Thư viện yêu thương

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Một tháng trở lại đây, trẻ em phố Hoàng Liên (phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm) không còn tìm chỗ chơi trong những ngày cuối tuần...

Chị Quỳnh Liên và độc giả nhí đến thư viện
Chị Quỳnh Liên và độc giả nhí đến thư viện

Thay vào đó các em đã tìm đến thư viện miễn phí để đọc sách.

Nơi kết nối cộng đồng

Thư viện sách miễn phí phố Hoàng Liên nằm trong dự án “xây dựng thư viện yêu thương tuyên truyền, vận động lan tỏa văn hóa sách kết nối tình yêu mỹ thuật qua từng trang sách” được chị Ngô Quỳnh Liên, là người dân địa phương ấp ủ suốt 5 năm qua. Đến tháng 2/2023 thư viện sách miễn phí mang tên Thư viện yêu thương chính thức đi vào hoạt động.

Thời gian đầu, thư viện chỉ có chưa đến 100 cuốn sách và chủ yếu là truyện thiếu nhi. Đến nay, nhờ các nguồn quyên góp từ xã hội hóa, thư viện có khoảng 1.000 đầu sách các loại với chủ đề phong phú như: Văn học, mỹ thuật, tâm lý, kỹ năng mềm, dinh dưỡng, hướng nghiệp, truyền cảm hứng...

Ban đầu, ý định mở thư viện sách miễn phí của chị Quỳnh Liên không được ủng hộ, nhiều người nói với chị rằng mở thư viện không ai đọc, học sinh bây giờ chỉ thích điện tử. Thế nhưng với mong muốn lan tỏa văn hóa đọc đến khắp nơi để kết nối cộng đồng, gắn kết yêu thương chị Quỳnh Liên vẫn quyết tâm thực hiện.

“Dù mở thư viện sách miễn phí không còn mới mẻ nhưng đối với phố Hoàng Liên, xóm nhỏ của chúng tôi là điều lạ trong những cái rất quen. Bởi phố Hoàng Liên, phường Liên Mạc là nơi sát vùng ven ngoại thành, học sinh ở đây thiệt thòi hơn nhiều so với vùng nội thành. Các em không có nhiều sân chơi, hoạt động trải nghiệm.

Thay vì để trẻ em tiếp xúc với thiết bị điện tử, tôi muốn lan tỏa văn hóa đọc tới các em nhiều hơn. Đọc sách là bộ môn giải trí lành mạnh, giúp trẻ em thoát khỏi thói quen xấu và tạo dựng nên nếp sống lành mạnh, bổ ích...”, chị Quỳnh Liên chia sẻ.

“Tôi coi thư viện sách như của cộng đồng chứ không phải của bản thân. Tôi kêu gọi phụ huynh, học sinh, bạn bè cũng như người dân trong phố Hoàng Liên đến quyên góp sách. Người góp nhiều đến 200 quyển, ít thì 2 đến 3 quyển, mỗi người góp một phần nhỏ tạo nên tủ sách lớn.

Không chỉ người lớn, cả những bạn nhỏ chưa biết đọc chữ cũng đến xin góp sách. Nếu mình bỏ tiền ra mua hết sách, mọi người chỉ vào đọc sẽ cảm thấy không thoải mái. Nhưng khi mọi người cũng chung tay góp sách cảm thấy gần gũi hơn, khiến họ cảm thấy yêu thư viện như của mình và thích đến...”, chị Quỳnh Liên bộc bạch thêm.

Thư viện yêu thương được mở cửa từ 9 giờ đến 16 giờ chiều các ngày trong tuần, riêng cuối tuần tăng thêm thời gian mở cửa, phục vụ cả đọc tại chỗ và mang về. Đối tượng bạn đọc không giới hạn độ tuổi, bất kể già hay trẻ, ai có nhu cầu đều có thể đến thư viện đọc và mượn sách.

Không gian Thư viện yêu thương chỉ rộng khoảng 70m2 với 2 dãy bàn nhỏ được kê ngay ngắn, đồ vật trang trí trong thư viện là những đồ được tái chế lại từ những hộp nhựa hay vỏ lon đã bỏ đi. Đến với thư viện đặc biệt này, các bạn nhỏ không chỉ được tiếp cận với tri thức, mà còn được dạy về tình yêu môi trường qua bài học về tận dụng đồ tái chế.

Ngoài hoạt động đọc và mượn sách, thư viện còn miễn phí tổ chức 2 buổi sinh hoạt/tháng để bạn đọc có thể giao lưu, kết nối với nhau. Đặc biệt, thư viện còn mời chuyên gia tâm lý chia sẻ với phụ huynh về tâm lý lứa tuổi, cách chăm sóc trẻ, đọc sách và cách vận dụng kiến thức trong sách.

Học sinh trên địa bàn khu dân cư phố Hoàng Liên đến thư viện.

Học sinh trên địa bàn khu dân cư phố Hoàng Liên đến thư viện.

Lan tỏa mô hình

Những ngày cuối tuần, em Nguyễn Long Nhật, lớp 5 Trường Tiểu học Tây Tựu A (quận Bắc Từ Liêm), đã chủ động xin phép bố mẹ để lên thư viện lựa chọn cho mình nhiều cuốn sách yêu thích để đọc và tìm hiểu cũng như củng cố kiến thức cho bản thân. “Trước đây, mỗi dịp cuối tuần em hay đòi bố mẹ đưa đi mua sắm hoặc đi công viên. Từ khi đến với thư viện miễn phí ở phố Hoàng Liên cạnh nhà, em có thêm địa chỉ rèn kỹ năng đọc và bổ sung kiến thức...”, Long Nhật bày tỏ.

Ông Nguyễn Hữu Sự, Bí thư Đảng ủy phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cho biết, hưởng ứng phong trào đọc của TP Hà Nội phát động, địa bàn phường thiết chế văn hóa có đủ 10/10 nhà văn hóa khu dân cư. Trong đó có bố trí các tủ sách để phục vụ nhân dân, đặc biệt vào mỗi dịp Hè phục vụ cho học sinh.

Bên cạnh đó, tại các tổ dân phố Hoàng Liên 1, 2, 3 mới đây có thêm Thư viện yêu thương – đây là thư viện miễn phí phục vụ người dân và học sinh địa phương. Thư viện dù mới đưa vào hoạt động nhưng được phường, hội đoàn thể, người dân rất quan tâm, ủng hộ. Cũng bởi sự quan tâm đó mà lượng sách của thư viện ngày càng nhiều thêm.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), cho biết, thư viện sách miễn phí phố Hoàng Liên (phường Liên Mạc) là một mô hình hay để lan tỏa văn hóa đọc cho học sinh địa phương và cần được nhân rộng. Số lượng bạn đọc đến Thư viện yêu thương ngày một đông, đọc sách dần trở thành thói quen của những người dân ở phố Hoàng Liên, xóa tan nỗi lo về tủ sách “thất bại”.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, chị Quỳnh Liên cho biết, tiếp tục kết nối, huy động nguồn lực xã hội hóa để tủ sách thêm phong phú. Đồng thời, Thư viện yêu thương mong muốn truyền cảm hứng đến những người đang ấp ủ xây dựng thư viện bằng thông điệp: Làm thư viện không quá khó và lan tỏa văn hóa đọc cũng vậy, chỉ cần có tâm thì thành công sẽ đến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đây là lần thứ hai NHNN hủy đấu thầu vàng miếng.

Tiếp tục huỷ phiên đấu thầu vàng

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa gửi đi thông báo hủy bỏ cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 25/4 đến các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.