Sau khi đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh có Thư gửi các bạn thanh niên ngày 12/8/1947, trong đó Người chỉ rõ: "Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên, thanh niên là chủ tương lai của đất nước".
Tại buổi nói chuyện với sinh viên và thanh niên trong Lễ khai mạc trường Đại học Nhân dân Việt Nam ngày 19/11/1955, Bác nói "Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà. Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?".
Ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm là phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, có cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai. Phải tạo cho thế hệ trẻ những cơ hội, những điều kiện thuận lợi để cống hiến, để phát huy hết khả năng của mình.
Thế hệ trẻ của Việt Nam hiện nay có rất nhiều tiềm năng, cơ hội và lợi thế so với những thế hệ đi trước. Toàn cầu hóa và internet đã tạo ra sự khác biệt, đã xóa bỏ khoảng cách địa lý và ranh giới quốc gia, tạo ra những cơ hội bình đẳng trong tiếp thu và học hỏi những tiến bộ của nhân loại. Thanh niên Việt Nam ngày nay được đào tạo bài bản, có cơ hội tiếp xúc với những phương thức giáo dục tân tiến khác nhau, tận dụng được công nghệ thông tin, tiếp thu được những cái mới nhất, cái hay nhất của thế giới, vì thế đang có những lựa chọn và cơ hội rất tốt cho khởi nghiệp.
Khởi nghiệp kinh doanh là việc mà những người sáng tạo, ham học hỏi và đầy khát vọng chọn để làm. Khởi nghiệp không nhất thiết bắt nguồn từ mong muốn làm chủ, tìm kiếm lợi nhuận cao. Những doanh nhân thành đạt nhất của Việt Nam hay thế giới đều coi lợi nhuận là công cụ để thực hiện ý tưởng của mình, chứ không phải mục đích hay thước đo của sự thành công.
Khởi nghiệp không nhất thiết là bắt đầu ngay với những điều lớn lao, mà nhiều khi là từ những trăn trở, những ý tưởng mới để giải quyết vấn đề thường nhật. Điều gì khiến chúng ta mong muốn nhất, trăn trở nhất sẽ khuyến khích chúng ta tìm tòi, sáng tạo mãnh liệt nhất. Ý tưởng khởi nghiệp dù nhỏ hay lớn đều đáng quý, cho thấy sự năng động, sức sáng tạo, khát vọng vươn lên vô bờ của thanh niên Việt Nam. Tinh thần khởi nghiệp không chỉ cần có ở những người trẻ tuổi, ngay cả khi đã là một doanh nhân thành đạt thì vẫn cần có tinh thần khởi nghiệp để tiếp tục sáng tạo và tạo ra những công ty mới, những của cải mới cho xã hội.
Môi trường và cơ hội khởi nghiệp hiện nay ở nước ta rất thuận lợi để ý tưởng sáng tạo của các bạn trẻ nảy mầm, lớn mạnh. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam mặc dù còn non trẻ, nhưng hiện nay đã đứng thứ 3 trong ASEAN, và sẽ còn mạnh hơn nữa. Thị trường trong nước của Việt Nam đủ lớn và tăng trưởng nhanh để những sản phẩm của người khởi nghiệp có thể tiêu thụ được. Chúng ta đang có một nền kinh tế đa dạng và đầy đủ nguồn lực để giúp các bạn thực hiện ý tưởng kinh doanh của mình, dù đó là vốn đầu tư, công nghệ hỗ trợ, nguyên liệu hay các yếu tố để tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp.
Nếu nhìn rộng hơn về những thời cơ mới của đất nước, khởi nghiệp bây giờ đang rất thuận lợi và tất yếu với giai đoạn phát triển mới của Việt Nam: Chúng ta đang ở thời kỳ dân số vàng, dân số trẻ rất đông, đó là cơ hội vàng, thời điểm vàng của khởi nghiệp. Nền kinh tế nước ta đang dần chuyển dịch mô hình sang năng suất cao hơn, kỹ thuật cao hơn, sáng tạo cao hơn. Nước ta có trên 90 triệu dân nhưng mới chỉ có gần 600 nghìn doanh nghiệp. Chúng ta đang ở mức rất thấp về tỷ lệ doanh nghiệp trên dân số. Cần phải đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần kinh doanh, khả năng sáng tạo, sự năng động của cả quốc gia, đặc biệt là thế hệ trẻ, để biến những ý tưởng mới, những sáng chế mới thành hàng hóa, từ đó tạo ra của cải vật chất mới cho xã hội.
Với mục đích và tầm nhìn như vậy, Chính phủ đã chọn năm 2016 là năm Quốc gia khởi nghiệp và đang triển khai những chính sách lớn nhằm hỗ trợ tối đa cho khởi nghiệp. Coi khởi nghiệp là đột phá để thực hiện 3 đột phá chiến lược. Coi kết quả các chương trình khởi nghiệp là thước đo thành công của Chính phủ kiến tạo.
Tuy thuận lợi như vậy, nhưng không có nghĩa là khởi nghiệp chỉ cần dựa trên ý tưởng hay, hoặc công nghệ mới lạ là có thể thành công. Ngay cả ở Mỹ, 90% công ty khởi nghiệp thất bại, chỉ 10% sẽ thành công. Cũng như việc gieo hạt giống cho mọc thành cây thì dễ, nhưng cái khó là làm sao nó sống lâu trở thành một cây đại thụ. Với các bạn sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường, đây chính là quãng thời gian quan trọng nhất để suy nghĩ, lên ý tưởng và thử nghiệm. Đây là giai đoạn tốt nhất để chuẩn bị cho mình đầy đủ nhất về kiến thức và kỹ năng, cũng như bản lĩnh và tinh thần để khởi nghiệp.
Bên cạnh việc học, hãy tham gia vào cộng đồng nhiều hơn để hiểu hơn về xã hội: có thể là những hoạt động tình nguyện, hoặc đi làm thực tập ở môi trường doanh nghiệp. Như vậy khi tốt nghiệp ra trường, chúng ta sẽ không bị bỡ ngỡ. Hãy trang bị cho mình những nền tảng tốt nhất để sau này mỗi bước chân khởi nghiệp đều hết sức vững vàng.
Với thanh niên nông thôn, tinh thần khởi nghiệp lại càng quan trọng, Chính phủ mong mỏi cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch nhanh và hiệu quả, ngày càng có nhiều doanh nghiệp khu vực này, muốn vậy phải quan tâm đầu tư hỗ trợ cho các chương trình khởi nghiệp, các mô hình sản xuất mới hiệu quả ở nông thôn. Khởi nghiệp sẽ đòi hỏi các bạn phải dấn thân. Nhưng cũng đừng dấn thân một mình. Hãy tham gia vào cộng đồng khởi nghiệp, những người đang làm như ta, qua đó ta vừa có dịp trau dồi thêm, vừa có thể được nhận sự hỗ trợ và các cơ hội hợp tác. Cần chung tay xây dựng nhiều hơn nữa những “vườn ươm” khởi nghiệp với sự hợp tác từ các bạn.
Ở một số thành phố lớn của Việt Nam hiện nay đã có những trung tâm khởi nghiệp rất năng động và tân tiến. Không chỉ học từ bạn bè đồng lứa, các bạn hãy chủ động học hỏi từ những người đi trước. Sẽ có nhiều anh chị doanh nhân của Việt Nam rất sẵn lòng trao đổi, hỗ trợ và đồng hành các bạn.
. Mặc dù đất nước chúng ta còn nhiều khó khăn, một số thay đổi còn chậm, còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng, nhưng thế hệ trẻ luôn là mối quan tâm lớn nhất của Nhà nước. Và Nhà nước luôn muốn đồng hành cùng các bạn.
Việt Nam đã bước sang một thời kỳ phát triển mới, Nhà nước không phải là người đi làm kinh tế; mà làm kinh tế phải là doanh nghiệp, là người dân, là những thanh niên đầy hoài bão và tài năng như các bạn. Nhiệm vụ của Nhà nước là hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ phát triển. Chính phủ quyết tâm chấn hưng giáo dục, cải thiện các yếu tố tác động tích cực hệ sinh thái khởi nghiệp, đặc biệt là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nằm trong thứ hạng cao của các nước ASEAN.
Chính phủ cũng đề nghị Đoàn thanh niên, các Bộ ngành và các tổ chức liên quan tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình trong đồng hành và hỗ trợ khởi nghiệp sinh viên. Xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ học sinh phát triển tư duy khởi nghiệp thậm chí ngay từ cấp độ phổ thông trung học. Hướng tới xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động trong đó mọi người dân đều khát khao khởi nghiệp, sáng tạo, tạo ra của cải vật chất cho xã hội.
Khi ở độ tuổi 23 vào tháng 3/2008, Mark Zuckerberg, chàng thanh niên sáng lập mạng xã hội Facebook, đã trở thành tỷ phú trẻ nhất thế giới với tài sản ròng 1,5 tỷ đô la Mỹ. Một câu nói của Mark mà tôi ưa thích là:Rủi ro lớn nhất là không dám chấp nhận rủi ro. Trong một thế giới đang thay đổi quá nhanh chóng, nếu bạn không dám chấp nhận rủi ro thì chắc chắn sẽ thất bại. Tôi muốn nói thêm rằng: nếu chỉ có tinh thần “dám thất bại” thôi thì không đủ, mà mấu chốt cần phải biết làm sao để “không thất bại”, và nếu có thất bại thì cũng không nản lòng.
Tôi mong rằng, các bạn sẽ khởi nghiệp một cách bài bản, chuẩn bị kỹ lưỡng, với cả nhiệt huyết và sự thông thái.. Tôi mong thanh niên Việt Nam coi khởi nghiệp không chỉ là một con đường kiếm tiền, mà là một triết lý sống. Mong rằng các bạn có ước mơ lớn, sự chuẩn bị khôn ngoan, lòng quyết tâm, tinh thần quả cảm, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Đảng và Nhà nước đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ tài năng của chúng ta.