Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp các đối tác bên lề Hội nghị về đồng bằng sông Cửu Long

Sáng 13/3, bên lề Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp các đại biểu quốc tế dự hội nghị (các đối tác, tổ chức, nhà tài trợ quốc tế).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp các đối tác bên lề Hội nghị về Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp các đối tác bên lề Hội nghị về Đồng bằng Sông Cửu Long. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.

Cảm ơn các đại biểu quốc tế dự Hội nghị về Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sự hợp tác của các đối tác, tổ chức, nhà tài trợ quốc tế là rất quan trọng. “Chúng tôi đã nghiên cứu một số vùng đồng bằng của các nước châu Âu và nhiều nơi; tìm hiểu các mô hình, cách làm, bài học của nhiều nước trên thế giới”, Thủ tướng nói. Cho nên, không chỉ hợp tác về kinh tế mà hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trong ứng phó biến đổi khí hậu ở các vùng đồng bằng cũng rất quan trọng.

Nhấn mạnh vai trò của nguồn lực đối với phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long trong bối cảnh thiên tai khắc nghiệt, Thủ tướng mong muốn “các nước đối tác, tổ chức quốc tế sẽ quan tâm cùng Việt Nam tạo nguồn lực mới từ hợp tác của chúng ta”. Bởi dư địa để huy động nguồn vay từ bên ngoài còn lớn khi 5 năm qua, Chính phủ đã nỗ lực giảm tỷ lệ nợ công từ 64,8% xuống còn 55% GDP. Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nhân lực, đầu tư FDI vì công nghiệp chế biến sâu để gia tăng giá trị của các sản phẩm vùng Đồng bằng Sông Cửu Long là vấn đề cần quan tâm. Vấn đề nữa là hợp tác quốc tế bảo vệ các dòng sông, nhất là vùng hạ du, không chỉ cho Việt Nam mà những nước trong khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi thượng nguồn. “Vai trò quốc tế trong bảo vệ dòng sông xuyên quốc gia rất quan trọng”, Thủ tướng bày tỏ mong muốn được lắng nghe ý kiến, đẩy mạnh hợp tác trong quá trình phát triển, đặc biệt là kinh nghiệm, bài học quý từ các nước.

Đại diện các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết 120 và kết quả mà Nghị quyết này mang lại cũng như việc tổ chức hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ sẽ hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Nhất trí với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện Tổ chức Phát triển Pháp (AFD) cho rằng, các quốc gia châu Âu như Pháp, Đức, Hà Lan có nhiều kinh nghiệm về ứng phó biến đổi khí hậu và ủng hộ sáng kiến về quy hoạch tổng thể phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long. Các tổ chức này cũng đề xuất hỗ trợ tài chính giúp Việt Nam vượt qua thách thức của biến đổi khí hậu.

Ông Laurent Umans, đại diện Đại sứ quán Hà Lan cho biết, Thủ tướng Hà Lan có thư cảm ơn gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc đã có thông điệp tại Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến về thích ứng với Biến đổi khí hậu. Đại diện Đại sứ quán Australia khẳng định, bảo vệ Đồng bằng Sông Cửu Long có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với Việt Nam, khu vực Đông Nam Á mà cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương và thế giới. Đại diện Đại sứ quán Italia bày tỏ ấn tượng về nỗ lực của Chính phủ Việt Nam về quản lý, phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long. Là nước tổ chức Hội nghị COP26, Italia cảm ơn những đóng góp, cam kết của Việt Nam đối với việc giảm phát thải khí nhà kính.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Carolyn Turk cho rằng, trước cam kết, ủng hộ từ các đối tác, những người bạn của Việt Nam hôm nay thì việc tận dụng tối đa sự ủng hộ này chính là phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long. Cần có cơ chế tài chính đủ mạnh để chuyển hóa hiệu quả dòng tài chính thành các dự án đầu tư. Đây là khoản tài chính rất lớn, nên cần có sự điều phối tốt, không để mỗi địa phương triển khai một cách riêng lẻ.
 
Cảm ơn các ý kiến, Thủ tướng cho rằng, điều này sẽ đóng góp tốt vào chương trình phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long; bày tỏ mong muốn  quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế ngày càng tốt đẹp.

Theo baotintuc.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ