Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chuẩn bị tốt các điều kiện cho khai giảng năm học mới

GD&TĐ - Đó là một trong những nội dung mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 3/8.

Chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc khai giảng năm học mới ở tất cả các cấp học. Ảnh minh họa/internet
Chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc khai giảng năm học mới ở tất cả các cấp học. Ảnh minh họa/internet

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo chuẩn bị tốt các điều kiện cho việc khai giảng năm học mới ở tất cả các cấp học. Tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục, không để tình trạng lạm thu. Rà soát điều kiện cơ sở vật chất trường lớp học, bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên, nhất là ở vùng sâu vùng xa.

Từng bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục đổi mới

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nhiệm vụ còn lại từ nay đến cuối năm hết sức nặng nề; đòi hỏi từng bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục vào cuộc với tinh thần đổi mới, chủ động, năng động, sáng tạo; giải quyết công việc quyết liệt, đồng bộ ở mọi khâu, mọi việc được giao;

Tăng cường kỷ luật kỷ cương, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; chủ động nắm bắt tình hình để có có phương án, đối sách phù hợp; quyết tâm hành động, nói đi đôi với làm; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đề cao trách nhiệm, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên cập nhật tình hình và chủ động có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phấn đấu thực hiện bằng được các mục tiêu đề ra, đặc biệt là mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2017 là 6,7%.

Quyết tâm xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ; mọi hoạt động phải công khai, minh bạch gắn liền với công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc và tổ chức thực hiện.

“Hệ thống hành chính phải đi đầu, phải làm gương để tinh thần phục vụ nhân dân, phục vụ phát triển được đặt ra mạnh mẽ hơn, liên tục hơn và kịp thời hơn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không để "tuột tay" mục tiêu, chỉ tiêu được phân công. Ảnh: VGP
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không để "tuột tay" mục tiêu, chỉ tiêu được phân công. Ảnh: VGP 

Tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nhất quán thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng đạt kế hoạch; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, cập nhật kịch bản tăng trưởng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có đối sách rõ ràng hơn trong từng ngành, từng lĩnh vực.

Cùng với đó là quyết liệt triển khai các giải pháp về xử lý nợ xấu. Tiếp tục thực hiện giảm lãi suất tín dụng cho vay đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là cho vay đối với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, phù hợp với diễn biến lạm phát; có biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao.

Các bộ, ngành liên quan chủ động phối hợp chặt chẽ trong điều hành các chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư... Chỉ đạo chặt chẽ việc điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, lưu ý không chủ quan trong điều hành giá mà phải tính toán khoa học, hợp lý, vừa không gây lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý và điều hành tài chính, ngân sách Nhà nước; chống thất thu thuế, chuyển giá; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình và kết quả triển khai dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước 2017 và kế hoạch tài chính trung hạn 2016-2020.

Tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2017; xây dựng các giải pháp huy động, thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư tư nhân, vốn ODA và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Phấn đấu mục tiêu tỷ trọng tổng đầu tư toàn xã hội trên GDP đạt 34-35%.

Có cơ chế chính sách thu hút vốn đầu tư tư nhân. Phát triển mạnh thị trường chứng khoán, đưa nhanh thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là tháo gỡ các nút thắt, rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về phí và lệ phí cho phù hợp.

Tập trung hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, khôi phục sản xuất. Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng 3% đối với nông nghiệp trong năm 2017.

Thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn và tình trạng an toàn của các hệ thống thủy lợi, hồ chứa nước; chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm, hiệu quả các giải pháp phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn cho người dân và bảo vệ sản xuất trong mùa mưa bão.

Thường xuyên giao ban sản xuất, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra trong từng ngành, lĩnh vực. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xuất nhập khẩu; bảo đảm được các mục tiêu đề ra về xuất nhập khẩu, giữ nhập siêu ở mức thấp trên cơ sở đẩy mạnh xuất khẩu.

Chú trọng công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến thương mại ở cả trong và ngoài nước; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, khuyến khích tiêu dùng nội địa, thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;

Chú trọng hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu, thiết kế sản phẩm có chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và tăng cường năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

Quan tâm chỉ đạo, tạo thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư, nhất là các dự án giao thông trọng điểm; chủ động xử lý các vướng mắc phát sinh, đặc biệt trong giải ngân, đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư.

Có giải pháp nâng cao công suất sử dụng cảng Cái Mép-Thị Vải trong cụm cảng Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu; xây dựng hệ thống hạ tầng hậu cần phục vụ các cụm cảng; nghiên cứu giảm các chi phí xuất nhập khẩu qua cảng Hải Phòng.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá và thu hút khách du lịch quốc tế, phấn đấu đạt mục tiêu 13-15 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong năm 2017. Tăng cường quản lý và kiểm soát chất lượng dịch vụ lưu trú, kinh doanh dịch vụ, phương tiện phục vụ khách du lịch trên toàn quốc.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tăng cường khả năng ứng dụng khoa học công nghệ của doanh nghiệp, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển phù hợp các phân khúc thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, tập trung thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, người có thu nhập thấp ở đô thị.

Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn Nhà nước bảo đảm minh bạch, theo thị trường.

Tập trung xử lý dứt điểm các tập đoàn, tổng công ty, các dự án, công trình đầu tư không hiệu quả, thất thoát lớn, thua lỗ kéo dài, kể cả bằng biện pháp giải thể, phá sản. Xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém của 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn thuộc ngành công thương.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP

Thực hiện hiệu quả các vấn đề xã hội

Về các vấn đề xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành chức năng chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện hiệu quả, thực chất Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, bảo đảm sự tiếp cận của người nghèo với các dịch vụ tối thiểu, tiến tới giảm nghèo nhanh, bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội. Tăng cường kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em và tình trạng bạo lực gia đình.

Tích cực phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là phòng chống dịch sốt xuất huyết hiện nay. Tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp, biện pháp và lộ trình cụ thể để tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh của y tế cơ sở, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.

Làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; nâng cao nhận thức cộng đồng về rủi ro và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Tăng cường chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; đấu tranh chống lại các thông tin xuyên tạc, chống phá từ các thế lực thù địch.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; triển khai đồng bộ các giải pháp trong bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.

Xây dựng bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, chuyên nghiệp, có chất lượng cao theo tinh thần Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ về đẩy mạnh tinh giản biên chế; cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại; công khai hóa, minh bạch hóa trong hoạt động của các cơ quan công quyền...

Thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại tố cáo; quan tâm xử lý tốt công tác này ngay ở cấp cơ sở, tránh tình trạng khiếu nại tố cáo vượt cấp lên Trung ương.

Không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực thi chủ trương; không những Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này mà các bộ, ngành, địa phương đều phải tăng cường công tác kiểm tra, nhất là đối với những vấn đề còn tồn tại, bất cập ở bộ, ngành, địa phương mình.

Tổ chức triển khai thực hiện tốt các kênh đối thoại, tiếp nhận và xử lý thông tin của người dân, doanh nghiệp qua Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, của các bộ.

Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các vi phạm, kiên quyết không để lợi ích nhóm, nhũng nhiễu, quan liêu, tiêu cực ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống chính quyền và công tác chỉ đạo điều hành, quyết tâm xây dựng hình ảnh Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ.

Về triển khai thực hiện các Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII của Đảng, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chủ trì, khẩn trương xây dựng, trình ban hành các Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2018 trên tinh thần phát huy những kết quả đạt được, cũng như triệt để khắc phục những hạn chế, tồn tại của năm 2017.

Đồng thời, Thủ tướng cũng nhấn mạnh nhiều giải pháp mà các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện để giảm chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.