Thủ tướng Chính phủ ra quyết định cấm thiết bị bay không người lái: Cấm flycam vì sự an toàn của hàng triệu người

GD&TĐ - Sau một loạt sự cố gây mất an toàn bay đối với ngành hàng không, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định cấm thiết bị bay không người lái tại các khu vực gần sân bay. Quyết định trên được nhiều người đồng tình, ủng hộ.

Flycam đang đe dọa trực tiếp tới an toàn bay của ngành hàng không
Flycam đang đe dọa trực tiếp tới an toàn bay của ngành hàng không

Đe dọa an toàn giao thông

Ngày 16/10, máy bay Airbus A321-271N, số đăng ký VN-A607 của Hãng hàng không Vietjet thực hiện chuyến bay VJ331 từ TPHCM đi Phú Quốc. Khi máy bay hạ cánh, nhân viên kỹ thuật phát hiện chóp mũi che radar thời tiết bị móp một vết nhưng không có biểu hiện va đập của chim.

Báo cáo của cơ trưởng cho hay, trong quá trình bay, gặp mưa to kết hợp mây giông và máy bay có biểu hiện rung lắc nhẹ. Theo quan sát thực tế, thời tiết không có biểu hiện mưa đá.

Trước đó, ngày 20/9, máy bay Boeing 737 của Hãng hàng không T’way Air (Hàn Quốc) cũng gặp phải hiện tượng tương tự khi hạ cánh tại TPHCM. Máy bay này cũng bị móp và rách chóp mũi che radar thời tiết.

Tháng 4, một số chuyến bay cất và hạ cánh tại Cảng hàng không Quốc tế Liên Khương (Lâm Đồng) cũng đã bị ảnh hưởng do Đài kiểm soát không lưu phát hiện các vật thể bay không người lái xuất hiện trên bầu trời gần đường cất và hạ cánh máy bay. Vật thể bay phát sáng liên tục, có lần xuất hiện cách thềm đường cất hạ cánh 13km về hướng Tây Nam, kéo dài gần 30 phút.

Sau đó, Công an tỉnh Lâm Đồng đã vào cuộc xác minh vật thể bay phát sáng là flycam. Lực lượng chức năng xác định trong phạm vi bán kính 30km tính từ sân bay, có 16 trường hợp sở hữu và sử dụng flycam thuộc địa bàn các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Bảo Lâm, Di Linh, Đơn Dương và TP Đà Lạt. UBND tỉnh Lâm Đồng sau đó cho biết ngày càng có nhiều thiết bị bay không người lái xâm phạm vùng cấm bay, đe dọa tới an toàn hàng không, hoạt động quốc phòng và an ninh.

Không chỉ ảnh hưởng tới ngành hàng không, thiết bị bay không người lái (flycam) còn đe dọa tới an toàn trong nhiều lĩnh vực. Cuối năm 2018, một thanh niên trong lúc đuổi theo flycam đã bị rơi khỏi cầu Nhật Tân, bị thương rất nặng. Trước đó, không ít lần người tham gia giao thông hoảng hồn khi thấy một flycam bất ngờ “từ trên trời rơi xuống” ngay giữa đường.

Tác hại của flycam

Hiện nay, các thiết bị bay không người lái xuất hiện khắp nơi, chúng rất dễ mua. Tuy nhiên, việc các thiết bị này bay quá gần vùng máy bay cất hạ cánh có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Các nhà khoa học tại Đại học Dayton Research Institute đã công bố kết quả thử nghiệm tác động mà drone gây hại cho máy bay. Bài thử nghiệm này thực hiện một vụ va chạm trên không trung giữa một flycam (DJI Phantom 2) và máy bay cánh quạt (chiếc Mooney M20) ở vận tốc 238 dặm/một giờ.

Kết quả cho thấy, chiếc flycam để lại một vết hỏng rất lớn trên thân chiếc Mooney M20. Để giảm bớt lực va chạm, nhiều chuyên gia cho rằng, flycam cần phải được cải tiến sử dụng các vật liệu có thể vỡ dễ dàng khi va chạm, đồng thời cũng cần giới hạn trọng lượng của các thiết bị bay này.

Bản thân flycam đang được thiết kế bằng vật liệu vô cùng nguy hiểm cho ngành hàng không. Một nhân viên kỹ thuật mặt đất làm việc tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, khi bị hút vào động cơ, flycam có thể khiến lá cánh động cơ bị biến dạng, gãy.

Ngay cả khi không có thiệt hại tức thì, động năng của các loại drone cỡ lớn có thể làm động cơ mất cân bằng. Quá trình này dẫn tới việc khối động cơ bị phá hủy, kéo theo đó là vùng cánh máy bay. Nhân viên này cũng cho biết thêm, hiện nay các loại pin dùng cho thiết bị điện tử đều có dung lượng cao và dễ bốc cháy.

“Nếu flycam va phải mũi máy bay, nó có thể bắt lửa và gây cháy lan ra các bộ phận quan trọng ở khu vực này” - nhân viên kỹ thuật cảnh báo.

Flycam – muốn bay phải được cấp phép

Sau một loạt sự cố, Thủ tướng vừa chỉ đạo cấm thiết bị bay không người lái. Theo công điện, rủi ro từ nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không của tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ đối với hoạt động hàng không dân dụng là rất lớn.

Trước mắt, tạm thời ban hành Chỉ thị cấm thiết bị bay không người lái hoạt động tại các cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận trong phạm vi 8 km tính từ ranh giới cảng hàng không, sân bay trở ra.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm chỉ đạo các doanh nghiệp ngành hàng không, đặc biệt là các cảng hàng không và Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam có các giải pháp, phương án quản lý vùng trời khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay phòng ngừa, ứng phó với flycam uy hiếp an ninh, an toàn hàng không; phối hợp với Bộ Quốc phòng, các cơ quan liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu rủi ro từ flycam.

Thực tế hiện nay, vẫn đang có những quy định áp dụng cho việc sử dụng flycam. Theo đó, các cá nhân, tổ chức muốn sử dụng flycam để quay phim, chụp ảnh thì phải có đơn đăng ký gửi đến Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng), cam kết bay đúng độ cao, phạm vi hoạt động, mục đích bay...

Mặt khác, mỗi lần xin phép chỉ áp dụng cho 1 lần bay. Được biết, Bộ Quốc phòng cũng đang xây dựng một nghị định mới thay thế Nghị định 36 về quản lý máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 12 tới.

Quy định quản lý flycam hiện cũng được cho là “gây khó” khiến nhiều người nảy sinh tâm lý “bay trộm”, không xin phép. Anh Minh Quyết - một người sử dụng flycam vào mục đích chụp ảnh phong cảnh cho biết: “Mỗi lần bay lại phải xin phép rồi chờ được cấp phép nên rất mất thời gian. Trong khi đó cảnh đẹp chỉ có thể bắt gặp theo từng khoảnh khắc nên không thể chờ xin phép được”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ