Thú chơi hồng cổ của nhà giàu

GD&TĐ - Gần đây, nhiều gia đình khá giả thường chọn mua những cây hồng cổ, đặc biệt là dịp Tết. Nhiều nhà vườn đã đầu tư trồng loại cây cảnh quý này để cung ứng cho thị trường với giá bán từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Hoa hồng trong Châu Gia Trang nhà chị Thu Dương (Thái Bình)
Hoa hồng trong Châu Gia Trang nhà chị Thu Dương (Thái Bình)

Thú chơi “sang chảnh”

Hoa hồng vốn được coi là loài hoa đẹp, có hương, có sắc. Đặc biệt, những năm gần đây, thú chơi hoa hồng cổ còn thể hiện đẳng cấp của người chơi thuộc diện giàu có. Thậm chí, dân chơi “sành điệu” còn cho rằng, loại cây cảnh cổ này còn có giá trị phong thủy, đem lại vận may và tài lộc cho gia chủ. Chính vì thế, chơi hoa hồng cổ trong nhà đã trở thành “mốt”. Để thỏa mãn, người mê hồng cổ bỏ ra món tiền khá lớn, từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng, tùy theo tuổi cây và thế cây mới rước được một cây hồng quý hiếm về nhà.

Tại vườn hồng Griin Garden Tây Tựu (Hà Nội), chị Col Tony cho biết: “Để thỏa mãn thú chơi hoa hồng của mình, tôi đã làm một nhà sàn và trồng toàn hoa hồng với hàng trăm giống hồng cổ quý hiếm. Tôi bay từ Buôn Mê Thuột ra Hà Nội chỉ có mục đích duy nhất là săn tìm mua hồng giống, trồng toàn bộ đoạn đường từ cổng đi vào nhà sàn. Cây phải dễ trồng, cho hoa bền, đẹp, cùng một màu. Được nhà vườn tư vấn, tôi đã chọn cây ngỗng trắng, bắc giàn vòm cổng cho cây leo”.

Để phục vụ các thượng đế, các nhà vườn gần đây đã tập trung săn lùng các loại hồng cổ từ khắp mọi miền, sau đó về chăm dưỡng. Chị Đỗ Mai Anh, chủ vườn hồng AnPhu Rose, chuyên cung cấp các loại hoa hồng, hồng leo, Tre Rose (khu Chiêm Mai, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) chia sẻ: “Hiện nay vườn hồng nhà tôi loại gì cũng có. Nào là hồng cổ của Sa Pa, Hải Phòng, hồng nhung, hồng đào, hồng bạch, chủ yếu là hồng cổ, tầm 25 triệu đồng/cây, thuộc loại gốc cây trồng trên hai chục năm tuổi. Muốn có được những gốc hồng cổ quý hiếm như vậy, nhà vườn phải sưu tập giống trên khắp cả nước. Ví dụ như hồng nhung người ta mang vào miền Nam trồng thì vẫn là hồng nhung, nhưng cây càng nhiều tuổi, càng quý hiếm”.

Càng cận kề Tết, khách đến tìm mua hồng cổ tại các nhà vườn nổi tiếng lại càng đông. Vườn hồng cổ của chị Phạm Trang tại khu trường bắn Yên Sở (Hà Nội) năm nay tung ra thị trường gần 600 cây hồng. Tùy theo sở thích khách chọn mua, mỗi cây có giá bán khác nhau. Giá bán rẻ nhất cũng từ vài trăm nghìn đồng/cây giống. Cây trồng được vài năm tuổi thì giá vài ba triệu đồng/cây. Tuy nhiên, loại hồng cổ đắt hơn phần lớn vẫn thuộc hồng cổ Sa Pa, với nhiều loại giá. Trong vườn nhà chị Trang, đắt nhất là cây hồng cổ thụ Sa Pa, giá 300 triệu đồng, với hơn 50 năm tuổi. Cây này cao to, gốc cổ thụ, tán rộng, dáng thẳng, cho hoa to, hương thơm. Còn lại, loại rẻ hơn một chút, dao động từ 50 - 100 triệu đồng/cây.

Vườn cây bạc tỷ

Vợ chồng chị Đỗ Mai Anh, chủ vườn hồng AnPhu Rose mới tham gia trồng cây hồng 3 năm nhưng hiện nay có đến 7 vườn hoa hồng. Hồng cổ trong nước, nước ngoài, cây giống đến cây cổ thụ lâu năm, đều có. Ước tính toàn bộ vườn hồng của họ có giá khoảng 8 tỉ đồng.

Thực tế cho thấy, thú chơi hoa hồng cổ của các đại gia Việt mới thịnh hành từ 4 - 5 năm nay. Thế nhưng, chính loại cây cảnh này đã đem lại cho nhiều chủ vườn những khoản lợi nhuận kếch xù. Sở hữu gần 600 cây hồng cổ, vườn hồng của gia đình chị Trang tại Yên Sở là một trong những vườn hồng có tiếng nhất vùng.

  • Hoa hồng cổ thân gỗ của Pháp (Nguồn: Internet)

“Quanh năm nhà vườn có hồng phục vụ thượng đế. Nhiều năm qua chúng tôi là đại lý lớn, chuyên cung cấp hoa hồng giống cũng như cây cảnh cổ cho các khách hàng khắp vùng miền như: Quảng Bình, Quảng Ninh, Vinh, TPHCM. Song, chủ yếu cung cấp cho các tỉnh miền núi phía Bắc như: Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Nguyên… Miền Nam chủ yếu cung ứng cây giống. Miền Bắc thì bán cây cảnh cho người ta chơi là chính, còn những vùng trồng hoa chủ yếu là miền Trung, miền Nam như Đà Lạt chẳng hạn. Năm nay, chúng tôi có hơn 100 cây hồng cổ, phục vụ nhu cầu của khách”, chủ vườn hồng Vân Hội (Văn Giang, Hưng Yên) chia sẻ.

Không chỉ các nhà vườn đổi đời, thoát nghèo từ cây hoa hồng mà còn đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho các công nhân trồng vườn. Để có đủ nhân công phục vụ việc vận chuyển và chăm sóc hoa hồng Tết, nhà vườn hồng Vân Hội phải thuê gần 20 công nhân. Ngoài việc nuôi cơm, với công việc nặng, đào trồng cây vào chậu, mức tiền công là 500.000 đồng/người/ngày công; với người nhặt cỏ, tưới cây, giá thuê nhân công 300.000 đồng/ngày; với lái xe chuyên chở, tiền công trả 10.000 đồng/1 km. Ngày cao điểm, nhà vườn chi trả gần 20 triệu tiền công.

Mấy năm gần nhiều người thích chơi hoa hồng. Vì vậy, người dân Văn Giang (Hưng Yên) nhà nào cũng trồng hồng để bán. Nhà ít, nhà nhiều, trồng theo nhu cầu thị trường. Theo các chuyên gia trồng vườn, cách chăm sóc hoa hồng cũng dễ, cách tuần thì bón phân một lần hoặc mỗi ngày tưới nước gạo cho cây, nhưng quan trọng là phải trồng cây ở chỗ nhiều nắng. Mùa đông xuân cần chú ý cây hay bị bệnh phấn trắng, dễ héo rồi chết. Các bông hoa lụi, phải cắt bỏ, tạo cho nở hoa lại. Tưới nước bằng bình phụt. Phân bón cần hòa tan, cho vào bình rồi phun chứ không nên bón trực tiếp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.