Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Đà Nẵng có thể tự mình đương đầu với dịch Covid-19

GD&TĐ - Ngày 23/7 khi tiếp nhận thông tin ca bệnh 416 tại Bệnh viện C Đà Nẵng, Bộ Y tế đã có hàng loạt chỉ đạo, chi viện cho Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung. Sau đúng một tháng, trao đổi với Báo GD&TĐ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định ổ dịch Covid-19 tại Đà Nẵng đã được kiểm soát.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn: Đà Nẵng có thể tự mình đương đầu với dịch Covid-19

- Thưa Thứ trưởng, ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng, ngành Y tế lo ngại nhất điều gì?

Ngày 23/7, khi tiếp nhận thông tin ca bệnh 416 đầu tiên tại Bệnh viện C Đà Nẵng, chúng tôi nhận thấy cực kỳ lo ngại. Đó là cảm xúc của tất cả nhân viên ngành Y tế, đặc biệt lãnh đạo Bộ.

Phản ứng đầu tiên là chúng tôi đề nghị phong tỏa Bệnh viện C bởi bệnh nhân mắc Covid-19 trong khung cảnh rất nhiều nhân viên y tế, bệnh nhân lớn tuổi đang làm việc, điều trị tại đây. Những ngày tiếp đó, một số trường hợp mắc Covid-19 tiếp tục được phát hiện tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng. 

Chúng tôi đã báo cáo trực tiếp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống dịch xuất với thành phố Đà Nẵng tiếp tục cách ly các bệnh viện trên.

Đây là một quyết định rất quan trọng, góp phần giảm thiểu nguy cơ từ 3 bệnh viện này đến khu dân cư xung quanh. Sau đó, đối với công dân đến Đà Nẵng du lịch trở về các địa phương thì hành động tiếp theo của Ban Chỉ đạo là đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch với các tỉnh, thành phố. 

- Biện pháp nào sau đó của cơ quan chức năng để nhanh chóng “làm sạch” các bệnh viện lớn như Bệnh viên C, Bệnh viện Đà Nẵng để nhanh chóng phục vụ công tác khám chữa bệnh của nhân dân thành phố, thưa ông?

Đoàn công tác của Bộ Y tế đã tư vấn giúp Đà Nẵng đưa ra các giải pháp, biện pháp kịp thời để ứng phó với tình hình, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, trong đó có việc thực hiện giãn cách và tiến hành “làm sạch” các bệnh viện lớn như Bệnh viên C, Bệnh viện Đà Nẵng. Cho đến bây giờ, phải nói rất tự hào là tất cả nhân viên y tế khi nhận được quyết định xông vào tâm dịch chưa chuẩn bị tâm lý, đồ đạc nhưng tất cả đều hướng về Đà Nẵng với tinh thần rất cao.

Trong suốt thời gian qua, chúng ta đã thực hiện phong tỏa Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Phục hồi chức năng, tiếp theo là xây dựng “căn cứ địa” cho ngành Y tế Đà Nẵng là Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn và Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, thiết lập hệ thống điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi.

- Dịch bệnh tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung đã được kiểm soát, vậy bài học nào được rút ra, thưa ông?

Năng lực y tế miền Trung thời gian qua đã được tăng lên rất nhiều, xuất phát từ 2 nguyên nhân. Thứ nhất là năng lực nội tại của ngành. Thời gian qua, chính quyền đã đầu tư xây dựng Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng trong khi trước đó về mặt chuyên môn, đặc biệt năng lực về hồi sức cấp cứu còn hạn chế.

Bên cạnh đó, chúng ta đã chuẩn bị Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn sẵn sàng hoạt động nếu tình hình dịch bệnh có những diễn biến khó lường.

Điểm thứ 2 là năng lực của ngành Y tế, chỉ trong thời gian rất ngắn đã hỗ trợ cho Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện Phổi; 3 ngày đã thành lập được một đơn vị hồi sức đặc biệt, tiếp nhận tất cả các bệnh nhân từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển đến và thành lập những ê-kíp hồi sức, có bác sĩ hỗ trợ, có bác sĩ địa phương, hoạt động rất trơn tru.

- Theo luận giải của ngành y tế, việc bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 chỉ như “giọt nước tràn ly”, dẫn đến tử vong chứ không phản ánh sức khỏe cộng đồng hay độc lực của virus. Ông lí giải hiện tượng này thế nào? 

Chúng tôi là những người làm ngành y, khoa học nên tiên lượng được tình trạng bệnh nhân trong quá trình điều trị. Như trường hợp của Bệnh nhân 91 –  phi công người Anh cũng rất nặng, nhưng ông ấy là người bệnh khỏe mạnh, sau đó diễn biến suy đa cơ quan, được hồi sức nên bệnh nhân đã phục hồi.

Đối với những bệnh nhân có bệnh lý nền, mạn tính, đặc biệt là suy thận mạn, có biến chứng tiểu đường tại Đà Nẵng thì sự xâm nhập của virus SARS-CoV-2 là “giọt nước tràn ly”. Các nhà khoa học hội chẩn của tiểu ban điều trị, của các tổ chuyên môn, hội chẩn cho các bệnh nhân nặng ở các bệnh viện được chúng tôi đánh giá là tiên lượng tử vong tương đối chính xác.

Tôi có nói rằng, khi đăng những tin tử vong mà công bố từ bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế, chúng tôi cảm thấy như sát muối trong lòng. 

- Khi rút về Hà Nội, Thứ trưởng có yên tâm với y tế Đà Nẵng trong cuộc chiến chống Covid-19?

Hiện đã có Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình và Phục hồi chức năng được gỡ bỏ phong tỏa. Trong thời gian tới nếu không có trường hợp phát sinh đột biến thì Bệnh viện Đà Nẵng cũng sẽ được giải phong tỏa.

Như vậy chúng tôi cũng đã chuẩn bị kế hoạch để tất cả cán bộ viên chức của Bệnh viện Đà Nẵng sau thời gian phong tỏa, cách ly, xét nghiệm âm tính... sẽ trở lại làm việc phục vụ cho người dân tại Đà Nẵng. 

Tôi nghĩ, với những đóng góp của các bệnh viện, đặc biệt là ngành Y tế Đà Nẵng trong thời gian vừa qua, không chỉ Bệnh viện dã chiến Hòa Vang và Bệnh viện Phổi mà tất cả hệ thống y tế của Đà Nẵng, kể cả một số bệnh viện của Quang Nam như bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam và Bệnh viện Trung ương Huế cũng đã hỗ trợ rất lớn, chia sẻ với miền Trung.

Nếu sau này sự hỗ trợ của Bộ Y tế, hàng trăm y bác sĩ khắp cả nước rút khỏi Đà Nẵng, những bệnh nhân nặng được hồi sức thì ngành Y tế Đà Nẵng hoàn toàn có thể sẵn sàng đương đầu với đợt dịch Covid-19 (nếu có).

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...