Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Những mong muốn của Bác là động lực phấn đấu, hành động của mỗi chúng ta

GD&TĐ - Sáng 19/8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức chương trình giao lưu điển hình toàn quốc 2019 trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với chủ đề “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc Giao lưu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc Giao lưu

Chương trình được thực hiện nhân dịp sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05 và 50 năm thực hiện Di chúc của Người theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về Kế hoạch số-03KH/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tham dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, các đồng chí lãnh đạo bộ, ban, ngành.

Sự kiện được tổ chức vào dịp kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nêu rõ: Với mỗi chúng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng ngời sáng về đạo đức cách mạng, tấm gương hy sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Người đã để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau một di sản tinh thần vô cùng quý báu, đó là tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh và thời đại Hồ Chí Minh. Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến việc bồi dưỡng, xây dựng và nêu gương người tốt, việc tốt. Người từng căn dặn: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Những lời dạy của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã tới dâng hương, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà 67, thuộc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

“Những mong muốn của Người vẫn luôn là động lực phấn đấu và hành động của mỗi chúng ta”. Thủ tướng nhấn mạnh. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Thủ tướng đánh giá cao việc Ban Tuyên giáo Trung ương đã phối hợp với các ban, bộ, ngành và địa phương tổ chức nhiều cuộc giao lưu tôn vinh những tập thể, cá nhân điển hình, những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là công việc cần thiết, ý nghĩa nhằm nhân rộng gương người tốt, việc tốt, để xã hội ta ngày càng có nhiều bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp của đất nước, như lời Bác dạy.

Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt được kết quả cao hơn nữa, ngày càng có nhiều điển hình tiên tiến, nhiều nhân tố mới, bài học hay, chúng ta cần làm thật tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để cùng nhau nhận thức sâu sắc hơn về những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành một nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, của nền văn hóa và con người Việt Nam.

“Đảng, Nhà nước tin tưởng rằng, các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu có mặt hôm nay sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, không ngừng nỗ lực phấn đấu để gặt hái thêm nhiều thành tích, nhân rộng thêm nhiều điển hình tiêu biểu, xứng đáng là tấm gương để mọi người noi theo, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ, tạo sức lan tỏa rộng khắp, mạnh mẽ trong toàn xã hội, trong mỗi ngành, địa phương, đơn vị và mỗi gia đình chúng ta”, Thủ tướng nêu rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...