Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Tổ kiểm tra phải nâng cao hơn trách nhiệm chấm kiểm tra thi

GD&TĐ - Chiều 12/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu Đoàn kiểm tra số 1 Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã tới kiểm tra công tác chấm thi tại TP. Đà Nẵng.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp THPT tại TP. Đà Nẵng.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp THPT tại TP. Đà Nẵng.

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Đà Nẵng có 12.686 thí sinh đăng ký dự thi. Tổng số cán bộ giáo viên, nhân viên huy động làm thi là 2.721 lượt. Lực lượng đảm bảo an toàn cho kỳ thi là 645 người.

Theo đại diện Sở GD&ĐT, việc bố trí khu vực làm phách tại Ký túc xá Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đảm bảo 2 vòng cách biệt, trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác làm phách bài thi đảm bảo an toàn, bảo mật. Ban làm phách được thành lập gồm 1 Trưởng ban, 3 Phó trưởng ban, 12 ủy viên và 19 cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ, bảo vệ, phục vụ y tế và công an.

Đối với Ban chấm thi tự luận có tổng 149 người. Cụ thể gồm lãnh đạo ban chấm thi 4 người, cán bộ chấm thi 114 người, cán bộ chấm kiểm tra 7 người, còn lại là công an và phục vụ.

Đối với Ban chấm thi trắc nghiệm bao gồm 26 thành viên chia làm 3 tổ, gồm: tổ kỹ thuật viên xử lý bài thi, Tổ giám sát và Tổ thư ký, 28 cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ bảo vệ, phục vụ, công an. Công tác thanh tra chấm thi của Sở GD&ĐT được thực hiện nghiêm túc.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao đổi, động viên lực lượng Phòng cháy chữa cháy túc trực tại điểm làm phách thi.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao đổi, động viên lực lượng Phòng cháy chữa cháy túc trực tại điểm làm phách thi.

“Công tác chuẩn bị các điều kiện và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 trên địa bàn TP. Đà Nẵng diễn ra theo đúng kế hoạch và đảm bảo các quy định theo quy chế thi và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2022 được thực hiện theo đúng hướng dẫn và Quy chế thi”, đại diện Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng báo cáo.

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã đến kiểm tra công tác làm phách tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và công tác chấm thi tại Trường THPT Phan Châu.

Qua kiểm tra ghi nhận công tác chấm thi rất tốt, việc chỉ đạo thanh tra, kiểm tra trong quá trình chấm thi được thực hiện liên tục. Đến giờ này, công tác chấm bài thi đã thực hiện theo đúng tiến độ, đảm bảo an toàn trong việc chấm thi, thể hiện rõ nét qua công tác bảo vệ, bảo mật.

Thứ trưởng cũng đánh giá cao công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại TP. Đà Nẵng thông qua việc tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn, công tác chấm thi thực hiện bài bản, đúng quy trình.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi kiểm tra công tác chấm thi ở Hội đồng thi tốt nghiệp THPT tại Đà Nẵng.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi kiểm tra công tác chấm thi ở Hội đồng thi tốt nghiệp THPT tại Đà Nẵng.

Phương châm của chúng ta là “nhận thức đúng, quyết tâm cao, phương pháp phù hợp và giải quyết dứt điểm”. Nhận thức đúng về kỳ thi này đó là kỳ thi rất quan trọng chặt chẽ, khi vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp, vừa được nhiều trường Đại học sử dụng làm căn cứ xét tuyển, nên nhận thức về kỳ thi là phải đảm bảo công bằng khách quan.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho hay, số lượng thành lập ban làm phách, ban chấm thi, quy trình chấm tự luận, chấm trắc nghiệm đều “rõ vai, rõ người, rõ việc” được ngành giáo dục TP. Đà Nẵng làm rất tốt.

“Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ về công tác chấm thi nhất là đối với thầy cô giáo. Trong mọi trường hợp phải có cách giải quyết dứt điểm. Đặc biệt là trong khâu chọn người. Một sơ suất nhỏ sẽ gây ra hậu quả lớn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác an ninh tại điểm chấm thi Trường THPT Phan Châu Trinh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác an ninh tại điểm chấm thi Trường THPT Phan Châu Trinh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng lưu ý những điểm chính đối với công tác chấm thi trong kỳ thi. Phải xác định mục đích của kỳ thi là công bằng khách quan, trung thực, vì vậy phải chấm đúng, chính xác, công bằng, trung thực; phản ánh đúng kết quả học tập của học sinh. Nếu tỷ lệ phúc khảo cao sẽ phản ánh Ban chấm thi không thành công.

“Ngoài ra, giáo viên không được áp lực với những vấn đề khác, xác định rõ ràng tinh thần vì học sinh và chỉ có một áp lực là làm sao chấm đúng cho học sinh. Phải quán triệt kỹ cho giáo viên”, Thứ trưởng chia sẻ.

Bên cạnh đó, phải tăng cường chấm kiểm tra, tổ kiểm tra phải nâng cao hơn về trách nhiệm chấm kiểm tra thi. Quan trọng nhất là phát hiện lỗi sai của giáo viên trong quá trình chấm bài, lý do vì sao có sự chênh lệch điểm, từ đó phát hiện những sai sót. Ưu tiên chấm những bài thi điểm cao.

Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giám sát quy trình chấm thi. Đây là khâu rất quan trọng trong việc chấm bài thi. Lưu ý việc cộng tổng điểm của thí sinh, đề phòng sót điểm.

“Hy vọng Ban chấm thi Hội đồng thi TP. Đà Nẵng sẽ hoàn thành tốt việc chấm thi, không có giáo viên nào quy phạm quy chế”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ