Sẽ hoàn thành chương trình
- Bộ GD&ĐT chỉ đạo thế nào trong giai đoạn này để bảo đảm an toàn trường học và thực hiện các kế hoạch nhiệm vụ năm học, thưa Thứ trưởng?
- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đi học của học sinh gặp nhiều khó khăn. Bộ GD&ĐT đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo địa phương, cơ sở giáo dục và các đơn vị trực thuộc Bộ về công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục và trường đại học. Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học. Theo đó, thời gian kết thúc năm học vào ngày 15/7 và ngày thi tốt nghiệp từ ngày 8 - 11/8/2020.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019 - 2020, chỉ giữ lại những nội dung nền tảng, cốt lõi. Với quan điểm “dừng đến trường nhưng không dừng học”, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương tổ chức dạy và học trực tuyến qua mạng và trên truyền hình. Vừa tinh giản chương trình để giảm nhẹ nội dung, rút ngắn thời gian học, vừa dạy và học trực tuyến và trên truyền hình, nên các nhà trường sẽ bảo đảm hoàn thành chương trình năm học trước ngày 15/7. Mặc dù tình hình dịch bệnh được kiểm soát, học sinh đã đi học trở lại; từ nay đến thời điểm kết thúc năm học còn 10 tuần, đủ thời gian cho các trường xây dựng kế hoạch dạy học, hoàn thành chương trình năm học đã được tinh giản. Triển khai dạy học trực tuyến, trên truyền hình nhằm thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch, vừa bảo đảm việc dạy học của ngành Giáo dục đã được Thủ tướng Chính phủ đánh giá và biểu dương.
- Bộ GD&ĐT có tiến hành rà soát, đánh giá, rút kinh nghiệm để đưa ra định hướng tiếp theo, trong đó có việc hoàn thiện các văn bản pháp quy để công nhận hình thức dạy học trực tuyến?
- Nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, dạy học; các địa phương cũng có nhiều đổi mới, sáng tạo thực hiện ứng dụng CNTT để dạy học, quản lý giáo dục. Trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường vì dịch bệnh, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, nhà trường tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình để duy trì việc học cho học sinh. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT chủ động tổ chức hội nghị trực tuyến với các sở GD&ĐT, trường phổ thông để cùng thống nhất triển khai dạy học qua Internet, trên truyền hình.
Qua đó, đánh giá 5 yếu tố quan trọng tác động đến việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả. Thứ nhất là hạ tầng CNTT tốt, từ máy tính, phần mềm, đến đường truyền. Thứ 2 là sự quyết liệt trong chỉ đạo, từ Sở/Phòng GD&ĐT, đến nhà trường. Thứ 3 là giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học; không như dạy học truyền thống mà là dạy qua Internet, trên truyền hình nên phải có sự thay đổi. Thứ 4 là sự quan tâm, vào cuộc của phụ huynh học sinh và cuối cùng là nỗ lực, ý thức tự học của chính người học. Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các địa phương đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được kết quả tích cực.
Để bảo đảm cho mọi đối tượng học sinh đều được học khi chưa thể đến trường, các địa phương tổ chức khá tốt việc dạy học trên truyền hình. Nhiều địa phương gửi video bài học đã phát trên truyền hình về Bộ GD&ĐT để được tuyển chọn, phát sóng trên VTV7 cho học sinh toàn quốc có thể theo học.
Đến tuần 20 này, việc phát các bài ôn tập, hệ thống hoá kiến thức trên VTV7 vẫn tiếp tục được duy trì. Lịch phát sóng hằng tuần được Bộ GD&ĐT gửi email cho các sở GD&ĐT và đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ. Có thể nói, việc triển khai dạy học qua Internet, trên truyền hình trong thời gian qua khá hiệu quả. Một mặt thực hiện được một phần chương trình giáo dục khi học sinh nghỉ học ở nhà; mặt khác, nâng cao năng lực sử dụng CNTT trong dạy học của cả giáo viên và học sinh và đặc biệt là nâng cao năng lực và ý thức tự học của học sinh.
Phải nói rằng, đối với giáo dục phổ thông, việc dạy học trực tiếp tại trường là yêu cầu không thể thiếu để học sinh được học tập, rèn luyện, phát triển phẩm chất và năng lực. Tuy nhiên, ứng dụng CNTT và truyền thông hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập có vai trò hết sức quan trọng. Qua việc tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình trong thời gian vừa rồi, chúng ta đã rút ra được nhiều kinh nghiệm để tiếp tục khai thác, sử dụng nhằm hỗ trợ hoạt động dạy học trong điều kiện bình thường. Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp phù hợp cho nhà trường áp dụng hình thức dạy học qua Internet đối với một số nội dung cụ thể trong các môn học một cách phù hợp.
- Thứ trưởng có lưu ý gì với đội ngũ thầy cô giáo khi quay trở lại công việc sau hơn 3 tháng không dạy học trực tiếp tại trường?
- Trước hết, xin chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các thầy cô giáo trong thời gian qua; đặc biệt hiện nay, bên cạnh việc tiếp tục phòng chống dịch, các thầy cô vừa phải hoàn thành chương trình giáo dục hiện hành, vừa chuẩn bị các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tại Việt Nam, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, nhưng tôi đề nghị các thầy cô giáo cần lưu ý và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Hiện nay, Chính phủ mới nới lỏng giãn cách, ở bên ngoài nước ta, dịch vẫn còn diễn biến phức tạp khó lường, chúng ta vẫn tổ chức đón các công dân Việt Nam trở về nước. Bên cạnh đó, cần rà soát, đánh giá lại kết quả học tập của học sinh sau 3 tháng học qua Internet, trên truyền hình; bù đắp lại kiến thức còn thiếu cho học sinh để các em có đủ kiến thức tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như hoàn thành chương trình vào thời điểm kết thúc năm học. Cùng với đó, các thầy, cô cần tích cực, chủ động tham gia bồi dưỡng giáo viên về Chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Quyết tâm cao nhất
- Những thay đổi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 nhận được sự quan tâm của dư luận. Bộ GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn cũng như tham gia như thế nào nhằm bảo đảm tính khách quan, công bằng của kỳ thi này?
- Tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng là yêu cầu đầu tiên, cao nhất đối với kỳ thi. Để thực hiện được cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước hết, việc giao quyền tổ chức kỳ thi về cho địa phương phải gắn liền với tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cũng như người phụ trách các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục chịu trách nhiệm ra đề thi, xây dựng những giải pháp kỹ thuật nhằm giám sát chất lượng, tính trung thực của kỳ thi như mỗi thí sinh trong cùng phòng có một mã đề thi riêng; áp dụng thiết bị giám sát và CNTT để quản lý chặt chẽ đề thi, bài thi; tiếp tục tổ chức thi trắc nghiệm để hạn chế tối đa sự can thiệp của con người vào các khâu coi thi và chấm thi. Các bài thi trắc nghiệm sẽ được chấm bằng máy, bằng phần mềm chung của Bộ, có sự giám sát của hệ thống camera trên cơ sở phát huy hiệu quả của quy trình chấm thi năm 2019 nhằm bảo đảm quy trình chấm thi an toàn, nghiêm túc, đề phòng gian lận.
Năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ công khai phổ điểm thi, báo cáo toàn bộ điểm học bạ của các thí sinh qua hệ thống dữ liệu điện tử. Bộ GD&ĐT lấy đó làm căn cứ đối sánh kết quả thi. Đặc biệt, Bộ chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi như: Tập trung lực lượng thanh tra của Bộ/Sở GD&ĐT, tăng cường thêm thanh tra của tỉnh; bên cạnh đó là chế tài nghiêm khắc để xử lý các gian lận nếu có.
- Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT đã được công bố. Vậy việc tiếp thu, hoàn thiện đề thi sẽ được Bộ GD&ĐT thực hiện như thế nào?
- Đề thi được Bộ GD&ĐT tính toán để phù hợp với mục đích của Kỳ thi tốt nghiệp THPT và chương trình đã được tinh giản, cũng như kết quả học trực tuyến, trên truyền hình. Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố đề tham khảo với ma trận đề có khoảng 70% nội dung kiến thức ở mức độ nhận biết, thông hiểu; 30% ở mức vận dụng và vận dụng cao. Mức độ đó phù hợp với yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp và độ phân hóa đủ để phân loại học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu theo chương trình THPT…
Kết quả thi được sử dụng với mục tiêu chính là để xét tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, mức độ phân hoá học sinh của kỳ thi cũng giúp cho các trường ĐH, CĐ sử dụng như là một tiêu chí trong phương án tuyển sinh. Bên cạnh việc tham khảo, sử dụng kết quả của kỳ thi, các trường ĐH, CĐ cần xây dựng phương án tuyển sinh của riêng mình với những tiêu chí đánh giá năng lực của thí sinh phù hợp với chuyên ngành đào tạo và mục tiêu phát triển của nhà trường. Bộ GD&ĐT sẽ theo dõi thông tin phản hồi về đề thi tham khảo để nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến phù hợp để xây dựng đề thi đáp ứng mục tiêu của kỳ thi.
- Khi nào Bộ GD&ĐT ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT và các kế hoạch tiếp theo về tập huấn công tác thi, thanh tra thi sẽ được thực hiện ra sao, thưa Thứ trưởng?
- Bộ GD&ĐT đang khẩn trương hoàn thiện Quy chế thi và sẽ sớm ban hành để các địa phương chủ động triển khai thực hiện. Đồng thời, Bộ đã xây dựng Kế hoạch tập huấn, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo để tổ chức thực hiện bảo đảm chất lượng tốt nhất cho kỳ thi.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đi học của học sinh gặp nhiều khó khăn. Bộ GD&ĐT đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo địa phương, cơ sở giáo dục và các đơn vị trực thuộc Bộ về công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở giáo dục và trường đại học. Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học. Theo đó, thời gian kết thúc năm học vào ngày 15/7 và ngày thi tốt nghiệp từ ngày 8 - 11/8/2020.