Đại hội XIII của Đảng nhận được số thư, điện mừng nhiều nhất trong 13 kỳ đại hội

Đại hội XIII của Đảng đã nhận được hơn 250 thư, điện mừng từ các chính đảng, của nguyên thủ các nước, các tổ chức quốc tế... Điều này có nghĩa vị thế của Đảng đang từng bước được nâng cao.

Ông Hoàng Bình Quân trả lời phóng viên trong và ngoài nước bên lề Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Ông Hoàng Bình Quân trả lời phóng viên trong và ngoài nước bên lề Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Ngày 27/1, tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân đã trình bày báo cáo “Đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhân dân chủ động thích ứng, phát huy hiệu quả trong bối cảnh mới”.

Báo cáo nêu rõ, trong suốt chặng đường cách mạng vẻ vang của Đảng ta, đối ngoại Đảng và đối ngoại Nhân dân luôn giữ một vị trí rất quan trọng, cùng với ngoại giao Nhà nước, tạo thành ba kênh đối ngoại chủ lực, ba mũi giáp công của mặt trận đối ngoại toàn diện dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chiến lược của Đảng và đất nước.

Theo ông Hoàng Bình Quân, 5 năm qua, thế giới và khu vực chứng kiến những diễn biến nhanh, hết sức sâu sắc, phức tạp, chứa đựng các yếu tố bất an, bất định, bất ngờ, tác động đa chiều đến môi trường an ninh và phát triển của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhiều nước và khu vực trên thế giới phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và bất ổn. Đặt trong bối cảnh đó, sự phát triển ổn định của Việt Nam trong suốt thời gian qua là thành tựu, là điểm sáng có ý nghĩa hết sức quan trọng, để lại trong lòng bạn bè quốc tế hình ảnh một Việt Nam ổn định, phát triển năng động, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Bên lề Đại hội, ông Hoàng Bình Quân đã có cuộc trao đổi cụ thể hơn với phóng viên trong và ngoài nước về đường lối ngoại giao của Việt Nam.

PV: Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng có nhắc đến nội dung về thực hiện đường lối đối ngoại, độc lập, tự chủ của Việt Nam, khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, vậy chúng ta cần làm gì để ngày càng thực hiện hiệu quả nội dung này?

Ông Hoàng Bình Quân: Trong văn kiện trình Đại hội cũng có nội dung về đường lối đối ngoại là tăng cường song phương, nâng tầm đa phương, có nghĩa là chúng tôi sẽ nỗ lực để làm sao thực chất hơn, hiệu quả hơn các mối quan hệ song phương của Việt Nam. Trong đó, gia tăng tin cậy chính trị, củng cố nền tảng chính trị và làm sao để nội hàm và thực chất hợp tác đạt kết quả cao hơn. 

Hiện nay, Đảng có Nghị quyết để nâng cao tầm quan hệ đa phương của Việt Nam với tinh thần: Việt Nam không chỉ là một quốc gia tích cực tham gia các cơ chế đa phương mà còn là một quốc gia chủ động tham gia các cơ chế đa phương, trong đó có việc chủ động nêu và tham gia vào các sáng kiến đa phương. Tôi nghĩ đây là một bước phát triển trong chủ trương đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam, cũng như của Chính phủ Việt Nam trong nhiệm kỳ tới. 

PV: Xin ông cho biết trọng tâm đối ngoại Việt Nam trong nhiệm kỳ tới và tầm nhìn tới 2030, 2045?

Ông Hoàng Bình Quân: Đối ngoại của Việt Nam có đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa. Về hiệu quả chính sách đối ngoại, thứ nhất Việt Nam hiện nay là một quốc gia tham gia tới gần hai chục Hiệp định thương mại tự do, có nghĩa là không gian thương mại và đầu tư của Việt Nam rất lớn.

Một quốc gia như Việt Nam có mức độ phát triển như vậy là một nỗ lực lớn để hội nhập quốc tế. Vấn đề là trong nước phải chuẩn bị thật tốt hệ thống chính sách theo hướng hoàn thiện hơn. Hạ tầng của Việt Nam phải tốt hơn, trong đó có hạ tầng về công nghệ số, để Việt Nam làm sao có thể tham gia vào các sân chơi của thế giới một cách tự tin và thực chất hơn. 

Việt Nam sẽ nỗ lực, cố gắng để thực hiện hiệu quả, có trách nhiệm, các cam kết đối với quốc tế cũng như đối với các thiết chế đa phương. Điều đó nghĩa là chúng ta tham gia hội nhập quốc tế với chất lượng cao hơn và làm thế nào để khai thác được sự hợp tác và sự hỗ trợ của quốc tế, của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc đổi mới tại Việt Nam.

Việt Nam đã bước vào một giai đoạn mới. Giai đoạn 35 năm đổi mới vừa qua là giai đoạn chúng ta còn đang rất khó khăn. Chúng ta phải tìm đường mở rộng sang một giai đoạn cao hơn. Trong giai đoạn đó, hợp tác quốc tế cũng phải phù hợp với tình hình mới để làm sao thực hiện việc hợp tác chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn và thiết thực hơn. Như vậy, sự chuẩn bị từ trong nước như tôi vừa nói là rất quan trọng, kể cả về vấn đề đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, hiện đại của Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực đều phải chuẩn bị.

Điểm thứ hai là khi không gian thương mại và đầu tư của Việt Nam đã mở rộng như hiện nay, thậm chí còn mở rộng hơn nữa thì đòi hỏi sự tương thích của chúng ta. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng không còn cách nào khác là sự nỗ lực và phải phát huy tốt sức mạnh nội lực, kết hợp với phát huy hiệu quả nguồn lực từ bên ngoài. Vì mục tiêu đến năm 2030 và đến năm 2045, tôi muốn nói một từ rất gọn, đó là khát vọng phồn vinh của Việt Nam rất lớn. Và hoạt động đối ngoại là một thành tố vô cùng quan trọng để có thể làm nên thành công đó.

PV: Con số thư, điện mừng của các chính đảng, bạn bè truyền thống, láng giềng hữu nghị và các tổ chức quốc tế gửi tới Đại hội XIII của Đảng mang ý nghĩa như thế nào thưa ông?

Ông Hoàng Bình Quân: Tôi xin báo tin vui, ở Đại hội XII, chúng ta nhận được 253 thư, điện mừng từ các chính đảng, của nguyên thủ các nước, các tổ chức quốc tế... chúc mừng Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến thời điểm này, Đại hội XIII nhận được gần 350 thư điện của các chính Đảng và các nguyên thủ, các tổ chức quốc tế.

Tôi tin rằng, đến ngày cuối của Đại hội, có lẽ chúng ta sẽ nhận được trên dưới 400 thư, điện mừng. Đây là một con số kỷ lục trong tất cả các kỳ Đại hội Đảng. Điều đó cho thấy, bạn bè quốc tế rất tin cậy và dành cho Việt Nam tình cảm hữu nghị. 

Đây là sự động viên rất lớn đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa vị thế của Đảng đang từng bước được nâng cao.

PV: Xin cảm ơn ông.

Theo vov.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.