Thu hút học sinh bằng phương pháp mới

GD&TĐ - Không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy học, cô Nguyễn Thị Thu Trà  -  GV tiếng Anh Trường THCS Tam Hưng (Thanh Oai, Hà Nội) luôn tìm cách khơi gợi tinh thần học tập và yêu thích môn Tiếng Anh cho HS.

Cô Trà cùng học sinh của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cô Trà cùng học sinh của mình. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Học qua trò chơi

Là GV dạy tiếng Anh ở ngoại thành Hà Nội, cô Trà luôn trăn trở: Làm sao để HS của mình không bị thua thiệt so với các em ở thành thị. Làm sao để sau khi tốt nghiệp THCS, các em đạt chuẩn A2 theo khung 6 bậc của Việt Nam. Cô Trà chia sẻ: Tiếng Anh không phải là một môn học dễ, đặc biệt là với học sinh nông thôn.

Khó khăn lớn nhất là, khi các em học xong kiến thức trên lớp nhưng không có môi trường để thực hành. Kiến thức không được đem ra vận dụng sẽ nhanh bị quên. Vì vậy, các em rất nhút nhát khi giao tiếp bằng tiếng Anh cho dù có thể làm những bài tập ngữ pháp rất tốt.

Cô Trà cho biết: Mục tiêu của Đề án Ngoại ngữ đến năm 2020, HS THCS sau khi tốt nghiệp phải đạt chuẩn A2 theo khung 6 bậc của Việt Nam. Nghĩa là các em phải có khả năng nghe, nói, đọc, viết được những tình huống quen thuộc trong đời sống hàng ngày.

Môi trường giao tiếp không có, học trò nhút nhát, ngại giao tiếp vì luôn sợ sai, những tình huống giao tiếp chỉ được lấy ra từ sách vở. Điều này khiến cô trăn trở: Làm thế nào để các em không cảm thấy khó và sợ khi học tiếng Anh, làm sao để HS yêu thích môn học này.

Theo đó, để giờ dạy có hiệu quả, HS nắm bắt, hiểu và thực hành được nội dung bài học, cô ưu tiên cho việc tạo cảm giác hứng thú cho HS ngay từ đầu tiết học bằng cách: Mỗi tiết học cô lồng ghép các trò chơi, những hoạt động phát huy hết khả năng cũng như sự sáng tạo của các em. Qua đó giúp HS khắc sâu kiến thức và có cơ hội giao tiếp bằng tiếng Anh trong các giờ học.

“Tôi tạo nhiều cơ hội để các em được nói tiếng Anh nhiều nhất có thể. Chẳng hạn: Tổ chức cho HS về nhà làm các dự án theo nhóm với chủ đề nội dung bài học. HS có thể làm trên Power Point, vẽ tranh, làm các mô hình. Sau đó trình bày quan điểm của nhóm mình trước lớp. Như vậy, HS có thêm cơ hội để nói tiếng Anh. HS tiến bộ qua từng tiết học chính là động lực lớn giúp tôi có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo trong dạy học” – cô Trà bộc bạch.

Viết nhật ký bằng tiếng Anh

Cũng theo cô Trà, để HS phát triển đồng đều cả 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc, viết, là điều khó khăn, nhất là với HS vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trung tâm.

Trong những năm thực hiện Đề án Ngoại ngữ, kỹ năng nghe, nói được chú trọng nhiều hơn. Đây là quan điểm đúng đắn. HS có nghe được, hiểu được thì mới nói, rồi đọc và viết được. Vì vậy, trong những giờ lên lớp, cô Trà luôn chú ý tới hoạt động nói của học sinh, lồng ghép kỹ năng nghe vào những kỹ năng khác.

“Trên lớp, tôi khuyến khích HS nói tiếng Anh, về nhà động viên các em nghe những bài hát tiếng Anh, xem phim có phụ đề tiếng Anh, xem các chương trình tiếng Anh, đọc sách tiếng Anh. Tôi cũng yêu cầu HS viết nhật ký bằng tiếng Anh và hôm sau đến lớp chia sẻ với các bạn. Bằng những việc làm như vậy, HS của tôi đã phần nào thực hành được cả 4 kỹ năng trên” – cô Trà chia sẻ.

Ngoài ra, cô Trà cũng quy định: Trong tuần có ít nhất một ngày HS phải nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Song song với việc tạo hứng thú cho HS trong các giờ học, cô cũng quan tâm đến từng HS trong lớp như: Kiểm tra thường xuyên việc hoàn thành nhiệm vụ mà cô giao về nhà làm. Bồi dưỡng cho hai đối tượng: HS giỏi và HS yếu, nhằm thúc đẩy phong trào học tập của các em trong từng lớp học.

Theo cô Trà, mục tiêu của GD hiện nay là phát triển phẩm chất, năng lực, sự sáng tạo, năng động của HS. Để đạt được yêu cầu này, GV cần chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, coi người học là chủ thể hoạt động, khuyến khích các hoạt động học tập tích cực.

Điều này càng đúng và cần thiết trong dạy và học ngoại ngữ. Việc tạo hứng thú cho HS ngay từ những phút học đầu tiên là vô cùng quan trọng. Các em phải hào hứng, tiết học mới có hiệu quả.

“Tôi đã và đang mang lại cho HS của mình những giây phút như vậy. Bắt đầu từ những phút đầu tiên, tôi khởi động cho học trò bằng một bài hát tiếng Anh, hoặc bằng một trò chơi, xem một video ngắn có liên quan đến nội dung bài học…” – cô Trà bày tỏ.

Cốt lõi của đổi mới, sáng tạo dạy học ngoại ngữ là hướng tới hoạt động học tập chủ động, phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của HS, đồng thời bồi dưỡng kỹ năng tự học và kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phương pháp dạy học phải phù hợp với đặc điểm của từng HS. GV cũng cần tích cực vận dụng công nghệ mới, khắc phục bài dạy truyền thống thụ động một chiều. Nhiệm vụ của người thầy là bám sát mục tiêu GD sao cho phù hợp với việc đổi mới dạy và học, nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. - Cô Nguyễn Thị Thu Trà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.