Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang từ tháng 10 đến tháng 11, toàn tỉnh Tiền Giang ghi nhận thêm 2.807 ca mắc mới, giảm 1.156 ca, tương đương 30,4% so với tháng trước. Như vậy, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, tỉnh ghi nhận 16.807 ca mắc Covid-19; tỉnh hiện đang ở cấp độ dịch cấp 2.
Để thực hiện mục tiêu đẩy lùi Covid-19, tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Kiện toàn mạng lưới điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, thành lập các bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19, phân tầng điều trị, thực hiện phương án bệnh viện tách đôi, tích cực tiêm vắc-xin phòng Covid-19.
Cùng với đó, Tiền Giang tăng cường công tác kiểm tra và quản lý địa bàn, kiểm soát dịch tễ cũng như đảm bảo an sinh xã hội, không để ảnh hưởng đến sản xuất - cung ứng và lưu thông hàng hóa, tích cực hỗ trợ hộ dân khó khăn do chịu ảnh hưởng dịch Covid-19.
Để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, Tiền Giang đã cho phép tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời đảm bảo an toàn phòng, chống dịch theo các phương “một cung đường hai điểm đến”, “3 tại chỗ” hoặc kết hợp cả hai. Toàn tỉnh có 183 doanh nghiệp trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp với trên 58.000 lao động đang hoạt động theo các phương án trên.
Cho đến ngày 01/11, toàn tỉnh đã tiêm 1.562.787 liều vắc-xin phòng Covid-19, đạt 68,7% tổng số liều vắc-xin được phân bổ. Trong đó, số người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 là 1.186.031, đạt 79,9% và người được tiêm đủ 2 mũi là 376.756 người, đạt 25,4%.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong việc hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, Thứ trưởng nhận định tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp khiến địa phương đối mặt với nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.
Để triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý Tiền Giang cần có phương án ứng phó dịch phù hợp theo hướng bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Y tế và khôi phục sản xuất - kinh doanh, ổn định đời sống theo lộ trình.
Tỉnh cần tập trung đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng và nâng cao tỷ lệ bao phủ vắc-xin, ưu tiên lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, người trên 50 tuổi có nguy cơ cao, song song với việc khôi phục hoạt động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, khi tỉnh dần trở lại trạng thái bình thường mới.
Thứ trưởng đề nghị Ban chỉ đạo phương án phòng, chống dịch theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả, Tiền Giang phải chú trọng gắn với việc đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm và các năm tiếp theo, cũng như bảo đảm việc đi lại, sản xuất bình thường của người dân.
Đặc biệt, Tiền Giang cần nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở trong việc điều trị, chăm sóc sức khỏe người mắc Covid-19 theo hướng cách ly F1, điều trị F0 tại nhà, đảm bảo nguồn thuốc điều trị, không để bệnh nhân nhẹ trở nặng và giảm thiểu số ca tử vong.
Về vấn đề vắc-xin, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu tỉnh Tiền Giang rà soát, tổng hợp và báo cáo Bộ Y tế kịp thời về nhu cầu, số lượng vắc-xin cụ thể dành cho từng đối tượng. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế có kế hoạch phân bổ kịp thời vắc-xin cho tỉnh để triển khai tiêm.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã lắng nghe ý kiến của một số doanh nghiệp về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khi mở lại sản xuất. Đại diện Bộ Công thương, ông Nguyễn Thành Nam gợi ý: Một số tỉnh tương đương như Tiền Giang đã và đang hoàn thành bộ tiêu chí chống dịch. Đơn cử như TP Hồ Chí Minh gần đây đã ban hành Bộ tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại.
Chia sẻ với các doanh nghiệp về những áp lực trong mùa dịch, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, tỉnh nên hình thành các trạm y tế tại chỗ ở từng khu công nghiệp để chủ động xử trí khi có ca nhiễm. Doanh nghiệp cũng cần cập nhật cấp độ dịch để thích ứng với kế hoạch sản xuất trên hệ thống quốc gia và hệ thống của tỉnh.