Thử nghiệm trồng nho ‘quý tộc’, anh nông dân ven đô nhận kết quả bất ngờ

GD&TĐ - Tiên phong trồng giống nho mẫu đơn tại Hà Tĩnh, anh Nguyễn Đăng Mạnh (40 tuổi) đã thành công đưa giống cây “quý tộc” này về trồng tại quê nhà.

Anh Nguyễn Đăng Mạnh (TP Hà Tĩnh) và vườn nho mẫu đơn.
Anh Nguyễn Đăng Mạnh (TP Hà Tĩnh) và vườn nho mẫu đơn.

Đầu tư tiền tỷ trồng nho ‘quý tộc”

Sau khi thành công với mô hình trồng dưa lưới nhà màng, anh Nguyễn Đăng Mạnh (thôn Liên Hà, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) đã mạnh dạn đầu tư trồng thêm giống nho mẫu đơn.

Đáng nói, dù được trồng trên đất phèn, nhưng sau 2 năm, cây đã bắt đầu cho ra những chùm quả ngọt, khiến người dân và chính quyền địa phương không khỏi ngạc nhiên.

z5612254433099_dd3d6d0b9afae3c3003964c8a0b19a45.jpg
Vườn nho anh Nguyễn Đăng Mạnh bắt đầu ra quả sau 2 năm ươm trồng.

Anh kể, qua những lần tìm hiểu thông tin trên mạng, anh biết đến mô hình trồng nho mẫu đơn ở Vĩnh Phúc. Thấy mô hình hay, đem lại kinh tế, nên anh quyết tâm ra tận nơi để học hỏi. “Nhìn thấy tận mắt mô hình người ta làm tôi mê lắm. Loại cây này tuy khó trồng nhưng đem lại thu nhập cao. Tôi nghĩ cùng ở Việt Nam, người ta trồng được thì mình cũng trồng được”, anh Mạnh nói.

Sau thời gian học hỏi kinh nghiệm, anh Mạnh về quê bắt tay vào trồng giống quả “quý tộc” này.

Anh mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỉ đồng làm nhà màng, canh tác đất, mua hơn 500 cây giống về bắt tay thử nghiệm trên diện tích 2.000m2 đất. “Thời gian đầu bắt tay trồng, tôi cũng rất hoang mang. Dù được nhiều người truyền kinh nghiệm và chia sẻ phải kiên nhẫn với loại cây khó tính này. Nhưng nhìn cây cứ phát triển còi cọc, sau một năm mới chỉ bén ngang thắt lưng mà mình sốt ruột”, anh Mạnh nói.

z5612227975004_a5c28a84288fb017d9370f287ed19479.jpg
Anh không ngại lặn lội hàng trăm km học hỏi mô hình từ tỉnh bạn đưa giống nho "quý tộc" về trồng tại Hà Tĩnh.

Ban đầu, do chưa hiểu về đất đai, lượng nước, phân bón phù hợp, quản lý được nhiệt độ dẫn đến cây nho tại mô hình anh Mạnh cứ phát triển èo uột.

Không nản lòng, anh xem đó là bài học để tìm cách khắc phục khó khăn. Để cây nho phát triển tốt nhất, anh xây dựng hệ thống đào rãnh làm đất, tưới, thoát nước cho vườn. "Trong khi điều kiện thời tiết ở miền Trung lại có độ ẩm cao, mưa nhiều nên buộc phải xây dựng làm sao vừa thoát nước hợp lý, lại vừa giữ ẩm cho cây trồng. Bên trên, xây dựng nhà màng chống nắng nóng, dưới gốc tôi sử dụng bạt đen che phủ luống. Nhưng một thời gian thấy không hiệu quả tôi lại chuyển hướng để cỏ mọc um tùm để giữ độ ẩm", anh Mạnh chia sẻ kinh nghiệm.

z5612204730101_28601f85624aafeb796c5befec55021a.jpg
Thành quả sau 2 năm kiên trì của anh Nguyễn Đăng Mạnh.

Trong quá trình canh tác, chủ vườn hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học. Thay vào đó, anh sử dụng các chế phẩm hữu cơ làm phân bón và thuốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh từ hải sản kết hợp và men vi sinh.

Anh Mạnh cho biết, sở dĩ gọi là nho “quý tộc” vì giống nho này rất đắt với giá thành 400.000 đồng/ cây giống, việc chăm sóc nho cũng rất phức tạp. Ngoài xây hệ thống nhà giàn, hệ thống tưới tự động thì việc cắt tỉa lá, cắt cành cũng là yếu tố quyết định đến chất lượng quả. "Mỗi cây tôi chỉ giữ lại 10 chùm để đảm bảo sự phát triển cho quả", anh cho hay.

z5590010525253_bddcc03d0154f110b13a4b5404dbc2a6.jpg
Mô hình của anh được được nhiều người tìm đến học hỏi.

Chẳng phụ công người, chỉ sau 2 năm cây nho đã bắt đầu có những tín hiệu vui. Từ tháng 2 (âm lịch), những hoa đầu tiên đã đơm trái. Sau 3 tháng lần lượt những chùm quả ngọt cũng bắt đầu cho thu hoạch. "Dù chưa đạt kích cỡ như mong muốn nhưng chất lượng nho đã có độ ngọt, thơm", anh Mạnh phấn khởi.

Hiện nay, dù chỉ mới trồng thử nghiệm nhưng nhiều người trong vùng lân cận đã tìm đến vườn nho anh Mạnh để trải nghiệm và mua sản phẩm giá 400.00 đồng/kg. "Thành công bước đầu sẽ giúp tôi tự tin mở rộng mô hình trồng nho mẫu đơn. Hy vọng trong năm tới, sản lượng sẽ đáp ứng đủ phục vụ nhu cầu thị trường trong tỉnh", anh dự tính.

“Mô hình trồng nho mang nhiều lợi ích. Trước tiên là sự chuyển đổi trong cơ cấu giống cây trồng, khi giống cây mới bắt đầu bén rễ với thổ nhưỡng vùng ven đô thành phố. Thời gian tới địa phương tiếp tục nghiên cứu, giới thiệu mô hình này đến với bà con nông dân trong xã để nhiều người được tiếp cận, hướng cho địa phương phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Hữu Anh – Chủ tịch Hội nông dân xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) thông tin.

Anh nông dân mát tay với nhiều mô hình rau quả sạch

Anh Mạnh còn là chủ mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao với diện tích hơn 7.000m2.

2b22c5ac456de733be7c.jpg
Mô hình trồng dưa lưới của anh Nguyễn Đăng Mạnh.

Từng làm thợ cơ khí, thường xuyên đi làm nhà màng lưới cho các mô hình dưa lưới tại các địa phương. Nhận thấy tiềm năng từ loại quả này anh đã thuê lại diện tích đất cằn cỗi khó sản xuất của bà con trong vùng xây dựng mô hình nông nghiệp sạch.

Giữa năm 2020, sau khi thuê được 3.000 m2 đất, anh lấy hết toàn bộ vốn liếng tích góp bao năm qua và vay mượn gần 1 tỷ để đầu tư vào mô hình dưa lưới. Anh bắt đầu học hỏi cách trồng, kỹ thuật chăm sóc, tìm hiểu nguồn giống và thị trường tiêu thụ từ các mô hình ở trong tỉnh.

"Thời gian đầu áp lực đủ điều từ thời tiết gặp khó khăn, kinh nghiệm chưa có khiến hàng tấn dưa lưới trồng thử nghiệm đầu tiên phải cắt bỏ vì độ ngọt không đạt. Nhưng khi đã quyết tâm rồi thì tôi cố gắng thực hiện”, anh Mạnh chia sẻ.

611e3b93e753450d1c42.jpg
Trung bình mỗi năm, dưa lưới cho thu hoạch từ 2-3 vụ.

Anh tiếp tục tích luỹ kiến thức và kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn trồng cây ăn quả. Sau 3 tháng chăm sóc, vườn dưa phát triển tốt, cho năng suất 18 tấn quả. Anh cho biết, thời điểm đó, dưa có giá 30.000 đồng/kg, anh thu về 600 triệu đồng trong vụ đầu tiên.

Thành công vụ dưa đầu tay, anh nông dân Nguyễn Đăng Mạnh quyết định thành lập HTX Rau củ quả và dịch vụ tổng hợp Thạch Hạ do anh chủ nhiệm với 7 thành viên tham gia. Trong đó có cả những kỹ sư ngành nông nghiệp để cùng phát triển thị trường dưa cung cấp trong và ngoài tỉnh.

HTX đã mở rộng thêm 7.000 m2 nhà màng, đưa diện tích nhà màng lên 10.000 m2; đầu tư thêm hệ thống tưới nước, bón phân và lắp đặt hệ thống chăm sóc tự động. Năm 2021, HTX thu lãi ròng 1,5 tỷ đồng, thu nhập của các thành viên bình quân từ 7 - 9 triệu đồng/tháng; tạo công ăn việc làm theo mùa vụ cho hàng chục lao động trên địa bàn.

e3d14ba4c465663b3f74.jpg
Mô hình đem lại thu nhập trên 1 tỷ đồng cho người nông dân/ năm.

Hiện nay, ngoài mô hình trồng dưa lưới, anh Mạnh còn trồng thêm dưa lê vàng Hàn Quốc. Hai loại quả này phù hợp với khí hậu nắng nóng, thổ nhưỡng ở các tỉnh miền Trung. Trung bình mỗi năm hợp tác xã rau, củ, quả Thạch Hạ trồng 2 vụ từ tháng 1 đến tháng 8 (mỗi vụ kéo dài 3 tháng).

Ngoài mô hình trồng dưa lưới, HTX của anh còn triển khai mô hình hoạt động liên kết giữa người nông dân và HTX rau, củ, quả Thạch Hạ thông qua việc bao tiêu sản phẩm, xây dựng chia sẻ kỹ thuật kinh nghiệm cho bà con.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Hạ Nguyễn Hữu Anh cho biết: “Anh Nguyễn Đăng Mạnh là người có tư duy đột phá, chịu khó học hỏi, nhạy bén, dám nghĩ dám làm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, HTX do anh làm chủ nhiệm còn tạo công ăn việc làm cho bà con góp phần giúp địa phương xây dựng xã kiểu mẫu, nâng cao tiêu chí thu nhập nhằm đáp ứng yêu cầu về nông thôn mới. Anh cũng từng được Ban Chấp hành Hội Nông dân TP Hà Tĩnh trao chứng nhận đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu cấp thành phố, giai đoạn 2017 - 2022”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.