Thủ tướng Theresa May từ chức: Thất bại được đoán trước

GD&TĐ - Chưa từng ai nói đàm phán Brexit là việc dễ dàng, song bà Theresa May đã chấp nhận thách thức khi trở thành nữ Thủ tướng thứ hai của nước Anh vào năm 2016. Nhưng không may sau 3 năm nỗ lực, bà vẫn không thể bảo đảm thỏa thuận đưa nước Anh rời khỏi EU.

Bà Theresa May đã thất bại trong việc hoàn tất tiến trình Brexit
Bà Theresa May đã thất bại trong việc hoàn tất tiến trình Brexit

Sai lầm nối tiếp

Nhận vai trò dẫn dắt nước Anh thời kỳ Brexit và phải đối mặt với khó khăn trên từng đường đi nước bước, dù phải rời ghế Thủ tướng trong thất bại, khi chính các nghị sĩ Đảng Bảo thủ của bà phản đối thỏa thuận mà chính phủ của bà đã nỗ lực đàm phán, song bà May rất được tôn trọng vì ít nhất đã dám thử, dám làm. Là người ủng hộ mạnh mẽ Brexit, bà tin rằng đó vẫn là lựa chọn đúng đắn của nước Anh. Bà nói rằng, việc một thủ tướng mới hoàn tất tiến trình Brexit vẫn là “lợi ích tốt nhất của nước Anh”, bởi đó là lựa chọn của người dân trong nền dân chủ và bất kỳ chính phủ nào cũng phải tôn trọng.

Vậy là sau Margaret Thatcher, John Major, David Cameron, đến lượt bà Theresa May là Thủ tướng Bảo thủ tiếp theo phải ra đi vì không thể điều phối được những khác biệt trong đảng của bà về vấn đề châu Âu. Những người ủng hộ Brexit cứng rắn của Đảng Bảo thủ từ chối ủng hộ bà May bởi cho rằng thỏa thuận bà đám phán đã nhượng bộ châu Âu quá nhiều. Nhìn lại, các nhà phân tích cho rằng, dường như bà đã mắc hàng loạt lỗi khiến vị thế của bà dần yếu đi, rồi sau đó lại thiếu những kỹ năng chính trị cơ bản để thuyết phục mọi người rằng đã có hướng đi đúng đắn. Những sai lầm của bà giờ được chỉ rõ: Từ việc không khai thác được khả năng tạo sự đồng thuận quốc gia về những bước đi tiếp theo của tiến trình Brexit ngay từ khi lên nắm quyền năm 2016, cho đến lập trường ủng hộ Brexit quá cứng rắn đến mức khó mà thực hiện.

Rồi từ tháng 3/2017, bà đã viện đến Điều 50 để đặt ra thời hạn nghiêm ngặt 2 năm cho đàm phán Brexit, trước khi thực hiện những công việc thực chất để thiết kế nên hình hài một thỏa thuận và nghiên cứu hết những khả năng liệu thỏa thuận có được đồng ý hay không.

Vài tuần sau đó bà lại kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử - một hành động mà nhiều người xem là thảm họa, trong khi bà lại dường như tin chắc là sẽ thắng dễ dàng, nhưng thực tế là gần như thất bại, khiến quyền lực của bà suy yếu trong chính đảng của mình, và khiến chính phủ của bà phụ thuộc vào sự ủng hộ của Đảng Liên minh Dân chủ (DUP).

Thỏa thuận mà bà đàm phán bị phản đối bởi một liên minh những người muốn Anh vẫn càng gần gũi EU càng tốt, cũng như những người muốn có một cuộc chia tay lanh lẹ nhất có thể.

Mất lòng tin

Mặc dù đã nói rằng sẽ không bao giờ đề nghị EU kéo dài thời hạn chót theo Điều 50 nhưng bà May đã 2 lần phải làm vậy, và dù khẳng định, việc tổ chức bầu cử cho nghị viện châu Âu khóa tiếp theo là điều không thể chấp nhận, song bà May cũng đã phải nhượng bộ.

Trong bước đi tuyệt vọng cuối cùng, bà đã lôi kéo Công đảng đối lập vào đàm phán để tìm kiếm một quan điểm chung - điều mà lẽ ra đã có tác dụng từ đầu quá trình Brexit. Nhưng điều đó đã gây nên sự phẫn nỗ trong chính đảng của bà và khiến phe đối lập mất lòng tin rằng bà có thể thực hiện những gì đã hứa.

Giọt nước tràn ly với những người phản đối bà May trong nội bộ Đảng Bảo thủ chính là đề xuất về một dự luật Brexit mới, trong đó đưa ra một số nhượng bộ với các nghị sĩ Công đảng, kể cả việc tổ chức trưng cầu dân ý, nhưng không có gì đủ mạnh để làm thay đổi kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm với bà May. Đề xuất nói trên đã phải rút lại.

Chiến lược của bà luôn là phủ nhận rằng có bất kỳ sự thay thế nào với thỏa thuận của bà. Không thể chấp nhận tổ chức lại cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, nhưng cũng không thể chấp nhận rời đi mà không có những cấu trúc chuyển tiếp.

Tuy nhiên bà bị mắc kẹt với câu thần chú ban đầu của bà là “một thỏa thuận tồi còn tệ hơn là không có thỏa thuận”.

Thất bại chính trị lớn nhất của bà May là thừa nhận những sai lầm trong thỏa thuận rút lui, thay vì chứng minh đó là một thắng lợi trong đàm phán và là cách tốt nhất để rút khỏi EU với thiệt hại kinh tế giới hạn và vẫn duy trì một đất nước tương đối đoàn kết.

Thay vào đó các đối thủ của bà lập luận rằng “không có thỏa thuận” là cách rút lui tương đối ít tổn thương. Và đó là cơ sở khiến sự ủng hộ Đảng Brexit của ông Nigel Farage nổi lên phi thường, và dẫn đến việc sụp đổ sự ủng hộ dành cho thỏa thuận của bà May.

EU nổi giận

Hiện đã có 6 ứng cử viên có thể thay thế bà May. Được nhắc tới nhiều nhất là cựu Ngoại trưởng Boris Johnson. Giới phân tích đánh giá có trên 30% khả năng ông sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo. Nhưng cơ hội vẫn để ngỏ cho những gương mặt khác trong Đảng Bảo thủ, trong đó có cựu Bộ trưởng Brexit Dominic Raab, Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid, Ngoại trưởng Jeremy Hunt, cựu Bộ trưởng Nội vụ Amber Ruud. Bất kỳ ai thay thế bà May cũng phải tìm kiếm được sự đồng thuận và nhượng bộ trong Quốc hội Anh trong bối cảnh chia rẽ chưa bao giờ sâu sắc như hiện nay giữa Bảo thủ và Công đảng, cũng như giữa các nhóm ủng hộ ở lại và ra đi.

Ngay cả khi Quốc hội có đạt được một thỏa thuận mới về Brexit, thì vẫn còn câu hỏi về việc liệu EU có đồng ý đàm phán lại hay không thỏa thuận mà họ đã mất gần 2 năm mới đàm phán được với chính phủ của bà May.

Các quan chức EU rất lo ngại về điều sẽ xảy ra tiếp theo với việc ra đi của nước Anh. Họ rất kiên quyết rằng thỏa thuận hiện giờ là nhượng bộ nhiều nhất có thể.

Trong khi đó đồng hồ vẫn điểm, và ngày Halloween 31/10 là hạn chót tiếp theo. Các quan chức EU rất giận dữ, thể hiện rõ trong phát biểu của Chủ tịch Cao ủy châu Âu Jean-Claude Juncker. Ông cho rằng các nghị sĩ EU hành động như thể “việc thay thế thủ tướng còn quan trọng hơn việc tìm kiếm thỏa thuận giữa họ. Tôi phát chán vì chúng ta lại phải đợi đến hạn chót tiếp theo”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ