Chưa nên tính Thuế nhà, đất đối với nhà ở

Chưa nên tính Thuế nhà, đất đối với nhà ở
Nhiều đại biểu QH cho rằng, thời điểm hiện tại đánh thuế nhà ở là chưa hợp lý (ảnh minh họa)
Nhiều đại biểu QH cho rằng, thời điểm hiện tại đánh thuế nhà ở là chưa hợp lý (ảnh minh họa)

Pháp lệnh Thuế nhà, đất được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 3/7/1992, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 1994. Sau 15 năm, đến nay, với nhiều vấn đề bất cập phát sinh trong quản lý, điều tiết việc sử dụng đất đai, nhiều quy định của Pháp lệnh Thuế nhà, đất chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế đất không tương xứng với giá trị đất đai; chưa bảo đảm sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả; đặc biệt chưa thể hiện rõ vai trò điều tiết và quản lý của Nhà nước trong quá trình vận hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu đều tán thành việc cần thiết phải ban hành Luật Thuế nhà, đất. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng thống nhất, vào thời điểm này chưa nên tính Thuế nhà, đất với nhà ở. Các đại biểu đồng tình với quan điểm của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách là: Nhà là tài sản gắn liền với công sức, sự tích lũy lâu dài của người dân. Trước khi có được số tiền xây dựng nhà, người dân đã phải thực hiện nghĩa vụ về thuế, trong đó có thuế thu nhập cá nhân. Trong quá trình xây dựng nhà, người dân phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi mua nguyên vật liệu xây dựng, thi công xây dựng,… Việc đánh thuế nhà sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng lên thuế.

Bên cạnh đó, tài sản nhà, đất là vấn đề nhạy cảm, tác động trực tiếp đến mỗi người dân; đó không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn mang ý nghĩa xã hội. Trong bối cảnh nền kinh tế và đời sống người dân trong nước còn nhiều khó khăn, việc áp dụng thêm một sắc thuế có thể sẽ gây tâm lý không đồng thuận. Một vấn đề nữa là trên thực tế, việc kiểm soát diện tích, đánh giá giá trị nhà để tính thuế là vấn đề phức tạp, trong khi các điều kiện thực hiện lại chưa sẵn sàng. Do vậy, trước mắt chỉ nên thu thuế đối với đất; chưa áp dụng thuế đối với nhà.

Bàn về những quy định cụ thể trong dự thảo Luật, đại biểu Bùi Tuyết Minh (đoàn Kiên Giang) đề nghị tại Điều 4 quy định người nộp thuế, cần bổ sung thêm khoản đối với trường hợp nhà đất thuộc diện tranh chấp, bởi trên thực tế có nhiều trường hợp này xảy ra. Mặc dù Tờ trình của Chính phủ đã giải trình song Dự thảo luật lại chưa quy định đối với trường hợp nhà, đất đang bị tranh chấp mà người có Giấy chứng nhận quyền sở hữu lại không được sử dụng nhà, đất và đối tượng sử dụng nhà, đất đang bị tranh chấp lại không có Giấy chứng nhận thì ai sẽ là người nộp thuế trong trường hợp này. Vì vậy, để tránh phát sinh vướng mắc trong tổ chức thực hiện luật, đề nghị bổ sung quy định vào Dự thảo luật về vấn đề này.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ