Thủ tướng đồng ý triển khai thí điểm Mobile Money trong 2 năm

Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ ví điện tử, doanh nghiệp viễn thông có thể xin phép thí điểm triển khai dịch vụ Mobile – Money từ ngày 9/3. Thời gian thí điểm dịch vụ Mobile – Money sẽ kéo dài trong 2 năm.

Thủ tướng đồng ý triển khai thí điểm Mobile Money trong 2 năm
Thủ tướng chính thức đồng ý triển khai thí điểm Mobile - Money trong 2 năm

Nhà mạng và các doanh nghiệp cung ứng ví điện tử được phép thí điểm

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile - Money). Quyết định cho phép triển khai thí điểm Mobile - Money có hiệu lực từ ngày ký (9/3/2021).

Việc cho phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile – Money nhằm mục tiêu góp phần phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam.

Tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng. Đồng thời, kết quả thí điểm triển khai dịch vụ Mobile – Money sẽ là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, xây dựng và ban hành các quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.

Theo Quyết định vừa ban hành, Thủ tướng đồng ý cho các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Ví điện tử và Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần vô tuyến điện hoặc các công ty con (được công ty mẹ cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông) được phép tham gia thí điểm.

Các doanh nghiệp này được cung cấp dịch vụ đến các khách hàng có Chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp thí điểm định danh, xác thực theo quy định. Các số thuê bao di động có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile – Money. Quyết định nêu rõ: “Mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile – Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện”.

Được triển khai trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải ưu tiên triển khai dịch vụ Mobile – Money tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp chỉ được cung ứng các dịch vụ Mobile – Money để chuyển tiền, thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại Việt Nam theo quy định hiện hành để phục vụ nhu cầu cuộc sống người dân. Dịch vụ Mobile – Money chỉ áp dụng với các giao dịch nội địa và không thực hiện cho các dịch vụ xuyên biên giới.

Theo quy định, thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile – Money là 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ này.

Hạn mức giao dịch Mobile – Money tối đa 10 triệu đồng/tháng

Theo quy định, doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile – Money được sử dụng để nạp tiền mặt vào tài khoản Mobile – Money tại các điểm kinh doanh, nạp tiền vào tài khoản Mobile – Money từ tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoạt ví điện tử của khách hàng;

Rút tiền mặt từ tài khoản Mobile – Money tại các điểm kinh doanh, rút tiền từ tài khoản Mobile – Money về tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử.

Thanh toán khi giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ của các đơn vị chấp nhận thanh toán bằng tài khoản Mobile – Money. Ngoài ra, các giao dịch chuyển tiền giữa các tài khoản Mobile – Money của khách hàng trong cùng hệ thống của doanh nghiệp thực hiện thí điểm, giữa các tài khoản Mobile – Money của khách hàng với tài khoản thanh toán ngân hàng hoặc ví điện tử do doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung cấp.

Chính phủ cũng quy định hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng đối với mỗi tài khoản Mobile – Money cho tổng các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.

Nhiều hành vi bị cấm được nêu ra khi triển khai thí điểm. Theo đó, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile – Money, trả lãi trên số dư tài khoản Mobile – Money hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên tài khoản Mobile – Money so với giá trị tiền khách đã nạp vào tài khoản Mobile – Money.

Doanh nghiệp thực hiện thí điểm thực hiện hoạt động ngân hàng (cho vay, huy động vốn) hay các hành động cung ứng hoặc sử dụng tài khoản Mobile – Money để giao dịch cho mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo và các hành vi gian lận. 

Thuê, cho thuê, mượn cho mượn hoặc trao đổi, mua bán tài khoản Mobile – Money và thông tin tài khoản Mobile – Money. Doanh nghiệp thực hiện thí điểm sử dụng nguồn tiền từ tài khoản Mobile – Money của khách hàng cho các mục đích khác của doanh nghiệp thực hiện thí điểm đều là các hành vi bị cấm.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia từ trước đó, việc triển khai Mobile- Money sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thơi, tạo ra những tiện lợi đáng kể cho người dân, nhất là người dân nông thôn. Đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, người dân đang dần thích ứng với việc giao dịch online, việc triển khai Mobile - Money sẽ là hành động thích hợp để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt. 

Theo vietnamnet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...