Thủ đoạn tinh vi của đường dây nhập lậu khí cười

GD&TĐ - Lợi dụng chính sách nhập khẩu khí N2O là phụ gia thực phẩm, nhóm đối tượng đã tổ chức nhập lậu hàng nghìn tấn từ nước ngoài về Việt Nam.

Một số tang vật vụ án.
Một số tang vật vụ án.

Vỏ bọc phụ gia thực phẩm

Công an TP Hà Nội vừa thông tin về đường dây nhập lậu, tiêu thụ hàng nghìn tấn khí N2O (khí cười) từ nước ngoài về Việt Nam, bắt giữ các đối tượng chủ mưu, cầm đầu để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Theo đó, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội phát hiện Nguyễn Tuấn Linh (SN 1987, hộ khẩu tại phường Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) cùng nhóm người có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động nhập khẩu, kinh doanh khí N2O tại Công ty TNHH thương mại DCMC Việt Nam (Công ty DCMC - PV).

Ngày 7/11, Công an Hà Nội phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đồng loạt tiến hành triệu tập 26 người và khám xét khẩn cấp 8 địa điểm. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan công an thu giữ nhiều tài liệu, tang vật (129,3 tấn nguyên liệu khí N2O; 14 hệ thống máy móc, thiết bị san chiết khí; 2 máy bơm khí; 610 kg viên nén khí N2O; 71.668 chai khí thành phẩm; 6.586 vỏ bình khí; 50 kg vỏ bóng; nhiều điện thoại di động, máy tính cá nhân…) và tạm giữ 23,17 tỷ đồng cùng 9.300 USD liên quan hoạt động phạm tội.

Công an TP Hà Nội xác định, Nguyễn Tuấn Linh đã bàn bạc với Phạm Minh Giang (SN 1986, hộ khẩu tại phường Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội), Đặng Huy Hiển (SN 1983, hộ khẩu tại phường Thổ Quan, Đống Đa, Hà Nội), Chu Bích Ngọc (SN 1986, hộ khẩu tại phường Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) thành lập Công ty DCMC và Công ty Tam Mộc (tầng 17, Tòa nhà Prime Centrer, số 53 Quang Trung, phường Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội) và nhà máy san chiết khí tại xã Tân Tiến, Văn Giang, Hưng Yên.

Việc lập công ty và nhà máy san chiết với mục đích nhập khẩu khí N2O từ nước ngoài về Việt Nam để bán lại cho một số doanh nghiệp, từ đó tiêu thụ đến các đối tượng, cơ sở kinh doanh quán bar, pub, vũ trường...

Công ty DCMC do Hoàng Bùi Khanh (SN 1985, trú tại phường Phú Đô, Nam Từ Liêm) làm giám đốc từ năm 2019 đến tháng 11/2022; Đặng Huy Hiển làm giám đốc từ tháng 12/2022 đến tháng 3/2024 và Phạm Minh Giang làm giám đốc từ tháng 3/2024 đến nay.

Từ năm 2019 đến ngày 6/11/2024, Công ty DCMC mở 364 tờ khai nhập khẩu nguyên liệu khí N2O khai báo là phụ gia thực phẩm (tổng khối lượng 7.338 tấn khí N2O, trị giá 5.282.814 USD tương đương khoảng 126,8 tỷ đồng). Sau đó, thuê vận chuyển về kho của Công ty Tam Mộc tại Hưng Yên hoặc kho của Công ty DCMC tại Bắc Ninh.

thu-doan-tinh-vi-cua-duong-day-nhap-lau-khi-cuoi-2.jpg
Các bị can làm việc với cơ quan công an.

Đường đi của N2O và thủ đoạn trốn thuế

Theo cơ quan công an, số khí N2O nhập khẩu về chủ yếu được Công ty DCMC bán cho Công ty TNHH Royal Gas (Công ty Royal Gas có trụ sở tại TP Hải Phòng, sau đó đổi tên thành Công ty TNHH thực phẩm sạch Sóng Biển) thông qua đối tượng Nguyễn Thị Hiền (SN 1976, trú tại quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) và Nguyễn Lương Hà (SN 1984, trú tại huyện Mộc Châu, Sơn La), Giám đốc Công ty Royal Gas (hiện đang thi hành án tại Trại giam Xuân Nguyên); hoặc bán cho Công ty TNHH MTV sản xuất dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Tấn Lộc (Công ty Tấn Lộc; trụ sở tại Quận 12, TPHCM).

Giá bán khí N2O của Công ty DCMC với Công ty Royal Gas và Công ty Tấn Lộc khoảng 60.000 - 130.000 đồng/kg, nhưng chỉ ghi giá bán từ 20.000 - 30.000 đồng/kg trong hợp đồng kinh tế và chỉ xuất hóa đơn một phần đối với số lượng hàng hóa đã bán nhằm che giấu doanh thu.

Sau khi mua khí N2O, Công ty Royal Gas và Công ty Tấn Lộc tiến hành san chiết khí N2O bán lại cho một số khách hàng cá nhân để tiêu thụ vào các vũ trường, quán bar, pub, karaoke… phục vụ cho mục đích vui chơi giải trí (bóng cười) của giới trẻ.

Công an Hà Nội xác định, từ năm 2022 đến nay, Công ty DCMC đã kê khai hải quan nhập khẩu khoảng 6.190 tấn khí N2O, trị giá khoảng 108,3 tỷ đồng với mục đích sử dụng trong lĩnh vực thực phẩm (làm phụ gia).

Tuy nhiên, Công ty DCMC không thực hiện đúng như khai báo, chỉ sử dụng số lượng ít vào mục đích sản xuất, kinh doanh thực phẩm và đã bán khoảng 4.327 tấn (trên 70% tổng số lượng khí N2O nhập khẩu) cho Công ty Royal Gas và Công ty Tấn Lộc. Bên cạnh đó, hợp thức hóa bằng việc xuất khống hóa đơn bán hàng cho khách hàng cá nhân không có quan hệ mua bán với Công ty DCMC.

Với số khí còn lại, Công ty DCMC bán lại cho một số doanh nghiệp ở nước ngoài. Đồng thời, trên thực tế Công ty Royal Gas và Công ty Tấn Lộc đã trả cho Công ty DCMC khoảng 260 tỷ đồng, nhưng Công ty DCMC chỉ kê khai thuế với số tiền khoảng 115,13 tỷ đồng, còn lại để ngoài sổ sách, không kê khai thuế.

Cơ quan chức năng thống kê, ước tính trong 2 năm 2022 và 2023, các đối tượng đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền khoảng 23,73 tỷ đồng.

Cơ quan công an làm rõ, các đối tượng lợi dụng chính sách mở của pháp luật khai báo nhập khẩu khí N2O là phụ gia thực phẩm, tổ chức đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn N2O từ nước ngoài về Việt Nam để phục vụ mục đích vui chơi giải trí trong một thời gian dài, thu lời bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây ra hệ lụy không nhỏ trong giới trẻ hiện nay. Đồng thời nhận định, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, che giấu, tiêu hủy tài liệu quan trọng để chứng minh hành vi phạm tội nhằm đối phó với cơ quan chức năng.

Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can đối với Nguyễn Tuấn Linh, Phạm Minh Giang, Đặng Huy Hiển về các tội “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị can, Chu Bích Ngọc, Nguyễn Thị Hiền về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị can Hoàng Bùi Khanh bị khởi tố về tội “Buôn lậu”.

Công an TP Hà Nội nhấn mạnh, đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh hóa chất đã, đang, sẽ có ý định lợi dụng sơ hở trong chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc nhập khẩu khí N2O để phạm tội nhằm mục đích kinh doanh trái phép kiếm lời bất chính.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ