Thủ tướng tọa đàm bàn tròn với các doanh nghiệp Hoa Kỳ

“Ngày hôm nay có rất đông các nhà đầu tư tài chính lớn của Hoa Kỳ tham dự. Tôi trân trọng và đánh giá cao sự quan tâm của các bạn. Tại buổi gặp mặt này, tôi muốn nhấn mạnh một thông điệp: Việt Nam mong muốn duy trì và phát triển quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ. Thành công của các nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng chính là thành công của chúng tôi”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng chào hỏi đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ tới dự tọa đàm. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng chào hỏi đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ tới dự tọa đàm. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sáng 30/5, giờ New York (tối 30/5, giờ Hà Nội), Thủ tướng đã dự tọa đàm bàn tròn về hợp tác đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ.

Sự kiện do Quỹ đầu tư Harbinger và Công ty Tư vấn Asia Group tổ chức với sự tham dự của chủ tịch và giám đốc điều hành của hơn 20 tập đoàn tài chính, quỹ đầu tư và doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ.

Mở đầu cuộc tọa đàm, Thủ tướng bày tỏ đây là cơ hội tốt để trao đổi về các định hướng, cơ hội hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư tài chính - lĩnh vực đang có rất nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam.

Cho biết về thành tựu kinh tế-xã hội của Việt Nam, Thủ tướng khẳng định Việt Nam không ngừng đổi mới, hoàn thiện thể chế, pháp luật, môi trường kinh doanh, quyết tâm mở cửa hội nhập. Thời gian tới, Việt Nam tiếp tục xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tập trung cải cách thể chế pháp luật tốt hơn nữa, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh cho nền kinh tế. 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đặc biệt coi trọng và ưu tiên thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện với Hoa Kỳ và mong muốn thu hút nhiều hơn nữa đầu tư của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực như năng lượng, hạ tầng, giáo dục đào tạo, tài chính ngân hàng…

Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch thương mại 50 tỷ USD năm 2016. Hoa Kỳ là một trong những đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam với 835 dự án và tổng vốn đăng ký trên 10,2 tỷ USD. Nhiều tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ có mặt rất sớm ở Việt Nam và đạt nhiều thành công.

Hiện nay là thời điểm thuận lợi cho các nhà đầu tư tài chính vào Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh và lý giải, do quy mô thị trường tài chính Việt Nam còn ở mức khiêm tốn và đang tăng trưởng nhanh. Đây là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư tham gia thị trường tài chính Việt Nam. 

Quang cảnh cuộc tọa đàm bàn tròn về hợp tác đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Quang cảnh cuộc tọa đàm bàn tròn về hợp tác đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang tăng trưởng nhanh và có rất nhiềm tiềm năng với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn mới được cổ phần hóa.

Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn trong các lĩnh vực như vận tải, hạ tầng, lương thực, viễn thông, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch...

Trao đổi về cán cân thương mại, Thủ tướng cho rằng, tốc độ xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam ngày càng cao và cùng với các văn bản hợp tác được ký kết trong chuyến thăm Mỹ lần này, Thủ tướng tin tưởng, sẽ tạo ra khối lượng thương mại theo hướng cân bằng hơn, phát huy lợi thế của mỗi bên. Xu hướng đó không hề mâu thuẫn mà bổ trợ cho nhau như Việt Nam nhập máy móc thiết bị và một số sản phẩm từ Hoa Kỳ trong khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ những sản phẩm mà người Mỹ ưa dùng như cá, tôm, trái cây, giày dép...

Lấy ví dụ về trường hợp giày Nike đang xuất khẩu vào Hoa Kỳ với số lượng 138 triệu đôi/năm, Thủ tướng cho rằng, nếu một đôi giày đó có giá 100 USD thì phía Việt Nam chỉ hưởng lợi 22 USD còn 78 USD là Hoa Kỳ hưởng.

Bên cạnh đó, Việt Nam có 30.000 sinh viên đang học ở Hoa Kỳ, đứng đầu trong số các nước Đông Nam Á và thứ 6 trên thế giới.  Ngoài ra, không chỉ có doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam và nhiều nhà đầu tư Việt Nam cũng đã gõ cửa, đầu tư vào thị trường Hoa Kỳ. 

“Ngày hôm nay có rất đông các nhà đầu tư tài chính lớn của Hoa Kỳ tham dự. Tôi trân trọng và đánh giá cao sự quan tâm của các bạn. Tại buổi gặp mặt này, tôi muốn nhấn mạnh một thông điệp: Việt Nam mong muốn duy trì và phát triển quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ. Thành công của các nhà đầu tư Hoa Kỳ cũng chính là thành công của chúng tôi”, Thủ tướng nêu rõ và nhấn mạnh việc hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư theo hướng tự do, công bằng, cùng có lợi. 

Thủ tướng dùng hình ảnh đôi giày để minh họa lợi nhuận của các nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng dùng hình ảnh đôi giày để minh họa lợi nhuận của các nhà đầu tư Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 Tại cuộc tọa đàm, lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam như lời ông Charles Kaye, lãnh đạo Warburg Pincus, tập đoàn đã đầu tư vào du lịch, trong đó có khách sạn Metropol Hà Nội thì “ngày càng có nhiều cơ hội ở Việt Nam”.

“Một điểm thuận lợi là Việt Nam có tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển. Đây là một hạ tầng cơ sở thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp cận các dịch vụ bán lẻ và chăm sóc sức khỏe, công nghệ mới. Chúng tôi cũng đang xem xét các cơ hội đầu tư vào các ngành sản xuất và dịch vụ, bởi Việt Nam có lực lượng lao động giỏi và giá nhân công hợp lý’, ông Charles Kaye nói.

Đại diện hãng KKR Global Institute thì cho biết, hãng đang chuẩn bị một quỹ hơn 9 tỉ USD cho đầu tư vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, một thị trường có dân số trẻ, GDP tăng trưởng cao và là thị trường có sức cạnh tranh toàn cầu hấp dẫn.

Ông Jan Van Acker, Chủ tịch châu Á-Thái Bình Dương của Merck Sharp & Dohme, công ty dược phẩm lớn nhất và đã có hoạt động ở Việt Nam 20 năm nay, cho biết, Công ty của ông đã đầu tư 150-200 triệu USD về dược phẩm và giáo dục, phòng ngừa các loại bệnh tại Việt Nam.

Ông Alexande Mirza, Tập đoàn Cachet Hotel cho biết, “tuần qua, những cán bộ của tôi đề xuất 4 dự án, gồm 2 khách sạn và 2 khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam. Tôi thấy có nhiều cơ hội trong lĩnh vực du lịch”.

Sau khi đại diện các doanh nghiệp nêu vấn đề quan tâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo lãnh đạo các bộ, ngành giải đáp các thắc mắc của các nhà đầu tư, tạo thuận lợi để các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam. Tiếp đó, các nhà đầu tư trong nước tham dự tọa đàm cũng đã thể hiện mong muốn trở thành đối tác của các nhà đầu tư Hoa Kỳ về các lĩnh vực quan tâm khi đầu tư vào Việt Nam.   

Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu kết luận tọa đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại câu nói của Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt  “Khi tin thì bạn đã đạt được một nửa thành công”, cho rằng mối quan hệ hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ mới bước qua tuổi 20, tuổi đủ bản lĩnh, sức trẻ, vượt qua nhiều thử thách và cũng tràn đầy khát vọng, hoài bão, vươn tới những mục tiêu cao đẹp.

“Việt Nam với những chính sách thông thoáng, hấp dẫn và trên hết là tiềm năng con người, tiềm năng về phát triển sẽ tiếp tục duy trì vị thế là cửa ngõ của một khu vực ASEAN năng động, điểm đến đầu tư mang tầm chiến lược của các đối tác nước ngoài và cũng là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay”, Thủ tướng nói. “Cánh cửa luôn mở rộng, những cơ hội hiện hữu, Việt Nam luôn chào đón và khuyến khích các bạn đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh, như phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ chất lượng cao, năng lượng, công nghiệp chế tạo, du lịch, đặc biệt là thị trường vốn đang có nhu cầu rất lớn tại Việt Nam. Tôi nhấn mạnh một lần nữa là thời điểm chín muồi để doanh nghiệp Hoa Kỳ với những thương hiệu, kinh nghiệm, công nghệ và nguồn lực tài chính dồi dào tham gia mạnh mẽ hơn vào tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước".

Cùng ngày, Thủ tướng cũng có các cuộc gặp với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ đang có những dự án đầu tư lớn tại Việt Nam như Exxon Mobil, Coca Cola, Nike, Quỹ Harbinger...

Theo baochinhphu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ