Thủ tục nhập cảnh mới cho thực tập sinh sang Nhật Bản

GD&TĐ - Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, công ty tiếp nhận phải có trách nhiệm bảo đảm việc quản lý đối với thực tập sinh tại Nhật Bản để không lây nhiễm và phải đăng ký xin phép nhập cảnh trước.

Chứng nhận tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cần thể hiện rõ thông tin về loại vắc-xin, thời gian tiêm. Ảnh minh họa
Chứng nhận tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cần thể hiện rõ thông tin về loại vắc-xin, thời gian tiêm. Ảnh minh họa

Cách đăng ký để nhập cảnh Nhật Bản

Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có công văn gửi các doanh nghiệp phái cử lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản. Văn bản đề cập một số nội dung chính của biện pháp nới lỏng hạn chế nhập cảnh, bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh vào quốc gia này.

Công văn căn cứ theo báo cáo của Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản về việc Tổ chức Thực tập kỹ năng Nhật Bản hướng dẫn thủ tục nhập cảnh mới cho thực tập sinh nước ngoài từ ngày 1/3/2022.

Theo đó, cơ quan chức năng Nhật Bản cho phép đăng ký xin nhập cảnh trực tuyến qua hệ thống xác nhận sức khỏe người nhập cảnh (viết tắt là ERFS). Sau đó, sẽ mất khoảng 1 - 2 ngày để cơ quan chức năng tiếp nhận, xét duyệt, cấp “Chứng nhận đã đăng ký”, được dùng cùng các giấy tờ khác khi xin cấp visa.

Nhật Bản không ưu tiên cho thực tập sinh nhập cảnh theo thứ tự thời gian hiệu lực của tư cách lưu trú như thời điểm tháng 11/2021. Theo đó, công ty tiếp nhận có nhu cầu và đáp ứng đầy đủ yêu cầu gồm cả việc cam kết thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch, tiến hành đăng ký xin phép nhập cảnh... sẽ được duyệt.

Về việc cách ly khi nhập cảnh Nhật Bản, khi làm thủ tục lên máy bay và khi nhập cảnh, người nhập cảnh phải xuất trình chứng nhận kết quả xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19 được cấp trong vòng 72 giờ. Về nguyên tắc, người nhập cảnh Nhật Bản sẽ phải cách ly 7 ngày nhưng ngày thứ ba có kết quả xét nghiệm âm tính thì sẽ không cần tiếp tục cách ly.

Những người nhập cảnh từ các nước và khu vực được xác định biến chủng Omicron đang hoành hành thì sẽ phải cách ly tập trung tại cơ sở cách ly của cơ quan kiểm dịch. Hiện, Việt Nam không có tên trong danh sách nước và vùng lãnh thổ được xác định biến chủng Omicron đang hoành hành.

Chứng nhận tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cần thể hiện rõ thông tin về loại vắc-xin, thời gian tiêm... Có 4 loại vắc-xin được Nhật Bản thừa nhận gồm: Pfizer-Biotech, Moderna, Astra Zeneca và Janssen (Johnson & Johnson). Trường hợp tiêm trộn vắc-xin được thừa nhận có hiệu quả nhưng mũi thứ ba phải là Pfizer hoặc Moderna.

Những người nhập cảnh từ quốc gia, khu vực xuất hiện các biến chủng mới ngoài Omicron sẽ bị yêu cầu cách ly 14 ngày. Trường hợp, người nhập cảnh có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, người đó và những người được xác định tiếp xúc gần sẽ phải cách ly tại nơi cách ly của cơ quan kiểm dịch cho đến khi có kết quả âm tính.

Những người đã tiêm 3 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 có chứng nhận tiêm còn hiệu lực từ các nước và vùng lãnh thổ được xác định bùng dịch sẽ cách ly 7 ngày tại nhà thay vì cách ly tại cơ sở cách ly của cơ quan kiểm dịch. Nếu đến ngày thứ ba có kết quả xét nghiệm âm tính, sẽ không phải cách ly tiếp. Những người nhập cảnh từ các quốc gia và vùng lãnh thổ không bùng dịch sẽ được miễn cách ly tại nhà.

Những lưu ý khi xin phép nhập cảnh

Tổ chức Thực tập kỹ năng Nhật Bản lưu ý các công ty và nghiệp đoàn về việc xin phép nhập cảnh có thể có sự thay đổi tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh theo chủ trương của Chính phủ Nhật Bản. Do đó, các đơn vị cần theo dõi sát tình hình, nắm bắt thông tin mới nhất.

Trước khi nhập cảnh, thực tập sinh phải tải ứng dụng “My SOS” của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản để xuất trình khi làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay. Do đó, thực tập sinh cần phải có điện thoại thông minh để cài đặt ứng dụng.

Để tránh cho thực tập sinh phải tiếp xúc đông người tại sân bay khi nhập cảnh, công ty và nghiệp đoàn nên thu xếp cho thực tập sinh nhập cảnh trong khoảng từ thứ Hai đến thứ Năm hằng tuần. Nghiệp đoàn và công ty có thể đón và đưa thực tập sinh về nơi cách ly bằng phương tiện công cộng hoặc xe thuê nhưng phải đi tuyến đường ngắn nhất.

Trong thời gian cách ly, cần theo dõi sát tình hình sức khỏe của thực tập sinh và kịp thời báo cáo cơ quan chức năng, cơ quan y tế địa phương khi phát hiện có thực tập sinh có biểu hiện ho, sốt, mệt mỏi. Công ty tiếp nhận cần thông tin và xác nhận đầy đủ với thực tập sinh về thời gian bắt đầu thực tập để những thực tập sinh đã chờ đợi lâu biết và có kế hoạch chuẩn bị.

Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp phái cử thực hiện phối hợp chặt chẽ với đơn vị tiếp nhận trong việc thực hiện nghiêm quy định của Nhật Bản liên quan đến việc thực tập sinh nước ngoài nhập cảnh. Nhất là việc tiêm và chứng nhận tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, xét nghiệm PCR cho thực tập sinh trước khi lên máy bay.

Nếu điều kiện cho phép, xem xét cho thực tập sinh học tập trung tại cơ sở đào tạo trong thời gian ít nhất 14 ngày trước khi xuất cảnh vừa để học, vừa cách ly. Bảo đảm không có người dương tính với Covid-19 khi nhập cảnh.

Trước đó, Chính phủ Nhật Bản chính thức công bố sẽ nới lỏng hạn chế nhập cảnh, cho phép thực tập sinh, du học sinh, visa gia đình nhập cảnh… (chỉ ngoại trừ khách du lịch). Từ đó, nâng số lượng người nhập cảnh tối đa mỗi ngày từ 3.500 lên 5.000 người từ tháng 3. Các thủ tục nhập cảnh cũng sẽ được tối giản một cách tối đa để tạo điều kiện cho người nước ngoài có thể nhập cảnh và bắt đầu công việc, học tập tại Nhật Bản.

Cụ thể, sẽ không yêu cầu phải xin và nộp bản kế hoạch hoạt động sau khi nhập cảnh. Mà chỉ cần cơ quan tiếp nhận nộp đơn bảo lãnh, các thủ tục cũng sẽ được thực hiện online trước ngày nới lỏng nhập cảnh từ 1/3/2022.

Việc nhập cảnh mới của người nước ngoài được cho phép đối với visa kinh doanh, du học sinh, thực tập sinh trên cơ sở giám sát của công ty, trường học. Mục đích du lịch chưa được cho phép.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.