Thủ tướng Singapore: Thế giới phụ thuộc vào quan hệ Mỹ - Trung ổn định

Ông Lý Hiển Long trả lời nhà báo Fareed Zakaria của CNN nhân chuyến thăm của ông tới New York tháng Chín vừa qua
Ông Lý Hiển Long trả lời nhà báo Fareed Zakaria của CNN nhân chuyến thăm của ông tới New York tháng Chín vừa qua

“Sự lựa chọn đau thương”

Cuộc phỏng vấn được thực hiện với nhà báo Fareed Zakaria của CNN nhân chuyến thăm của ông Lý tới New York tháng Chín vừa qua, trong đó ông đã gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump. Khi được nhà báo hỏi các nước châu Á sẽ lựa chọn ra sao giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Lý nhấn mạnh rằng, các đồng minh ràng buộc bằng hiệp định với Mỹ trong khu vực châu Á - gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Australia, New Zealand và Thái Lan - tất cả đều có Trung Quốc là bạn hàng thương mại lớn nhất. Yêu cầu họ chọn lựa sẽ đẩy họ vào thế khó: “Nếu bạn yêu cầu họ chọn và nói: Tôi vì thế phải cắt đứt các mối quan hệ với bạn hàng lớn nhất của tôi thì tôi nghĩ bạn sẽ đẩy họ vào vị trí rất khó”.

Bình luận về tình huống của Singapore trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, ông Lý nói rằng Singapore đại diện cho “vấn đề của cả thế giới”. “Tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào quan hệ Mỹ - Trung ổn định, vào sự hợp tác kinh tế ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung, vào đầu tư, thương mại cũng như dòng chảy tài năng và ý tưởng. Xu hướng đó đang bị gián đoạn và thậm chí có thể xoay chiều. Tôi cho rằng điều đó không tốt cho thế giới”.

Khi được Zakaria hỏi liệu có chuyển tới ông Trump nỗi sợ rằng nước Mỹ đang rút khỏi châu Á và để Trung Quốc thế chân, Thủ tướng Singapore nói rằng ông không đồng ý với đánh giá đó. “Mỹ can dự vào Trung Quốc rất rất tích cực. Hiện giờ đó không phải là một sự can dự vui vẻ, song Mỹ không rút khỏi đây. Điều chúng ta muốn thấy là Mỹ can dự tích cực không chỉ với Trung Quốc mà cả với các nước Châu Á khác... và hợp tác tích cực, mang tính xây dựng, để cho phép các nước này có quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đồng thời có quan hệ kinh tế và các quan hệ khác với Mỹ”.

Ông Lý Hiển Long lưu ý: “Nếu quan hệ Mỹ - Trung không ổn định và không thân thiện, sẽ khó hơn nhiều cho tất cả. Chúng ta sẽ chịu sức ép rất mạnh mẽ là phải chọn bên nào, và đó là sự lựa chọn rất đau thương”.

Nhắc đến việc Mỹ áp đặt trừng phạt thương mại với “đại gia công nghệ” Huawei, ông Zakaria hỏi liệu ông Lý có cho rằng việc trừng phạt bổ sung tương tự sẽ dẫn tới một thế giới chia rẽ về mặt công nghệ, Thủ tướng Singapore đáp rằng mọi chuyện đang diễn ra theo hướng đó. “Về cơ bản anh không tin họ, và anh có lý do nghi ngờ liệu mọi thứ có diễn ra chỉ ‘bằng mặt mà không bằng lòng’ hay không.

Cũng với tín hiệu dó, họ không thể tin anh. Họ sẽ hỏi tại sao chúng tôi để hệ điều hành của anh, con chip của anh, công nghệ của anh thống trị nền kinh tế của chúng tôi, và chúng tôi trở thành con tin cho các anh” , ông Lý nói. “Nếu ta đi theo cách đó, ta sẽ dẫn đến việc chia đôi hàng loạt các thứ về công nghệ và hệ thống. Nhiều người trong chúng ta mang hai chiếc điện thoại và đó là biểu hiện nhỏ nhất của sự chia rẽ đó”.

Trung Quốc sẽ không dùng vũ lực ở Hồng Kông

Về các cuộc biểu tình chống chính phủ đang diễn ra ở Hồng Kông, Thủ tướng Singapore nói ông cảm thấy “rất tiếc” vì những gì Đặc khu Hành chính này đang phải đối mặt, bởi đây là “một thành phố có nhiều tài năng, nhiều doanh nghiệp và tiềm năng”.

Ông Lý nói, Trung Quốc đã luôn là một “chốt chặn” (backstop) cho Hồng Kông, và điều đó cho phép Hồng Kông tăng trưởng, vượt qua nhiều thời điểm khó khăn về kinh tế. “Nhưng đồng thời họ là một phần của Trung Quốc và đó là sự thay đổi lớn về tâm lý mà không dễ để người dân Hồng Kông vượt qua”. Theo ông Lý, Hồng Kông đang đối mặt với những vấn đề cơ bản như nhà ở và cần được giải quyết. “Về cơ bản đó là vấn đề hy vọng cho tương lai giới trẻ. Nếu điều này không được đáp ứng cấp tập, sẽ rất khó để vượt qua khó khăn”.

Khi được hỏi liệu ông có ngạc nhiên rằng chính phủ Trung Quốc vẫn chưa sử dụng vũ lực để chấm dứt biểu tình ở Hồng Kông, ông Lý không cho rằng điều đó sẽ xảy ra, cũng như không tin rằng chính phủ Trung Quốc gây ra các cuộc phản đối hiện nay. Theo ông, Trung Quốc đang đối mặt với câu hỏi làm gì với “con ếch trên tay”. “Chính phủ Trung Quốc không thoải mái, đó là vấn đề. Nhưng nếu họ hành động sai, họ có thể làm cho mọi sự trở nên tồi tệ hơn. Tôi nghĩ họ rất biết điều đó”. Ông nhận định rằng Trung Quốc sẽ để người Hồng Kông tự mình giải quyết vấn đề, nhưng Trưởng Đặc khu Hành chính Hồng Kông đang gặp phải nhiệm vụ rất khó khăn.

Singapore là “nền dân chủ thực sự”

Nhà báo Zakaria của CNN cũng đặt ra những câu hỏi về hệ thống chính trị của Singapore. Cho rằng giới quan sát thấy hệ thống này đang “nghiêng một cách không công bằng về đảng cầm quyền”, Zakaria hỏi Singapore sẽ ở đâu trong 10 năm tới, và liệu có một hệ thống hai đảng cân bằng hơn không. Ông Lý phản đối tiền đề hệ thống hai đảng sẽ là hệ thống tốt hơn cho Singapore.

Thủ tướng Singapore cũng cho rằng việc có một ban lãnh đạo “có năng lực, cam kết và đem lại nhiều kết quả” sẽ là điều quan trọng hơn. “Tôi nghĩ đó là phép thử chủ chốt. Vấn đề không phải là anh có sự cân bằng về số lượng trong Quốc hội không, giữa phe đối lập và chính phủ hay không. Mà đó có phải là một chính phủ hoạt động để quản trị Singapore rất tốt, đem lại an ninh, thịnh vượng và tương lai cho Singapore hay không”.

Zakaria hỏi tiếp rằng liệu một đất nước với một đảng giành 80% phiếu bầu trong 50 năm có thực sự được xem là “một nền dân chủ đích thực”? Ông Lý đáp, “nếu đó là cách dân chúng bỏ phiếu, là ý nguyện của dân, thì tạo sao đó không phải một nền dân chủ đích thực?” Và khi được hỏi ông sẽ làm gì khi từ chức, ông Lý thẳng thắn: “Tôi nghĩ tôi sẽ băn khoăn khi nào thời điểm đó tới”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ