Chưa nên đưa nhà vào diện thu thuế
Buổi sáng, UBTVQH đã nghe báo cáo và cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn của dự án Luật Thuế nhà, đất. Theo báo cáo về Dự thảo Luật Thuế nhà đất của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cho đến nay, về cơ bản, nhiều nội dung của Dự án Luật Thuế nhà, đất được các đại biểu Quốc hội, nhân dân và các chuyên gia đồng thuận.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay chưa nên đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế. Bởi, nhà là tài sản gắn liền với công sức, sự tích luỹ lâu dài của người dân. Việc đánh thuế nhà sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng lên thuế. Ngoài ra trong bối cảnh nền kinh tế và đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, việc áp dụng thêm một sắc thuế là chưa phù hợp.
Chưa nên đưa nhà vào đối tượng tính thuế. |
Ông Trần Đình Đàn, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ: “Trước mắt chưa nên đưa nhà ở vào diện chịu thuế”.
Theo Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, một trong những lý do là “sẽ không tạo được sự đồng thuận trong dân, việc tổ chức thực thi sẽ gặp khó khăn vì nhiều điều kiện bảo đảm thực thi chưa đầy đủ, đồng bộ”. Nhiều nội dung khác của dự thảo Luật cũng được các đại biểu cho ý kiến như đối tượng áp dụng thuế đất, diện tích đất tính thuế, mức thuế suất đối với đất, về áp dụng hạn mức đất ở và trườg hợp có quyền sử dụng nhiều đất ở.
Về giá tính thuế, UBTVQH cho rằng, cần quy định theo 3 mức. Với đất ở trong hạn mức thuế suất là 0,03%, đối với phần diện tích đất ở vượt hạn mức nhưng không quá 3 lần, mức thuế suất là 0,06%. Với diện tích đất ở vượt trên 3 lần hạn mức, thuế suất là 0,1%. Về áp dụng thuế suất đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, đề nghị áp dụng mức thuế suất là 0,03%. Với đất tại nhà chung cư, diện tích tính thuế được chia bình quân cho toàn bộ diện tích xây dựng.
Các căn hộ chung cư sẽ nộp thuế đất căn cứ vào diện tích căn hộ sửu hữu, diện tích xây dựng chung cư, khuôn viên và giá đất do UBND cấp tỉnh quy định.
Về đất lấn chiếm, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nêu ra thực tế đất lấn chiếm được thu thuế và người dân đã giữ lại các hóa đơn nộp thuế này để về sau chứng minh quyền sở hữu khi có tranh chấp, khiếu kiện, giải phóng mặt bằng. Từ thực tiễn này, ông Nam kiến nghị không thu thuế phần đất lấn chiếm và có quy định rõ ràng trong luật, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng tình với quan điểm không đưa việc đánh thuế phần đất lấn chiếm vào luật. Việc để xảy ra tình trạng lấn chiếm cũng có lỗi của cơ quan quản lý, nay lại dồn về cho dân là chưa hợp lý, hợp tình.
Phát triển kinh tế phải đi liền với giảm ô nhiễm môi trường
Chiều ngày 15/3, UBTVQH thảo luận về dự thảo Luật Thuế môi trường. Quá trình phát triển nền kinh tế đã làm phát sinh những yếu tố tác động tiêu cực đến môi trường, dẫn đến ô nhiễm nghiêm trọng, sự phát triển bền vững đang bị đe dọa.
Theo Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày, việc ban hành và thực thi chính sách về bảo vệ môi trường ở nước ta còn nhiều bất cập, các quy định về phí môi trường hiện hành (phí đối với nước thải, chất thải rắn, khai thác khoáng sản, phí xăng dầu), mới chỉ dừng lại ở mục tiêu huy động đóng góp một phần của những đối tượng xả thải hỗ trợ làm sạch thêm môi trường.
Trong các sắc thuế có liên quan như Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế xuất nhập khẩu, mục tiêu bảo vệ môi trường chỉ là mục tiêu lồng ghép, không phải là yêu cầu chính… Việc ban hành Luật này sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền với giảm ô nhiễm môi trường; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, góp phần thay đổi nhận thức của nhân dân trong sản xuất và tiêu dùng; tăng cường quản lý Nhà nước và thực hiện cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế và động viên hợp lý đóng góp của xã hội với vấn đề môi trường hiện nay.
Việc thu thuế phải tính đến sự hài hòa với phát triển kinh tế, đảm bảo năng lực cạnh tranh và xuất khẩu của hàng hóa; đồng thời phân biệt rõ thuế môi trường đánh vào sản phẩm gây ô nhiễm khi sử dụng và phí bảo vệ môi trường đánh vào nguồn gây ô nhiễm khi sản xuất.
Theo đó, dự kiến các sản phẩm và hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế môi trường gồm: xăng dầu các loại, than, môi chất làm sạch chứa dung dịch hydro-clo-flo-carbon (HCFC – một tác nhân chính làm thủng tầng ozon), túi nhựa xốp (túi nilon), thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng.
Dự thảo Luật cũng đưa ra một số hàng hóa, sản phẩm không chịu thuế môi trường như hàng hóa vận chuyển quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua biên giới Việt Nam; hàng tạm nhập tái xuất trong thời hạn theo quy định; hàng hóa do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, cần phân biệt rõ ràng, thuế đánh vào nhà sản xuất hay tiêu dùng. Cụ thể, như xăng dầu các loại là đánh vào người tiêu dùng chứ không phải người sản xuất, như vậy có làm tăng giá xăng dầu trong nước và thành gánh nặng cho người tiêu dùng hay không?
Dự kiến, dự thảo Luật này sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XII tới đây.
Trần Nhật