Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Không nhất thiết phải đeo khẩu trang mọi lúc

Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Không nhất thiết phải đeo khẩu trang mọi lúc

Virus Corona: Nguy hại và vô hại

Đươc xác định xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc), virus Corona gây ra các triệu chứng cảm lạnh thông thường, nhiễm trùng mũi, xoang hoặc cổ họng và lây lan qua hắt hơi, ho. Song, nó chính là nguyên nhân dẫn đến các bệnh hô hấp nghiêm trọng như hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) hoặc tử vong.

Chỉ sau một thời gian ngắn, số người nhiễm và tử vong do loại virus này gây ra đã tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng. Mặc dù chưa có vắc xin điều trị nhưng đã có những tín hiệu đáng mừng cho những người nhiễm virus Corona.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, số ca mắc virus Corona vẫn đang tăng nhanh, số ca tử vong cũng tăng hằng ngày, nhưng số ca nghi nhiễm đã giảm hơn so với trước và số ca chữa khỏi tăng lên. Chứng minh về việc điều trị thành công virus Corona, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn chứng trong số 10 ca dương tính đã phát hiện tại Việt Nam thì 3 bệnh nhân đã được xuất viện.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thừa nhận hiện chưa thuốc điều trị đặc hiệu đối với con virus này. “Chúng ta dựa trên nguyên tắc cơ bản, điều trị triệu chứng, sốt thì hạ sốt. Đảm bảo dinh dưỡng, ăn uống đầy đủ” - Thứ trưởng Long nói.

Cùng với điều trị triệu chứng, các bệnh nhân phải được theo dõi sát sự bão hòa oxy trong máu, phải có biện pháp can thiệp, nhẹ thì thở oxy, bước 2 là thở hỗ trợ, bước 3 mới thở máy. “Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào mắc cũng thở máy” - Thứ trưởng Long khẳng định.

Về mặt xét nghiệm để phát hiện nhanh các ca nhiễm bệnh, Thứ trưởng Long cho biết, hiện nay chúng ta có đủ năng lực để xét nghiệm đưa ra kết quả. Về việc sản xuất bộ test kit để phát hiện nhanh việc nhiễm virus Corona, ông Long khẳng định hiện nay ngoài nguồn do các tổ chức thế giới viện trợ, thì Việt Nam có đủ năng lực để xét nghiệm nhanh.

Phòng bệnh đúng cách

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết có 3 phương thức lây truyền chủ yếu là lây truyền trực tiếp qua việc tiếp xúc với các giọt nước bọt bắn từ người nhiễm bệnh. Lây tiếp xúc qua các bề mặt và có thể lây qua đường tiêu hoá. Đáng chú ý, virus Corona không lơ lửng trong không khí nên tỷ lệ lây qua đường hô hấp là không đáng kể. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đặc biệt chú ý đến việc tăng cường vệ sinh vật dụng, rửa tay sau khi tiếp xúc với các bề mặt.

Cùng quan điểm trên, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, đeo khẩu trang không phải biện pháp hữu hiệu nhất để tránh bị lây nhiễm. Do virus Corona không lơ lửng trong không khí. Việc khuyến cáo đeo khẩu trang hiện nay, quan trọng nhất là để người bệnh không phát ra dịch tiết.

“Cán bộ y tế cần đeo để tránh lây nhiễm. Những người nghi nhiễm mới cần đeo khẩu trang y tế. Khi người dân đến bệnh viện thăm khám cũng cần đeo khẩu trang y tế. Những người khỏe mạnh không nhất thiết phải đeo khẩu trang” - PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định, khẩu trang không phải là “cứu cánh” và không cần đeo khẩu trang y tế mọi lúc mọi nơi vì chưa có bằng chứng khoa học cho thấy khẩu trang có thể bảo vệ những người không bị bệnh.

Thậm chí, việc sử dụng khẩu trang y tế không đúng cách còn có thể khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh tăng cao. Y tá Nguyễn Thanh Xuân (Viện Nhiệt đới T.Ư) chia sẻ, khẩu trang y tế dùng một lần sau khi bỏ đi phải gói kín lại và để cách ly riêng. “Nếu khẩu trang y tế của người bệnh bị vứt bỏ bừa bãi thì nguy cơ hình thành ổ dịch tại khu vực đó là rất cao” - y tá Xuân cho biết.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nhìn nhận virus Corona nhạy cảm với nắng, tia cực tím, nhiệt độ và gió. Vì thế, người dân cần mở cửa để thông thoáng khí. Nếu ở trong điều kiện tự nhiên có nhiều nắng như miền Nam hay Tây Nguyên thì không nhất thiết phải dùng khẩu trang. “Chúng ta phải hết sức bình tĩnh. Không nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế mọi lúc mọi nơi” - Thứ trưởng Long khẳng định.

Những tín hiệu đáng mừng

Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh cho biết, Việt Nam đã điều trị khỏi cho 3 bệnh nhân, còn số người tử vong do nhiễm virus Corona tại Trung Quốc chủ yếu là người lớn tuổi và người có bệnh lý khách đi kèm. “Qua điều trị có thể thấy với các trường hợp nhiễm bệnh là người trẻ tuổi, thì điều trị khoảng 1 tuần là khỏi bệnh” - ông Khuê nói.

Thêm một tín hiệu đáng mừng nữa khi Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, các nghiên cứu của nhà khoa học cho thấy, người đã bị nhiễm virus Corona và được chữa khỏi bệnh thì sẽ khó có khả năng tái nhiễm, có thể miễn dịch được trong 2 năm.

Để chuẩn bị sẵn sàng phương án phòng chống dịch bệnh, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, tất cả những người mắc bệnh viêm phổi Vũ Hán do nhiễm virus Corona đều được điều trị miễn phí. Riêng với những người nghi nhiễm và cũng thuộc diện điều trị cách ly tại các cơ sở y tế, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cho biết bảo hiểm y tế sẽ chi trả phí điều trị, tùy theo mức hưởng của bệnh nhân.

Cung cấp thông tin cho báo chí chiều 6/2, bà Lê Thị Thu Hằng - người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, mặc dù Việt Nam mới có 10 ca nhiễm virus Corona nhưng Chính phủ đã chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, thành lập khu cách ly chủ động đối phó dịch bệnh lây lan.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, Chính phủ và Bộ Y tế không che giấu bất kỳ thông tin nào. Hiện có 10 ca nhiễm, có ca nào thì Bộ Y tế công bố ngay ca đó. Công bố toàn bộ thông tin để người dân biết và chủ động phòng chống bệnh hiệu quả. Trước những thông tin không đúng trên mạng xã hội, Thứ trưởng Long đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương phải lưu ý đến mạng xã hội, đưa tin sai lệch, khiến người dân hoang mang.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.