Thông tư 22 giúp đánh giá học sinh sát hơn
Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên phân tích: Thay vì có hai mức đánh giá "hoàn thành" và "chưa hoàn thành" như Thông tư 30, Thông tư 22 có ba mức đánh giá: "hoàn thành tốt", "hoàn thành" và "chưa hoàn thành". Ba mức này nhìn nhận rõ ràng hơn kết quả phấn đấu của học sinh, mức độ đánh giá cụ thể hơn, giúp phụ huynh nắm bắt rõ hơn mức độ đạt được của con mình.
Việc đánh giá này được giáo viên thực hiện vào giữa kỳ, cuối mỗi học kỳ, cung cấp những thông tin phản hồi rất hữu ích liên quan đến quá trình học tập của học sinh, những lĩnh vực nào có sự tiến bộ, lĩnh vực học tập nào còn khó khăn. Đồng thời, giúp học sinh nhận ra mình thiếu hụt những gì so với chuẩn kiến thức, kỹ năng hay yêu cầu, mục tiêu bài học để cả giáo viên và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động dạy và học.
Thông tư 22 cũng quy định thông qua quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kỳ, lượng hóa mỗi năng lực, phẩm chất thành ba mức: "tốt", "đạt", "cần cố gắng" (theo Thông tư 30 chỉ có 2 mức "đạt" và "chưa đạt").
Việc lượng hóa này làm cho giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh xác định được mức độ hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện. Từ đó, giáo viên, nhà trường có những giải pháp kịp thời giúp đỡ học sinh khắc phục hạn chế, phát huy những điểm tích cực để các em ngày một tiến bộ hơn.
Ông Nguyễn Văn Phê cũng nhắc đến quy định mới về sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, đồng thời không quy định cứng nhắc bất kì loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh. Giáo viên được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của học sinh, ghi chép những lưu ý với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội nhằm tự mình nắm bắt thông tin và sử dụng khi cần.
Điểm thay đổi nữa được tiếp thu từ thực tế là quy định thêm về các bài kiểm tra định kỳ giữa các kỳ học cho khối 4 và khối 5 đối với hai môn tiếng Việt và Toán, nhằm giúp giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, phụ huynh có thêm thông tin về quá trình học tập của học sinh với hai môn học này. Học sinh qua đó được làm quen dần với cách thức kiểm tra đánh giá của bậc học tiếp theo...
Về khen thưởng, Thông tư 22 quy định khen thưởng những học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện và những học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về từng nội dung đánh giá.
Quy định này giúp cho giáo viên và nhà trường thuận lợi hơn trong vấn đề khen thưởng học sinh, mà vẫn đảm bảo yêu cầu không gây áp lực cho học sinh, phụ huynh; đồng thời hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục.
“Việc quy định khen thưởng cụ thể hơn, giúp cho giáo viên và nhà trường thuận lợi hơn trong vấn đề khen thưởng học sinh mà vẫn đảm bảo yêu cầu không gây áp lực cho học sinh, phụ huynh và nhằm hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục” - ông Nguyễn Văn Phê chia sẻ.
Giao quyền tự chủ cho giáo viên
Thông tư 22 sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 6/11/2016, thay thế Thông tư 30. Ông Nguyễn Văn Phê cho rằng, đây là thời điểm giữa học kỳ I của năm học nên việc đánh giá học sinh cũng có thể nói là kịp thời.
Về phía Hưng Yên, theo ông Nguyễn Văn Phê, địa phương sẽ chỉ đạo triển khai tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền rộng rãi nhằm làm rõ các vấn đề mà giáo viên có thể còn băn khoăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện; tổ chức cho giáo viên tham gia hội thảo, xây dựng chuyên đề tập trung vào các nhận xét cụ thể cho học sinh ngay tại lớp, kỹ thuật nhận xét trong bài làm của học sinh và tăng cường nhận xét bằng lời.
Đặc biệt, thực hiện giao quyền tự chủ cho giáo viên, không máy móc bắt ghi chép và kiểm tra các sổ sách theo dõi học sinh. Tuy nhiên yêu cầu giáo viên phải ghi nhật ký theo dõi sự tiến bộ của học sinh hoặc các biểu hiện lệch lạc để kịp thời điều chỉnh, định hướng cho học sinh.