái. Bà ra chưa kịp liền tranh thủ lựa từng chiếc lá mít lốm đốm vàng tươi nhét phồng bụng áo rồi vươn người khều mấy bông dẻ vàng ruộm trốn bên dậu tre già, để có lần ngã bệt mông lê mãi mới vào được nhà. Về đây, nó biết kể cái gì? Việc nó làm thì cũng giống các bạn, mọi người đều nói rồi. Chắc trông mặt nó ngô ngố thồn thộn buồn cười lắm nên cô nhanh chóng bước xuống:
- Giang, cô chưa thấy em nói?
Đỏ bừng mặt đứng lên, nó cúi gằm lí nhí:
- Thưa cô… thưa cô… em không biết nói gì. Các bạn kể hết cả rồi ạ.
Cúi xuống cầm bàn tay nhỏ xíu đang mân mê tà áo, cô cười nhẹ:
- Không sao con gái! Quan trọng là các em đã biết làm việc nhà giúp đỡ bố mẹ, như thế là các em đã biết quan tâm và thương yêu bố mẹ mình rồi đấy.
Ô, cô tài thế! Mới buổi đầu đã biết và gọi đúng tên, nó ngạc nhiên tròn mắt nhìn cô. Từ đó, tâm trí nó như chỉ để dành đến riêng cô. Nó biết cô ở một gian tập thể của nhà trường phía trên con dốc đá cao cao, muốn tới phải leo mỏi giò. Nó biết chồng cô đi làm xa, rất ít khi ở nhà, mọi việc trong nhà đều một tay cô lo liệu. Và thế là cứ sáng nào rỗi rãi nó lại tìm lí do có mặt ở nhà cô, hôm một mình hôm kéo theo mấy đứa cùng lớp. Đứa tìm bì lạc bóc dở cô cất kĩ trong góc phòng, đứa nhắm tịt mắt quạt cái bếp lò nhóm dở um những khói, đứa lệch xệch kéo bì mùn cưa đổ ra sân nắng.
Việc nhà, có khi chúng nó không tự giác được đến vậy. Sáng nào không đến được, trước buổi học chiều, nó cũng phải có mặt trên nhà cô ít nhất 30 phút. Không lên nó thấy chân tay bứt rứt khó chịu dù nhiều lúc chỉ để ngắm bé út nhà cô đang ngon giấc trong chiếc nôi mây mềm mại hay loanh quanh một hồi trước căn phòng kín cửa. Quen chạy nhảy khắp cánh đồng làng, rượt nhau chí chóe dọc bờ đê lộng gió trên nhà bà nên con dốc đá mấp mô, nhiều đứa lè lưỡi muốn lên mà ngại trèo, lại không hề khiến nó chùn chân dù có leo lên leo xuống ngày năm bảy lượt.
Mỗi năm được học với những thầy cô khác nhau, mỗi người mang đến lớp một phong cách, khi sôi nổi nhiệt tình khi trầm lắng nhẹ nhàng nhưng nó thì vẫn vậy. Cất tất cả trong suy nghĩ của mình dù luôn tham gia mọi hoạt động một cách nhiệt tình và hăng hái nhất. Cái tính ấy đã khiến nó mãi trăn trở chỉ vì một lần cố gắng thay đổi, quyết thể hiện theo lời căn dặn ngày chia tay tổng kết. Nhưng chỉ làm mà chưa biết suy nghĩ thấu đáo quả thực quá sai lầm.
Vườn nhà nó rất rộng, bố mẹ lại có vẻ mát tay nên rau quả xanh um mướt rượt, ăn rồi cho vẫn còn la liệt. Nhiều lần không bảo quản được lâu phải bỏ đi, tiếc của nó đòi mang xuống chợ, cái chợ nhỏ họp ngay dưới ngã ba gần nhà. Lúc đầu chỉ dăm quả bí tròn vo, vài quả bầu dài ngoằng như chiếc đòn gánh, mấy bó rau xanh, những quả ớt chon chót đỏ. Hôm nào nặng không bê được, bố mang xuống hộ. Lên lớp Tám, lớp Chín, nó đòi bố dẫn đi chợ xa trong thị xã. Bởi lúc này bố mẹ giao hẹn: Bán được bao nhiêu không yêu cầu đưa về cho mẹ mà tự giữ lo tiền sách vở học hành của bản thân. Vài ngày nó lại một chiều ngồi chợ thị xã, những ngày hè thì mật độ thường xuyên hơn. Bán được nhiều hơn, nhanh hơn và cũng học được rất nhiều điều.
Ngày ấy, vừa đi qua thời bao cấp đang bắt đầu mở cửa kinh tế, cuộc sống còn vô vàn khó khăn. Nhất là với những người ăn lương Nhà nước, loay xoay chật vật đủ đường mà vẫn thiếu trước hụt sau. Người tranh thủ khai phá các mảnh đất con con quanh nhà, trồng trọt tưới tắm. Người đóng chuồng vỗ béo mấy con gà, chăn nuôi vài con lợn. Ai làm được gì là lăn ra vội vã tận dụng không cho thời gian hở chút nào, các cô giáo của nó càng không ngoại lệ.
Nhưng khổ nỗi nghề nghiệp đã khiến các cô như bị đóng khung trong một khuôn hình có sự tô vẽ khác biệt của nhiều người trong xã hội, không dễ dàng để xuất hiện mình chốn công cộng đông người trong một vai trò hoàn toàn khác biệt. Đó là chợ, nơi vốn đủ mọi hổ lốn xô bồ trong cuộc sống lại càng không đơn giản. Nó thì quá ngây ngô chưa hiểu những điều tế nhị đó. Giá vẫn rụt rè, lí nhí như mọi lần gặp cô ở trường có lẽ nó đã không phải mắt tròn mắt dẹt lúc đó. Và sau này, dù gặp cô bao lần cũng chưa bao giờ dám mở miệng nói với cô một câu xin lỗi. Vì chắc chắn dẫu có gợi ra, cô sẽ không nhớ chuyện cỏn con ấy nhưng nó vẫn sẽ nhớ, nhớ mãi để răn mình: Phải biết thể hiện mình nhưng cần đúng lúc đúng chỗ, đừng để thiên hạ có cớ chỉ trỏ giữa chốn đông người! Muốn an toàn trước tiên phải tự biết bảo vệ!
Hôm ấy, vừa tong tả gỡ được mấy rổ rau từ trên gác ba ga xe đạp xuống, đang sắp xếp từng loại ra mẹt tại chỗ ngồi quen thuộc, nó bỗng thấy một dáng người quen quen đi lướt qua, mặt mũi bịt kín mít. Người đó đặt rổ ngồi xuống đối diện chênh chếch với nó một đoạn và bắt đầu bày ra từng loại rau khác nhau nhưng mỗi thứ chỉ một ít, chắc cũng rau nhà. Vừa lúc có người hỏi mua mấy mớ dọc mùng, mải bán nó quên béng cái người quen quen ngồi dãy bên kia.
Đến lúc ngẩng lên nhìn kĩ, nó chợt ngỡ ngàng ớ người: Cô Hà, cô giáo dạy Toán lớp nó hồi cuối năm lớp Bảy, lớp Tám. Chính cô là người khơi gợi trong nó sự say mê học hành, kéo nó ra khỏi cái u u mê mê của một loạt các phương trình đại số, các định lí định luật thấy ngắn gọn mà loằng ngoằng không tưởng. Mỗi lần giải được một bài toán, khi nó hí hửng nộp lên, dù chưa hoàn hảo cô không gạch một gạch đỏ chóe hay côm cốp gõ vào đầu mà cô khen. Khen câu trả lời ngắn gọn rõ ràng, khen hướng giải đúng và chỉ rõ từng lỗi sai, giảng cặn kẽ từng cách sửa.
Cô khiến nó biết tin vào mình, biết khẳng định mình để không còn phải ngó nghiêng sang cái Hương “chéc” ngồi cạnh mỗi tiết kiểm tra Toán. Điểm số của nó tuy không cao chót vót như các bạn nhưng được cải tiến đáng kể và bắt đầu thể hiện đúng thực lực bản thân. Điều mà trước đây dù cố gắng mọi cách, nó vẫn như bơi trong sương mù không tài nào thoát ra được. Lâu lắm chẳng ngờ lại được gặp cô ở đây, nó sung sướng hét toáng: “Cô Hà! Em chào cô ạ!”.
Chao ôi, lời chào của cô học trò cũ mới vang động làm sao! Bao khuôn mặt, bao ánh nhìn quanh đó gần như tập trung đổ dồn hết vào người phụ nữ nhỏ bé đang loay hoay bên những bó rau xanh mướt kia. Họ ngạc nhiên, họ tò mò nhưng chưa chắc đã kịp nhìn thấy khuôn mặt cô thoáng đỏ bừng rồi dịu xuống rất nhanh. Cô mỉm cười nhẹ với cô học trò đang vô tư háo hức trước mặt: “Bán ở đây hả em?”. Một lúc lâu, cô bỗng bê rổ rau đứng lên.
Trước khi đi khuất sang khu chợ phía đằng đông, cô còn gọi nó: “Mang xe sang nhà xe gửi đi em! Mải bán hàng để đấy không trông được đâu!”. Nó cười: “Em để đó quen rồi cô ạ!” mà chưa kịp thấu tấm lòng cô yêu thương đến vô cùng, chỉ mải lẩn thẩn sao cô lại sang bên kia, ai bán rau đều ở đây cả, sang đấy thì bán sao? Rất nhiều những buổi chợ sau đó, nó cứ nhấp nhổm mong được gặp cô mà chẳng hề thấy, nhưng cũng không lăn tăn chút bận tâm nào.
Mãi sau này, trưởng thành hơn, nó mới hiểu ngày ấy mình đã quá vô tâm, một sự hời hợt không đáng có nhưng cũng biết nhờ đó mà có sự nghĩ ngợi hơn trong mọi phép cư xử về sau. Và nó cũng đã tập được cho mình trở nên mạnh dạn hơn rất nhiều. Tất nhiên không phải là ngoác mồm ầm ĩ giữa chợ, mà như lời cô dạy là dõng dạc rõ ràng, là dám thể hiện năng lực bản thân và được công nhận…
Ngoài đường, tiếng máy xẻ gỗ bỗng xe xé dội vào, mấy chú bồ câu vút lên tổ nghển cổ ngó xuống. Nó lặng lẽ đứng dậy. Những đám mây vẫn thong dong bồng bềnh trong sắc tím, thênh thênh một khoảng trời!