Nông dân Hải Phòng làm giàu từ mô hình trang trại gà khép kín

GD&TĐ - Anh Bùi Văn Phương đã áp dụng nuôi gà công nghệ cao trong chuồng lạnh thành công, mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình.

Anh Phương kiểm tra trọng lượng của gà.
Anh Phương kiểm tra trọng lượng của gà.

Kiên định mục tiêu

Trại gà của gia đình anh Bùi Văn Phương và chị Phùng Thị Dương nằm ở thôn Giang Khẩu, xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng. Đây cũng là nơi cung cấp gà thương phẩm cho nhiều mối buôn, nhà hàng và phục vụ nhu cầu dân sinh xung quanh địa bàn huyện Tiên Lãng và TP Hải Phòng. Để có được thành công như ngày hôm nay, vợ chồng anh Phương cũng trải qua nhiều khó khăn, sóng gió.

Đại Thắng vốn là xã nông nghiệp nổi tiếng với giống lúa nếp cái hoa vàng. Địa phương này cũng được nhiều người dân trong, ngoài thành phố biết đến với hương vị rượu từ gạo nếp cái hoa vàng.

Sinh ra từ vùng quê nghèo với ham mê làm kinh tế, anh Phương đã trăn trở tìm hướng đi mới cho nghề nông "cha truyền con nối" bao đời nay. Từ khu đất cấy lúa kém hiệu quả, anh chuyển sang trồng rau màu, nuôi gà rồi xây dựng trang trại gà khép kín. Trải qua nhiều năm kinh nghiệm, anh Phương mạnh dạn áp dụng nuôi gà công nghệ cao trong chuồng lạnh và đã thành công, mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Anh là tấm gương nông dân làm kinh tế điển hình của xã Đại Thắng.

phuong-ga1.jpg
Trạng trại gà khép kín của gia đình anh Phương.

Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp trên vùng đất bãi bồi ven sông Thái Bình, anh Phương không khỏi xúc động. Anh nói: "Vợ chồng tôi đã hồi sinh cho vùng đất cằn ấy bằng đôi bàn tay trắng. Thời điểm đó, người dân quê tôi chỉ biết cấy lúa mục đích để có hạt gạo, bát cơm qua ngày. Nhưng tôi không hài lòng với thực tại và bàn tính với vợ chuyển đổi mô hình để phát triển kinh tế.

Ban đầu Anh Phương tính nhận chuyển nhượng lại 5 sào ruộng ( 1.800 m2) để cấy lúa theo cách truyền thống của cha ông. Nhưng địa thế đất trũng nên năng suất lúa đạt thấp, chi phí sản xuất khá cao. Năm 2008, anh Phương bơm cát, đổ đất vào cải tạo trồng cây ăn quả và rau màu. Nhưng mô hình trồng trọt không khả quan khi vốn và công sức đầu tư lớn mà hiệu quả mang lại rất thấp.

phuong-ga2.jpg
Đàn gà được gối lứa mang lại thu nhập đều đặn cho gia đình anh Phương.

Năm 2013, nhen nhóm ý tưởng, anh Phương đã bắt tay vào việc nuôi gà thả vườn. Từ số vốn ban đầu, anh nuôi 1.000 con gà thả vườn. Giá bán mỗi kg trung bình từ 70.000-85.000 đồng/kg. Anh gối đàn và quay vòng vốn cho thu nhập ổn định.

Ban đầu anh Phương chỉ nuôi gà theo phương thức thủ công, nhưng sau nhiều năm gắn bó, vốn tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, anh chị quyết định đầu tư lớn, thay đổi mô hình chăn nuôi và chọn hình thức liên kết chăn nuôi gà thịt. Việc liên kết chăn nuôi là hướng đi phù hợp xu hướng. Khi liên kết chăn nuôi, bà con sẽ đỡ phần nào khó khăn về kinh tế, lại được hỗ trợ về kĩ thuật và bao tiêu đầu ra.

Hướng đi mới giúp nông dân ổn định thu nhập

Sau nhiều năm chăn nuôi, tích cóp được ít vốn, cộng thêm vay mượn người thân, năm 2021, anh Phương đầu tư xây trang trại ứng dụng công nghệ cao với tổng gần 900 triệu đồng. Khu chăn nuôi khép kín, có hệ thống máy lạnh và quạt thông gió, giúp đảm bảo nhiệt độ phù hợp, ổn định cho gà sinh trưởng.

Mô hình trang trại chăn nuôi của anh Phương hiện đại với hệ thống máng nước tự động, khay để thức ăn, hệ thống điện chiếu sáng, máy phát điện dự phòng; hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường, chuồng trại thông thoáng.

Ngay khi có hệ thống nhà chăn nuôi hiện đại, anh Phương đã kí hợp đồng liên kết với công ty. Được công ty cung cấp con giống, thức ăn, thuốc phòng trừ dịch bệnh và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc gà, anh Phương rất yên tâm.

"Gia đình chỉ đầu tư chuồng trại ban đầu, hàng ngày chăm sóc, cho gà ăn và phòng dịch theo hướng dẫn. Có cán bộ kỹ thuật xuống trang trại hướng dẫn, kiểm tra quy trình chăn nuôi thường xuyên", anh Phương chia sẻ.

phuong-ga.jpg
Anh Phương là tấm gương nông dân điển hình tại xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng.

Đầu năm 2022, anh Phương bắt tay vào nuôi 7.000 con gà theo hợp đồng kí kết với công ty. Sau 3,5 tháng, gà đạt trọng lượng từ 2,2 kg- 2,5 kg và được xuất bán. Một năm anh Phương xuất 3 lứa gà ra thị trường, với khoảng 40 tấn, lợi nhuận đạt 150 triệu đồng/năm.

Anh Phương cho hay, với vật nuôi, đặc biệt là gà thì nhiệt độ trong trang trại rất cần ổn định. Nên chăn nuôi trong chuồng lạnh, có hệ thống máy móc sẽ phòng trừ nhiều rủi ro. Vì thế, bên cạnh việc tỷ mỉ nguồn thức ăn, nước uống, thì người nuôi cần chú ý đến nhiệt độ phòng nuôi phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con vật, nếu có sự cố mất điện, phải kịp thời dùng máy phát, tránh nhiệt độ tăng cao, gà sẽ bị chết.

Theo ông Bùi Tuấn Anh, Chủ tịch Hội nông dân kiêm Chủ tịch Hội Làm vườn xã Đại Thắng, hiện nay trên địa bàn xã có nhiều trang trại nuôi gà khép kín nhưng mô hình chăn nuôi gà trại lạnh của gia đình anh Phương có quy mô lớn hơn.

Anh Phương cũng là hộ dân đi đầu, tiên phong trong việc liên kết với công ty để chăn nuôi gà mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ mô hình của anh Phương, nhiều hộ dân đã học hỏi, áp dụng và phát triển chăn nuôi ổn định.

"Việc liên kết tiêu thụ sản phẩm với công ty sẽ giảm thiểu rủi ro cho người nông dân. Đồng thời, giúp tăng quy mô, số lượng và nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, giúp người dân tăng thu nhập, vươn lên làm giàu".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ