Sẽ phát triển vắc xin hoàn chỉnh
Ông Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) - Bộ Y tế, cho hay sau đợt tiêm thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 lần 2, 50 con chuột được tiêm thử nghiệm có đáp ứng miễn dịch.
Với thành công bước đầu này, thời gian tới, đơn vị nghiên cứu sẽ hoàn thiện quy mô, hướng đến tạo thành vắc xin sử dụng cho người. Đơn vị nghiên cứu sẽ tiến hành tiêm vắc xin trên động vật và theo dõi hiệu quả bảo vệ. Quá trình thử nghiệm tiếp theo này có thể phải mất 8-9 tháng mới có thể "ra đời" vắc xin hoàn chỉnh thử nghiệm trên chuột, sau đó mới sang người…
Trước đó, ngay khi có trình tự gene virus gây Covid-19 từ các nhà khoa học Vũ Hán công bố, các nhà nghiên cứu của Công ty TNHH Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đã phối hợp với các nhà khoa học tại Đại học Bristol (Anh) để nghiên cứu vắc xin Covid-19.
Dự án bắt đầu thực hiện từ tháng 2. Sau đó, các nhà khoa học đã tạo ra chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của SARS-CoV-2 trong phòng thí nghiệm.
Ngày 15/5 và 29/5, 2 lô mẫu huyết thanh của 50 con chuột đã tiêm dự tuyển vắc xin Covid-19 lần lượt được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để đánh giá. Bằng việc tiêm so sánh với chính chủng virus hoang dại đã được bất hoạt cho chuột, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xác định các mẫu huyết thanh này đã cho đáp ứng kháng thể, trong đó có những mẫu đáp ứng khá cao.
Theo PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng - Phó trưởng Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, đây là cơ sở để phát triển thành vắc xin hoàn chỉnh" nhận định. Ở giai đoạn tiếp theo, vắc xin dự tuyển sẽ được phát triển thành vắcxin hoàn chỉnh, ổn định và đủ tiêu chuẩn để sử dụng cho người.
Nhóm nghiên cứu cũng sẽ xây dựng quy trình sản xuất thương mại để có thể đáp ứng quy mô sản xuất lên tới hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu liều.
Chọn công nghệ nhanh
PGS.TS Đinh Duy Kháng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho hay, có 3 nhóm vắc xin được tạo ra là từ virus còn sống làm cho bất hoạt hoặc suy yếu hẳn đi, protein "tái tổ hợp" của virus, DNA hoặc RNA của virus.
Đối với loại thứ nhất, tức tạo từ virus còn sống làm cho bất hoạt hoặc suy yếu hẳn đi, có rủi ro là con virus không bất hoạt hoặc suy yếu mà bùng gây bệnh gây nguy hiểm khi đưa vào cơ thể. Đối với SARS-CoV-2, người ta phát triển vắc xin theo loại thứ hai hoặc loại thứ ba.
Nếu chế tạo vaccin phòng chống Covid-19 theo loại thứ hai, để chế tạo vắc xin, chúng ta phải hiểu SARS-CoV-2 cũng là một Corona virus giống như những Corona virus khác nên trước tiên phải tìm hiểu xem có một phần nào là protein của cấu trúc sinh học SARS-CoV-2 có đặc tính rất phân biệt với những loại Corona virus khác. Như vậy, mới tạo ra được một loại kháng thể thật chuyên biệt cho SARS-CoV-2.
Dựa vào bộ gene của các loại Corona virus người ta thấy rằng phần lớn của các bộ gene này khá giống nhau, chỉ có phần vỏ bọc glycoprotein với các gai mà virus dùng để bám và chui vào tế bào phổi của người là khá chuyên biệt cho mỗi loại. Vì vậy, các nhà khoa học dùng các gai của SARS-CoV-2 làm kháng nguyên sản xuất kháng thể.
Việt Nam chọn cách nghiên cứu vắc xin theo phương pháp thứ 3 hay còn gọi là vắc xin vectơ, sử dụng công nghệ di truyền trích mã di truyền của SARS-CoV-2 là RNA để khi tiếp xúc sẽ kích hoạt chức năng sinh kháng thể chống SARS-CoV-2 ở người được tiêm chủng. Đó là kỹ thuật hoàn toàn mới và phức tạp. Ưu điểm của công nghệ sản xuất vắc xin này là thời gian sản xuất nhanh hơn hai loại kia.
Vì với Covid-19, người ta chỉ cần tạo bản sao RNA rồi đưa vào cơ thể người, mẫu RNA khi vào trong tế bào người nó sẽ ra lệnh cho tế bào người sản sinh protein hình gai của SARS-CoV-2 và đồng thời cơ thể người sản sinh ra kháng thể tiêu diệt các protein này, nhờ đó tạo được sự miễn dịch với Covid-19.
Cần 9 - 12 tháng nữa
ThS Mạc Văn Trọng, Vabiotech cho hay, để cho ra đời vắc xin hoàn chỉnh cần 9 - 12 tháng nữa. Nhóm nghiên cứu đang nỗ lực gấp rút để đi đến đích. Việc hoàn thành nghiên cứu vắc xin trong thời gian 18 - 24 tháng là một "kỳ tích" chưa từng có trong lịch sử nghiên cứu vắc xin ở Việt Nam.
Dự án lần này không chỉ dừng lại ở việc cho ra đời loại vắc xin mà cả thế giới đang trông đợi, mục tiêu lớn hơn là giúp tăng tính chủ động về vắc xin cho Việt Nam, nhất là các vắc xin đại dịch.
Nếu trong tương lai xuất hiện thêm chủng Coronavirus mới gây đại dịch ở người, với công nghệ sẵn có trong tay, chỉ cần "lắp ráp" phần gen của chủng virus mới vào là rất nhanh sẽ cho ra đời loại vắc xin mới.
Công nghệ mà Vabiotech sử dụng trong sản xuất vắc xin Covid-19 là công nghệ vector virus thay vì các công nghệ vắc xin bất hoạt hay sống giảm độc lực như truyền thống. Đây là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phù hợp đối với các vắc xin đại dịch.
Sau giai đoạn này, vắc xin phòng Covid-19 sẽ tiếp tục được nghiên cứu để xây dựng quy trình sản xuất và tiêm thử nghiệm trên động vật nhằm đánh giá thêm về tính an toàn cũng như tính sinh miễn dịch của dự tuyển vắc xin này. Sau đó, Vabiotech sẽ chuẩn bị hồ sơ để đánh giá trên người ở nhóm nhỏ và nhóm lớn. Tuy nhiên, để một vắc xin có thể thương mại hóa, sau khi nghiên cứu thành công sẽ còn nhiều bước cần thực hiện.
Hiện, trên thế giới có hơn 80 quốc gia trên thế giới tập trung nghiên cứu vắc xin Covid-19, 8 quốc gia đã thử nghiệm lâm sàng trên người.
Tại Việt Nam, có nhiều đơn vị tham gia nghiên cứu vắc xin Covid-19, gồm: Công ty TNHH Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Polyvac), Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen và các chuyên gia, một số viện nghiên cứu, trường đại học…
Tuy nhiên, hiện chỉ có Vabiotech là đơn vị đầu tiên thử nghiệm trên chuột và đã cho thành công bước đầu.