Kẻ làm công ăn lương nói chung, hầu hết đều có cùng vấn đề: Vừa nhận lương đã tiêu béng hết, đến cuối tháng lại chầy chật đợi chờ 2 tiếng "ting ting" trên điện thoại. Vòng lặp vô tận ấy quả thật rất đáng sợ.
Hơn 100 năm trước, ở Nhật đã có phong trào tiết kiệm mang tên "kakeibo".
Kakeibo hiểu đơn giản là cuốn sổ, trong đó bạn sẽ viết ra kế hoạch chi tiêu của bản thân để nắm bắt được mình còn bao nhiêu tiền, còn bao nhiêu thứ phải chi...
Nghe rõ là đơn giản rồi, tuy nhiên kakeibo lại khuyến khích mỗi người nghiêm túc ngồi xuống, vạch ra kế hoạch chi tiêu từ đầu tháng cho tới 4 tuần tiếp theo.
Cụ thể như sau: Lấy một số tiền mặt nhất định từ lương đầu tháng (bạn muốn tiết kiệm bao nhiêu tùy ý), chia chúng thành 4 phần, cho vào 4 phong bì đại diện cho 4 nhu cầu cơ bản:
- Sinh hoạt (ăn uống, đi lại)
- Cải thiện cuộc sống (ăn hàng, mua sắm)
- Giải trí
- Phát sinh (cưới xin, ma chay, tu sửa nhà cửa)
Vào mỗi cuối tuần, bạn cần đánh giá quá trình tiêu pha bằng cách trả lời 4 câu hỏi:
- Mình có bao nhiêu tiền?
- Mình muốn tiết kiệm bao nhiêu?
- Mình đã thực sự tiêu hết bao nhiêu?
- Mình cần làm gì để cải thiện việc hoang phí?
Thực chất, kakeibo là cách chúng ta "minh bạch hóa" tiền nong của bản thân, giúp bạn biết tiền của mình đã đi đâu về đâu/phải làm gì để cải thiện tình hình.
Theo JP Times, kakeibo được đưa ra vào năm 1904 và đã được chứng minh có thể giúp cắt giảm khoảng 35% chi tiêu hằng tháng.