Thủ tướng: Quyết tâm hoàn thành tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em trong quý II

GD&TĐ - Quý II hoàn thành tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5-dưới 12 tuổi; Hỗ trợ vay vốn mua thiết bị học trực tuyến 10 triệu đồng/học sinh, sinh viên... là những chỉ đạo, điều hành nổi bật của Chính phủ từ 4-8/4.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong Quý II hoàn thành tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em

Tại Công văn số 2090/VPCP-KGVX, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương thực hiện các công việc cần thiết theo quy định để có vắc xin nhanh nhất có thể. Trên cơ sở đó, hoàn thành việc tiêm cho trẻ em trong Quý II, để đầu Quý III trẻ em được đến trường học hè và cuối Quý III năm 2022 trẻ em đến trường vào năm học mới tập trung an toàn và hiệu quả.

Hỗ trợ vay vốn mua thiết bị học trực tuyến 10 triệu đồng/học sinh

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định 09/2022/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến.

Theo đó, học sinh, sinh viên đáp ứng các điều kiện vay vốn được vay tối đa 10 triệu đồng/học sinh, sinh viên để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến. Thời hạn cho vay tối đa 36 tháng. Lãi suất cho vay 1,2%/năm. Lãi suất nợ quá hạn bằng lãi suất cho vay hộ nghèo tại thời điểm vay vốn.

Chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất 

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xác minh để xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm các hoạt động phát hành, đầu tư và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp đúng mục đích, hiệu quả, lành mạnh, minh bạch, ổn định, an toàn, góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, tăng cường nắm tình hình, kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, vi phạm quy định pháp luật trong việc đấu giá quyền sử dụng đất nhằm trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc tài sản bảo đảm không chất lượng...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài

Tại Công điện số 307/CĐ-TTg ngày 8/4/2022 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân chậm phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm, trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp phân bổ và giải ngân trong thời gian tới.

Rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn ODA, chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng.

Phối hợp với các nhà tài trợ nước ngoài và các Bộ, địa phương lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án ODA, nhất là dự án trọng điểm, vốn lớn; phân công lãnh đạo trực tiếp phụ trách từng dự án; tổ chức giao ban định kỳ với các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân.

5 thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động xe máy

Chính phủ ban hành Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu xây dựng Đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030.

Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng, triển khai Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.

Điều kiện thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Nghị định số 23/2022/NĐ-CP quy định doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ được xem xét thành lập khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

1- Có ngành, lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

2- Đảm bảo đủ vốn điều lệ theo quy định.

3- Có Hồ sơ hợp lệ theo quy định.

4- Việc thành lập doanh nghiệp phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành quốc gia.

24 dịch vụ công trực tuyến cần sớm được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia

Theo Quyết định 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022, có 24 dịch vụ công trực tuyến cần sớm được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia như: Xác nhận thông tin về cư trú; đăng ký tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; đăng ký biến động quyền sử dụng đất; thanh toán viện phí trực tuyến…

Điều kiện, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng tại 4 tỉnh, thành phố

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký ban hành Quyết định số 10/2022/QĐ-TTg quy định về trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND 4 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Cần Thơ tại các Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua.

Bình Dương chú trọng phát triển hệ sinh thái công nghiệp phát triển xanh, thông minh, bền vững

Thông báo số 96/TB-VPCP ngày 4/4/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nêu rõ, tỉnh Bình Dương cần chú trọng phát triển hệ sinh thái công nghiệp theo hướng phát triển xanh, thông minh, bền vững, bao trùm; đẩy mạnh phát triển các ngành chế biến chế tạo, nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để phát triển bền vững, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh.

Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu, sản xuất hàng hóa quy mô lớn; nông nghiệp hữu cơ; hoàn thiện các chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông sản, phục vụ đắc lực phát triển công nghiệp.

Khánh Hòa cần phát huy tốt nhất tiềm năng, tạo cơ hội mới cho phát triển

Theo Thông báo số 97/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Khánh Hòa cần phải triển khai đồng thời 2 cách tiếp cận: Xác định rõ và phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương; tạo ra cơ hội mới để thu hút nguồn lực từ bên ngoài cho đầu tư phát triển, nhất là đổi mới tư duy theo hướng tự lực tự cường, biến khó khăn thách thức thành cơ hội để phát triển.

Phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế tỉnh Kiên Giang

Tại Thông báo 99/TB-VPCP ngày 5/4/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Kiên Giang phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh, thu hút các nhà đầu tư phát triển hạ tầng vùng biển, ven biển.

Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người cao tuổi

Tại Thông báo số 102/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với  Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người cao tuổi để kịp thời thông tin, phản ánh đến các cấp có thẩm quyền để tập trung giải quyết, khắc phục, tháo gỡ, bảo đảm các quyền lợi của người cao tuổi được thực hiện đầy đủ.

Tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, nhất là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người cao tuổi, liên quan đến người cao tuổi; tham gia góp ý và phản biện xã hội trong quá trình các cơ quan nhà nước xây dựng chính sách, pháp luật; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực, góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Đẩy nhanh tiến độ thu phí không dừng tại các dự án cao tốc 

Tại công văn số 2173/VPCP-CN ngày 8/4/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng (ETC) tại các dự án đường cao tốc do VEC quản lý. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ