Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường đã trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019.
Thu ngân sách nhà nước năm 2019 vượt dự toán
Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, năm 2019, với quyết tâm cao của hệ thống chính trị và nhân dân nên nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã hoàn thành toàn diện. Theo đó, 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán đáp ứng nhu cầu chi; bội chi giảm, nợ công trong giới hạn cho phép. Kỷ luật kỷ cương tài chính - ngân sách có tiến bộ nhưng nhìn chung còn chưa nghiêm.
Cũng theo báo cáo của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường: Một số giải pháp đề ra chưa được thực hiện hoặc thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao. Đổi mới cơ chế tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp lại hoạt động các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách chậm. Việc điều chỉnh chính sách thuế, mở rộng cơ sở thuế để cơ cấu lại NSNN chưa bảo đảm yêu cầu...
Về lập và giao dự toán NSNN năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, dự toán NSNN năm 2019 được xây dựng trong điều kiện kinh tế - xã hội trong, ngoài nước biến động khó lường Vì vậy, việc dự báo sát thực tế là khó khăn. Tuy nhiên, thực hiện thu chênh lệch khá lớn, tăng 10,1% so với dự toán. Thể hiện chất lượng dự báo và xây dựng dự toán hạn chế.
Về quyết toán thu NSNN, Ủy ban thẩm tra cho rằng, thu NSNN năm 2019 vượt dự toán 10,1% thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thực hiện quản lý thu, cải cách hành chính trong quản lý thuế. Tuy nhiên, số tăng thu 2019 chủ yếu từ đất, tài nguyên và từ thu hồi vốn của nhà nước… thể hiện cơ cấu thu chưa bền vững, phụ thuộc nhiều các yếu tố thiếu ổn định, không thường xuyên. Hạn chế này diễn ra trong cả giai đoạn 2015-2019 nên cần xác định nguyên nhân, trách nhiệm để khắc phục trong giai đoạn tới.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá thực trạng, nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra các hạn chế này; có giải pháp phát triển 03 khu vực sản xuất kinh doanh, hoàn thiện chính sách thu của 3 khu vực đồng thời cơ cấu lại nguồn thu, rà soát lại việc phân chia ngân sách để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.
Vẫn còn hạn chế trong quyết toán chi NSNN
Liên quan đến quyết toán chi NSNN, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, năm 2019 vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập: Chi thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi NSNN. Nhiều khoản chi thường xuyên quan trọng không đạt dự toán. Tình trạng chi NSNN chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chưa được khắc phục triệt để. Đồng thời, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 chậm.
Về bội chi NSNN và nợ công, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, năm 2019, Chính phủ đã nỗ lực để kiểm soát bội chi. Tuy nhiên bội chi NSNN giảm còn do giải ngân vốn đầu tư công chậm, đặc biệt là giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài. Đồng thời còn do dự toán bội chi chưa sát, nhiều địa phương không bội chi như dự toán được giao.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách chỉ ra, năm 2019 mức tăng nợ công có xu hướng giảm so với các năm trước; các chỉ tiêu an toàn nợ trong giới hạn cho phép; nợ công tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng bền vững hơn. Tuy nhiên, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu NSNN có xu hướng tăng nhanh làm giảm mạnh dư địa cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, có nguy cơ ảnh hưởng tới hệ số tín nhiệm quốc gia.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN trong thời gian tới, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ có giải pháp xử lý dứt điểm các kiến nghị chưa được thực hiện từ năm 2018 về trước. Đồng thời, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân chưa hoặc không thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước…
Đối với các vấn đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo thẩm tra đã nêu liên quan đến việc cần phải xác định rõ trách nhiệm dẫn đến các sai phạm, bất cập, hạn chế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát và xử lý theo quy định.