Đây là cuộc làm việc đầu tiên của Thủ tướng, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội với các nhà khoa học để lắng nghe ý kiến góp ý về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, 2 văn kiện mà Tiểu ban đang tích cực xây dựng.
Trong gần 1 tháng qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có 2 cuộc làm việc với các địa phương (với TP Hồ Chí Minh và một số địa phương Nam bộ vào ngày 7/5, với TP Hà Nội và 12 địa phương lân cận vào ngày 23/4) nhằm khảo sát thực tế, phục vụ việc xây dựng Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm.
Phát biểu mở đầu hội nghị, nhấn mạnh nhiệm vụ của Tiểu ban trong xây dựng Chiến lược 10 năm và Kế hoạch 5 năm, Thủ tướng cho biết, đề cương chi tiết của 2 văn kiện đang được hoàn thiện để trình Hội nghị Trung ương tới đây.
“Việc chính của chúng tôi hôm nay là lắng nghe ý kiến các nhà khoa học”, Thủ tướng nói và “mong muốn các đồng chí từ góc nhìn khách quan, khoa học với lập luận sâu sắc về lý luận, thực tiễn cuộc sống trên các mặt, từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến chính trị, pháp luật, lịch sử dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…”.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học tập trung góp ý vào 3 nội dung. Trước tiên là đánh giá về thực trạng đất nước trên các mặt, kể cả kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành.
Thứ hai là đánh giá, làm rõ hơn bối cảnh quốc tế trong nước thời gian tới và những khó khăn, thách thức, yêu cầu đặt ra đối với nước ta trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, độ mở nền kinh tế rất lớn.
Vấn đề thứ 3 mà Thủ tướng muốn các nhà khoa học tập trung góp ý là quan điểm, định hướng, đột phá phát triển, nhiệm vụ, giải pháp trong 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045 trên các lĩnh vực mà Chiến lược 10 năm đưa ra, đặc biệt là sự phát triển bền vững, mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường cũng như quốc phòng, an ninh của đất nước.
Thủ tướng cho biết, cuộc làm việc hôm nay chỉ là mở đầu, sau khi hoàn chỉnh một bước báo cáo, sẽ tiếp tục lấy ý kiến các nhà khoa học.