Thủ tướng Phạm  Minh Chính: Nỗ lực bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục

GD&TĐ - Chiều 3/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác tới thăm, động viên thầy trò Trường mầm non Bình Yên, Trường PTDT nội trú THCS Định Hóa, Thái Nguyên và có cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ thăm, động viên học sinh Trường PTDT nội trú THCS Định Hóa, Thái Nguyên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ thăm, động viên học sinh Trường PTDT nội trú THCS Định Hóa, Thái Nguyên.

Cùng tham gia đoàn công tác có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ...

Thái Nguyên sẵn sàng cho năm học mới 

Theo bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, trong những năm qua, tỉnh đã tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Năm học 2020-2021, trong bối cảnh dịch bệnh, với sự chủ động, linh hoạt áp dụng các hình thức phù hợp với từng nhà trường, địa phương, 100% cơ sở giáo dục dạy đúng, đủ chương trình và kết thúc năm học đúng kế hoạch…

Chuẩn bị năm học mới, Thái Nguyên đã ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học; Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo và các văn bản chỉ đạo về việc tăng cường biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 697 cơ sở giáo dục, tăng 2 trường so với năm học trước, với 328.176 trẻ nhà trẻ, mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên, tăng 8.516 em so với năm học trước. Đến nay, các nhà trường đã hoàn thành công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp. Hiện Thái Nguyên còn 338 điểm trường lẻ.

Tỉnh chủ trương tiếp tục sắp xếp, thu gọn lại điểm trường, nhất là những điểm cách điểm trường chính từ 2 km trở xuống và không bị chia cắt đường giao thông…

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm các cháu Trường mầm non Bình Yên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm các cháu Trường mầm non Bình Yên.

Hiện Thái Nguyên có 17.409 cán bộ giáo viên, nhân viên trong biên chế; trong đó 1.568 cán bộ quản lý, 14.416 giáo viên và 1.425 nhân viên; so với định mức, tỉnh còn thiếu 5.370 biên chế (mầm non: 2.127; tiểu học: 1.808; THCS: 1.228; THPT: 207 và thiếu ở tất cả các huyện).

Tỉnh đã có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục thực hiện khoán hợp đồng giáo viên bảo đảm đủ số lượng giáo viên đứng lớp theo quy định. Năm 2021, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí trên 348 tỷ đồng để thực hiện thuê khoán 5.370 giáo viên còn thiếu so với định mức và 1.962 nhân viên nấu ăn các trường mầm non.

Về cơ sở vật chất, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh xây dựng mới 2.527 phòng học, 1.408 phòng bộ môn và các phòng phụ trợ khác, sửa chữa 2.506 phòng học, 891 phòng bộ môn và các công trình phụ trợ khác. Tổng kinh phí 3.468,4 tỷ đồng từ các nguồn kinh phí trung ương, địa phương và xã hội hóa. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học ở các cấp học cơ bản bảo đảm để bước vào năm học mới.

Có thể nói, đến thời điểm này, Thái Nguyên đã chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, tài liệu học tập, đội ngũ giáo viên, sẵn sàng cho năm học 2021-2022.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trong buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên tại Trường PTDT nội trú THCS Định Hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trong buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên tại Trường PTDT nội trú THCS Định Hóa.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận sự quan tâm, đầu tư cho giáo dục của tỉnh Thái Nguyên, thể hiện ở số các trường học được kiên cố, được xây mới; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia rất cao... Địa phương đồng thời chú trọng phát triển giáo dục toàn diện; quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống và việc dạy-học tiếng Anh cho học sinh.

Thăm Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Định Hóa, nhận định cơ sở vật chất của trường khang trang, tuy nhiên Bộ trưởng cũng bày tỏ băn khoăn khi Thái Nguyên hiện mới chỉ có 8% học sinh dân tộc thiểu số được học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú.

Bộ trưởng mong rằng, thời gian tới, địa phương tăng cường hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú; cùng với đó chú ý đến hệ thống các trường bán trú dân nuôi để giải quyết được số đông việc học tập của học sinh.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc.

Triển khai năm học mới, một trong những nội dung Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh là cần tận dụng thời gian quý giá khi dịch bình yên để dạy học trực tiếp. Tình huống thực sự cấp bách, dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ chuyển sang học trực tuyến.

Bộ trưởng mong rằng, trong năm học đầy khó khăn, thách thức, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm thì sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa đến giáo dục; trong đó có hỗ trợ các giáo viên, học sinh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Làm sao vừa bảo đảm mục tiêu an toàn phòng chống dịch, vừa hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm học và bảo đảm chất lượng đào tạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ thăm, động viên thầy cô, học sinh Trường PTDT nội trú THCS Định Hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ thăm, động viên thầy cô, học sinh Trường PTDT nội trú THCS Định Hóa.

Nỗ lực hơn nữa để đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng chia sẻ: Trong những ngày đầu tháng 9, trong tâm thức của mỗi người Việt Nam bao giờ cũng nhớ về sự kiện quan trọng là Tết Độc lập 2/9 và không khí hào hứng chào đón ngày tựu trường. Nhưng có lẽ năm nay, nhiều địa phương trên cả nước chưa thể tổ chức được ngày khai giảng theo thông lệ do diễn biễn phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Đảng, Nhà nước rất hiểu và chia sẻ với những thiệt thòi, khó khăn của các địa phương, các thầy cô, các em học sinh, phụ huynh trên cả nước, đặc biệt ở những nơi đang thực hiện giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách.         

Cách đây mấy ngày, Thủ tướng Chính phủ đã dự Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 trực tuyến của Bộ GD&ĐT để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc và đã có chỉ đạo các giải pháp quan tâm hơn nữa đến đời sống giáo viên, học sinh và để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển nền giáo dục nước nhà.

Nhiều ý kiến cũng nêu những khó khăn, tồn tại, vướng mắc cần có các biện pháp tháo gỡ như đời sống giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, giáo viên mầm mon tư thục…; điều kiện vật chất còn nghèo nàn, tiền hỗ trợ học sinh đối với các trường dân tộc nội trú còn thấp, các điều kiện để phát triển toàn diện, nhất là về thể chất cho các cháu còn hạn chế so với yêu cầu, mong muốn…

Chính phủ cũng lắng nghe báo cáo của Bộ GD&ĐT và các địa phương, đồng thời đã có chỉ đạo cụ thể về ứng phó với dịch bệnh trong năm học mới. Trong đó, các địa phương không có dịch bệnh (gọi là vùng xanh) được khai giảng năm học mới bình thường và lưu ý các biện pháp phòng chống dịch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho học sinh Trường PTDT nội trú THCS Định Hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà cho học sinh Trường PTDT nội trú THCS Định Hóa.

Thủ tướng cho biết rất vui đến thăm Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS Định Hóa - Thái Nguyên nhân dịp khai giảng để nắm bắt tình hình thực tế về chính sách giáo dục với con em đồng bào dân tộc thiểu số và những tồn tại, vướng mắc đối với hệ thống các trường dân tộc nội trú. Đây là ngôi trường gắn với niềm tự hào được đặt tại “Thủ đô kháng chiến” giàu truyền thống lịch sử cách mạng, nơi hội tụ của nhiều học sinh  các dân tộc anh em trên toàn tỉnh, “vùng xanh” trong dịch bệnh.

“Nhân dịp năm học mới sắp đến, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi thân ái gửi tới các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu cùng toàn thể các thầy giáo, cô giáo, các cháu học sinh lời chúc mừng và những tình cảm thân thiết nhất!” – Thủ tướng nhắn gửi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ thăm, động viên học sinh Trường PTDT nội trú THCS Định Hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ thăm, động viên học sinh Trường PTDT nội trú THCS Định Hóa.

Thủ tướng nhấn mạnh giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, là cơ sở quan trọng để thực hiện chính sách “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc”.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn hết sức quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách… Nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành và triển khai thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc và bảo đảm sự công bằng xã hội trong giáo dục.

Trường phổ thông dân tộc nội trú thực hiện mục tiêu tạo nguồn cán bộ và nhân lực có trình độ để đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng và cả nước nói chung. Thời gian qua, các trường phổ thông dân tộc nội trú đã từng bước khẳng định những ưu điểm, ưu việt trong hệ thống giáo dục nước ta.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra bếp ăn Trường mầm non Bình Yên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra bếp ăn Trường mầm non Bình Yên.

Trước khi vào buổi nói chuyện, Thủ tướng đã đi kiểm tra trường lớp, khu bán trú, khu sinh hoạt chung, khu nhà ăn của trường và đánh giá cao lãnh đạo tỉnh, thầy cô giáo nhà trường và ý thức của các em học sinh đã tạo nên ngôi trường khang trang, sạch đẹp.

Nhắc đến chính sách hỗ trợ kinh phí cho bữa ăn của học sinh, Thủ tướng đánh giá cao sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh đối với nhà trường và rộng hơn là sự nghiệp giáo dục của tỉnh Thái Nguyên.

“Đặc biệt là các thầy cô và các em học sinh đã rất cố gắng vượt qua khó khăn, nỗ lực mỗi ngày để dạy tốt và học tốt. Các thầy cô giàu kinh nghiệm giảng dạy, nhiệt huyết và quan tâm đến các cháu, không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn là người cha, người mẹ dạy bảo các cháu từng ngày.

Các cháu ở đây sống xa gia đình, cha mẹ, nhiều cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ. Hơn 95% là học sinh người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các vùng đặc biệt khó khăn thuộc của huyện Định Hóa nên tình cảm, sự quan tâm của thầy cô như cha mẹ thứ hai của các cháu.

Tôi cảm ơn các thày cô giáo dành cho các cháu tình cảm nồng ấm, chân thành, qua trao  đổi, tôi thấy các cháu cảm nhận được điều này.

Không phụ lòng các thày cô, các cháu học sinh đã rất cố gắng trong học tập, vượt qua nỗi nhớ nhà, nỗi nhớ gia đình để hàng ngày tích lũy tri thức và rèn luyện đạo đức, rèn luyện một bước tính tự lập. Tôi vui mừng được biết chất lượng giáo dục của Trường đứng trong nhóm đầu của tỉnh với tỷ lệ học sinh khá, giỏi cao, thậm chí cháu Lưu Hiếu An học sinh lớp 9 của trường vừa đỗ thủ khoa chuyên Toán trường THPT Chuyên Thái Nguyên” – Thủ tướng ghi nhận.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, động viên học sinh Trường PTDT nội trú THCS Định Hóa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, động viên học sinh Trường PTDT nội trú THCS Định Hóa.

Trong phát biểu, Thủ tướng cũng nhắc đến bài học về sự sẻ chia, về tinh thần “thương người như thể thương thân” mà các học sinh cảm nhận được hàng ngày từ sự giúp đỡ tận tình của thầy cô và bạn bè.

“Tôi hiểu các thày cô, các cháu và tất cả chúng ta đều chia sẻ với những thày cô và bạn bè ở nhiều địa phương chưa thể trở lại trường học do dịch Covid-19”. Thủ tướng nói và khẳng định: Đảng, Nhà nước sẽ quyết tâm để trường học sớm hoạt động trở lại bình thường bằng nỗ lực đẩy lùi, kiểm soát và thích ứng an toàn với dịch bệnh, gắn với phương án tiêm vaccine sớm cho trẻ em đảm bảo khoa học và an toàn.

Đối với giáo dục các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm. Nhưng do điều kiện thực tiễn thay đổi, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ những bất cập, kiến nghị của các cơ sở giáo dục để có sự điều chỉnh hoặc đề xuất điều chỉnh chính sách phù hợp.

Các Bộ trưởng, lãnh đạo địa phương phải đi thực tế tận xã phường, làng bản, thôn ấp… mới cảm nhận được những khó khăn, thiệt thòi, thiếu thốn của những nơi này. Ví dụ, việc cấp phát đồ dùng cá nhân cho học sinh như đồng phục, áo nilon đi mưa, chăn, màn, chiếu cá nhân… 1 lần/trong cả cấp học đã hợp lý hay chưa? Hoặc chế độ phụ cấp đối với cán bộ phục vụ trong các trường nội trú đã phù hợp hay chưa?

“Chúng ta cũng vừa thăm 1 trường mầm non, tôi đề nghị các đồng chí có giải pháp tổng thể để điều chỉnh chính sách đối với giáo viên mầm non một cách phù hợp. Tôi cũng đề nghị tăng cường quan tâm đến các hoạt động ngoại khóa, thể dục, thể thao, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục truyền thống văn hóa - lịch sử tốt đẹp của đất nước, của các dân tộc cho các cháu học sinh.

Về chương trình chuyển đổi số, đề nghị Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông quan tâm hơn nữa tới các vùng lõm, những vùng khó khăn, các em học sinh tại những nơi này sẽ chịu thiệt thòi nếu không đủ điều kiện để học trực tuyến trong trường hợp cần thiết” – Thủ tướng lưu ý thêm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc.

Đến với ngôi trường tại mảnh đất mà năm xưa Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng làm căn cứ để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Thủ tướng mong các thày cô với niềm tự hào và trái tim nhiệt huyết hằng ngày truyền tải kiến thức, tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống dân tộc, lan tỏa sự yêu thương, lòng nhân ái, tinh thần vượt khó đến các cháu học sinh thân yêu.

Các học sinh hiểu về giá trị lịch sử của mảnh đất cách mạng, sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, truyền thống dân tộc mình, sự tin tưởng và hy vọng của cha mẹ, tấm lòng của thày cô, khát vọng của tuổi trẻ, cố gắng học tập, rèn luyện để thay đổi cuộc sống của mình, gia đình mình và đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.

“Học sinh là trung tâm, nhà trường là nền tảng, thày cô là động lực truyền cảm hứng cho các cháu”. Thủ tướng nói thêm và cho rằng, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” sẽ là kim chỉ nam cho hành động, quyết tâm của mỗi học sinh và trách nhiệm của tất cả chúng ta để phát triển nền giáo dục nước nhà.

Nhân dịp này, Thủ tướng thân ái gửi tới toàn thể các thày giáo, cô giáo, học sinh, sinh viên và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành giáo dục cả nước nói chung và Trường phổ thông dân tộc nội trú Định Hóa nói riêng lời chúc sức khỏe và nhiều niềm vui, thành công trong năm học mới.

Đến thăm Trường mầm non Bình Yên, Thủ tướng đến kiểm tra bếp ăn, phòng y tế, lớp học cho trẻ mầm non 5 tuổi và trò chuyện với giáo viên về chế độ chính sách đối với nhà giáo. Chia sẻ với Thủ tướng, cô Đào Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường mong muốn được mở rộng quỹ đất để bổ sung thêm 2 phòng học. Về việc này, Thủ tướng giao Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên giải quyết.
Tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Định Hóa, Thủ tướng đã tới các thăm lớp học, phòng ở nội trú và trò chuyện với các em học sinh. Thủ tướng ân cần hỏi thăm gia cảnh của từng em học sinh, điều kiện học tập, ăn ở, sức khỏe của các em tại trường nội trú. Thủ tướng căn dặn các em cố gắng trong học tập, nghe lời thầy cô, chăm ngoan học giỏi và đặc biệt không quên tiếng dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.