Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Hàn Quốc: Đưa quan hệ Việt-Hàn lên tầm cao mới

Chuyến thăm chính thức Hàn Quốc lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trước chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, từ ngày 30/6 đến ngày 3/7/2024, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã trả lời phỏng vấn báo chí về các nội dung liên quan đến chuyến thăm và quan hệ song phương hai nước.

Xin Thứ trưởng đánh giá về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyến thăm chính thức Hàn Quốc sắp tới của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân?

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ: Đây là chuyến thăm chính thức Hàn Quốc đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2022.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đang phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Lòng tin chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố; hợp tác quốc phòng, an ninh tiếp tục đi vào chiều sâu; hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân hai nước không ngừng được mở rộng.

Hàn Quốc có mối quan hệ rất sâu rộng với Việt Nam, là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam; đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp và du lịch, thứ hai về hợp tác phát triển và thứ ba về hợp tác thương mại và lao động.

Hàn Quốc cũng là nước có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động và học tập. Ngược lại, cũng có rất nhiều người Hàn Quốc hiện đang sinh sống, lao động và học tập tại Việt Nam. Cộng đồng hai nước cơ bản đều hội nhập tốt, có nhiều đóng góp vào việc phát triển kinh tế-xã hội của sở tại và đóng vai trò cầu nối hữu nghị cho quan hệ hai nước.

Chính vì vậy, chuyến thăm chính thức Hàn Quốc lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Thứ nhất, chuyến thăm thể hiện sự coi trọng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Hàn Quốc, thể hiện mong muốn cụ thể hóa việc triển khai các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước và gần đây nhất là Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc, được ký kết tháng 6/2023 sau khi hai nước nâng cấp quan hệ.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ trả lời phỏng vấn trước chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: TTXVN phát)

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ trả lời phỏng vấn trước chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: TTXVN phát)

Thứ hai, chuyến thăm sẽ là dịp để hai bên nhìn lại những tiến triển mới trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước, trao đổi các vấn đề chiến lược, an ninh quốc phòng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân, hợp tác trên các diễn đàn đa phương cũng như các lĩnh vực có ý nghĩa then chốt nhằm đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới với sự tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác thực chất, toàn diện hơn. Sự trao đổi và hiểu biết giữa người dân hai nước ngày càng sâu sắc và mật thiết hơn, đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân hai nước.

Thứ ba, trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, chuyến thăm nhằm khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam tiếp tục coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị với Hàn Quốc; mong muốn đóng góp vào việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.

- Xin Thứ trưởng cho biết những hoạt động nổi bật nào sẽ được Thủ tướng Chính phủ thực hiện trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc lần này?

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ: Trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc lần này, dự kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có hơn 30 hoạt động. Ngoài các chương trình chính thức với lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dự và phát biểu tại 3 diễn đàn, gồm Diễn đàn doanh nghiệp, Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa, Diễn đàn lao động Việt Nam-Hàn Quốc; và 2 tọa đàm, gồm Tọa đàm với lãnh đạo các Tổ chức kinh tế Hàn Quốc và Tọa đàm với các nhà tri thức, khoa học Hàn Quốc về bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Thủ tướng cũng sẽ có các cuộc tiếp đại diện lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ sẽ thăm Đại sứ quán và gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc; thăm gia đình đa văn hóa Việt-Hàn, phát biểu chính sách tại Đại học Quốc gia Seoul và thăm Nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Tập đoàn Samsung tại thành phố Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi.

Có thể thấy, hoạt động của Thủ tướng trong chuyến thăm Hàn Quốc lần này rất toàn diện, bao gồm cả các hoạt động với chính giới, với giới kinh tế-tài chính và với các tổ chức hữu nghị nhân dân, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc. Hơn một nửa các hoạt động của Thủ tướng Chính phủ trong chuyến thăm lần này sẽ tập trung vào lĩnh vực kinh tế.

Lắp ráp điện thoại thông minh tại Công ty Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên-Khu Công nghiệp Yên Bình, Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Lắp ráp điện thoại thông minh tại Công ty Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên-Khu Công nghiệp Yên Bình, Thái Nguyên. (Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN)

Hợp tác kinh tế vẫn luôn là điểm sáng, là trụ cột quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển thực chất quan hệ song phương. Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu về đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký lũy kế 87 tỷ USD; đối tác lớn trong nhóm đầu về kim ngạch thương mại, năm 2023 đạt gần 80 tỷ USD và là đối tác lớn về hợp tác phát triển (ODA), du lịch và lao động.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc là quốc gia phát triển, có rất nhiều thế mạnh trong phát triển kinh tế, công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Thông qua các hoạt động đa dạng với giới kinh tế Hàn Quốc trong chuyến thăm lần này, Việt Nam kỳ vọng hai bên sẽ nâng cao chất và lượng trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và đa dạng chuỗi cung ứng; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực tương lai như bán dẫn, công nghiệp phụ trợ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy hợp tác lao động, công nghiệp văn hóa, hợp tác du lịch giữa hai nước.

Qua đó, hai bên có thể thực hiện mục tiêu sớm nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD và hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững, và góp phần thực hiện "Tầm nhìn chiến lược" về phát triển đất nước với mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao của Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Theo TTXVN/Vietnam+

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ