(GD&TĐ) - Cụm từ “lạm thu” luôn là sự ám ảnh đối với phụ huynh học sinh mỗi đầu năm học mới. Ít người nghĩ rằng, đó còn là nỗi lo canh cánh của các nhà trường, của những nhà quản lý giáo dục.
Nhờ xã hội hóa, cơ sở vật chất của nhiều trường học ngày càng khang trang. |
1. Lãnh đạo nhiều trường học thẳng thắn, chi phí hoạt động của các trường hiện nay không đến mức khó khăn, bởi ngân sách cấp cho nhà trường, ngoài đảm bảo chi lương còn có 25% chi thường xuyên.
Thế nhưng, vấn đề nảy sinh khi ở những thành phố lớn, nhiều gia đình có điều kiện với mong muốn con mình có môi trường học tập tốt hơn sẵn sàng đề nghị được đóng góp, có thể để lớp học của con được trang bị thêm điều hòa, sàn gỗ, thậm chí, ti vi hay máy chiếu... Không ít trường, nhờ xã hội hóa mà trường lớp khang trang hơn, lãnh đạo nhà trường, giáo viên rạng rỡ, phụ huynh cũng thoải mái, hài lòng. Trong khi đó, cũng đầu mục ấy, nhiều trường đã khiến các khoản thu trở thành nỗi ám ảnh với phụ huynh, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Câu trả lời nằm ở 4 từ “công khai – minh bạch”. Người có thể làm được điều này chính là hiệu trưởng.
Ngay cả những người trong cuộc cũng phải thừa nhận, chỉ cần người hiệu trưởng thực sự muốn, lạm thu sẽ chấm dứt. Những người này cũng cho rằng, chấm dứt lạm thu không nên bằng cách cứng nhắc: Không thu, không lạm; mà quan trọng phải thu thế nào cho hợp lý, hợp tình.
Ví dụ, trong một lớp học, dù có đến 90% phụ huynh khá giả, người hiệu trưởng cũng nên biết rằng, trong đó còn có 5% học sinh gia đình khó khăn. Ba nguyên tắc của những người hiệu trưởng thực sự có “tâm” và có “tầm” là: không thu bình quân; không thu 100% đầu học sinh và công khai, minh bạch mọi khoản thu.
Tuy nhiên, trong khi không phải người hiệu trưởng nào cũng làm được như vậy thì phải cần đến nhân tố vô cùng quan trọng: Sự giám sát của chính phụ huynh và nhà quản lý.
Về phía quản lý, có thể thấy đến nay, mọi khoản thu đều đã có văn bản quy định rất rõ ràng, từ quy định chung cao nhất của Bộ GD&ĐT đến những quy định cụ thể của từng địa phương. Đầu năm học mới, ông Lê Khánh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) - khẳng định, các văn bản tạo hành lang pháp lý cho việc thu trong trường học đã tương đối đầy đủ. Bên cạnh đó, bảo đảm thực hiện 3 công khai theo Thông tư 09 của Bộ GD&ĐT; phối hợp quản lý, theo phân cấp trong Nghị định 115 của Chính phủ. Bộ GD&ĐT cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra để đảm bảo hành lang pháp lý ban hành được thực hiện đúng.
Thu chi hợp lý đem lại lợi ích cho cả phụ huynh và nhà trường |
2 . Trong triển khai ở địa phương, theo ông Nguyễn Văn Quý - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm (Hà Nội) - hiện mọi khoản thu mang tính tự nguyện, xã hội hóa của các trường học trên địa bàn huyện đều phải được sự cho phép của cấp có thẩm quyền, hiệu trưởng không thể tự nghĩ, tự làm. Đối với trường cố tình lạm thu, việc xác định không khó, nếu xử lý nghiêm chắc chắn sẽ khắc phục được tình trạng này.
Tiếng nói của phụ huynh học sinh cũng vô cùng quan trọng. Theo bày tỏ của ông Lê Khánh Tuấn, ngành Giáo dục mong mỏi nhận được sự phối hợp, tham gia phát hiện của cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội liên quan. Nhưng, một thực tế đang tồn tại là, vì muôn vàn lý do nhạy cảm, hầu hết phụ huynh dù có bức xúc cũng không dám tố nhà trường. Từ thực tế này, nhiều người đặt câu hỏi, nên chăng có một địa chỉ đỏ thực sự tin cậy để phụ huynh gửi gắm những nỗi niềm lạm thu?
Nắm bắt nguyện vọng này, năm học 2013-2014, Sở GD&ĐT Hà Nội tuyên bố danh bạ các cán bộ, chuyên viên của Sở được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của ngành chính là đường dây nóng sẵn sàng tiếp nhận mọi bằng chứng sai phạm về công tác thu chi. Cùng với việc hoàn thiện văn bản quy định danh mục mức thu ngoài học phí, đây có thể nói là động thái mạnh mẽ của ngành GD&ĐT Thủ đô trong việc kiên quyết nói không với lạm thu. Nếu các địa phương đều có đường dây nóng này và đường dây này thực sự “nóng”, chắc chắn cụm từ “lạm thu” sẽ không còn làm mưa làm gió trên các phương tiện thông mỗi đầu năm học mới.
Không ít trường, nhờ xã hội hóa mà trường lớp khang trang hơn, lãnh đạo nhà trường, giáo viên rạng rỡ, phụ huynh cũng thoải mái, hài lòng. Trong khi đó, cũng đầu mục ấy, nhiều trường đã khiến các khoản thu trở thành nỗi ám ảnh với phụ huynh, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Câu trả lời nằm ở 4 từ “công khai – minh bạch”. Người có thể làm được điều này chính là hiệu trưởng. |
Tuệ Minh