Cầu nối hữu nghị
Theo thống kê, hiện có 230 lưu học sinh Việt Nam học tập tại Lào, trong đó có 175 lưu học sinh diện hiệp định, còn lại là diện tự túc. Các em đang theo học ở các khoa như Ngôn ngữ, Quan hệ quốc tế, Kinh tế, Chính trị… tại Đại học Quốc gia Lào.
Thông tin tới Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, các lưu học sinh cho biết, trong thời gian học tập tại Lào, các em luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đại sứ quán Việt Nam, Đại học Quốc gia Lào, các đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam đang hợp tác và đầu tư tại Lào.
Khu ký túc xá của lưu học sinh tại Lào mới sửa chữa đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu về ăn ở, học tập. Tuy nhiên, các em cũng mong muốn có thêm sự đầu tư về phương tiện phục vụ học tập, sinh hoạt; đồng thời đề nghị được xem xét để tăng cấp bù sinh hoạt phí, tăng phụ cấp hàng tháng.
Ghi nhận sự nỗ lực của các lưu học sinh, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, các em chính là những hạt giống giữ gìn, phát huy tình hữu nghị Việt - Lào, vì vậy, cần cố gắng học tập tốt, thân thiện - đó cũng là cách để giữ hình ảnh và uy tín với nước bạn.
Trước lo lắng của một số lưu học sinh Việt Nam tại Lào về vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp, Thứ trưởng gợi ý: Hiện nay ở Lào có gần 300 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động, nhu cầu về nhân lực rất lớn, các em cần mạnh dạn, chủ động kết nối với những doanh nghiệp này để tìm kiếm cơ hội việc làm cả ở Lào và Việt Nam.
Chia sẻ một số khó khăn hiện tại của lưu học sinh, trong đó có mong muốn về tăng sinh hoạt phí, Thứ trưởng giao Cục Hợp tác quốc tế rà soát và có báo cáo cụ thể để gửi các bộ, ngành liên quan xem xét.
Gặp gỡ một số giáo viên được cử sang Lào, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định, vai trò của 34 thầy cô giáo đang
giảng dạy tiếng Việt tại Lào rất quan trọng, vừa là cầu nối hữu nghị Việt - Lào, vừa mang tiếng Việt lan tỏa rộng khắp. Thứ trưởng cảm ơn sự hy sinh các thầy cô giáo khi rời xa gia đình để đến một nơi xa xôi và mong các thầy cô nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của hai nước.
Tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho nước bạn Lào
Tại nước CNDCND Lào, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã có cuộc gặp xã giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, bà Sengdeuane Lachanthaboune. Tại đây, Thứ trưởng gửi lời chào, thăm hỏi của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tới người đứng đầu ngành Giáo dục nước CHDCND Lào.
Vui mừng được đón tiếp Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, bà Sengdeuane Lachanthaboune cho biết, đất nước và nhân dân Lào luôn cảm ơn sự giúp đỡ của Việt Nam trong mọi lĩnh vực, trong đó đặc biệt là giáo dục và đào tạo. Mỗi năm Việt Nam dành cho Lào từ 1.000 – 1.200 suất học bổng ngắn hạn và dài hạn, đồng thời hỗ trợ hiệu quả đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục Lào.
Đánh giá cao thành tựu của giáo dục Việt Nam trong những năm qua, bà Sengdeuane Lachanthaboune mong muốn, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ Lào trong một số nhiệm vụ cụ thể như kiểm định chất lượng giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất giáo dục…
Trao đổi với bà Sengdeuane Lachanthaboune, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011 - 2020” của Chính phủ Việt Nam đã mang lại hiệu quả tích cực, Bộ GD&ĐT Việt Nam đang tổ chức đánh giá kết quả và đề xuất triển khai giai đoạn tiếp theo (2021 - 2030) theo hướng tốt hơn nữa.
Khẳng định Việt Nam luôn mong muốn đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Lào, Thứ trưởng mong muốn hai bên sẽ phối hợp tốt hơn nữa trong việc tuyển chọn, đào tạo tiếng Việt, quản lý để nâng cao chất lượng đào tạo lưu học sinh Lào tại Việt Nam.
“Thời gian tới, phía Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ Lào trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, không chỉ thể hiện ở việc cấp học bổng, đầu tư cơ sở vật chất mà quan trọng hơn là hỗ trợ cho toàn bộ chiến lược phát triển giáo dục của Lào, vì sự phát triển và hội nhập của nước bạn Lào” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trong chuyến công tác tại Lào, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT cũng đã đến thăm Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào; Trường Năng khiếu và Dự bị đại học dân tộc, Đại học Quốc gia Lào; Trường Hữu nghị Lào - Việt.