Đại biểu tham gia thảo luận tại phiên họp |
Ngày 4/12, các đại biểu HĐND TP Hà Nội thảo luận tại hội trường thông qua Quy hoạch phát triển mạng lưới trường Cao đẳng nghề, trường Trung cấp nghề và Trung tâm dạy nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo tờ trình của UBND TP, Quy hoạch phát triển mạng lưới trường Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề và Trung tâm dạy nghề trên địa bàn TP Hà Nội nhằm tạo nguồn nhân lực trực tiếp có kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo. Mục tiêu cụ thể, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 55%, năm 2020 đạt 75%, năm 2030 đạt 90%.
Năm 2020, phấn đấu mỗi quận, huyện, thị xã ít nhất có 1 trung tâm dạy nghề hoặc 1 trường trung cấp nghề hoặc 1 trường cao đẳng nghề; Đầu tư, nâng cấp các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề công lập thuộc TP nhằm đáp ứng chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, trang thiết bị; 1 trường cao đẳng nghề đạt chuẩn quốc tế, 1 trường cao đẳng nghề chất lượng cao và 1 trung tâm dạy nghề kiểu mẫu.
Đến năm 2020, nâng cấp, mở rộng quy mô đào tạo của các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề thuộc TP Hà Nội để đảm bảo 100% trường đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, giáo viên dạy nghề, chương trình, giáo trình; 100% trung tâm dạy nghề của TP được kiểm định chất lượng cơ sở dạy nghề đạt chuẩn cấp độ 3; hình thành 3 trường cao đẳng nghề cấp vùng tại các huyện Phú Xuyên, Thạch Thất và Sóc Sơn; 2 trường cao đẳng nghề đạt chuẩn quốc tế, 3 trường cao đẳng nghề đạt chuẩn khu vực, 3 trường trung cấp nghề có từ 1-3 nghề đạt chuẩn khu vực, 2 trung tâm dạy nghề kiểu mẫu.
Định hướng năm 2030, có 5 trường cao đẳng nghề chất lượng cao, 5 trường cao đẳng nghề chuẩn khu vực, 5 trường cao đẳng nghề đạt chuẩn quốc tế; 5 trường trung cấp nghề có từ 1-3 nghề đạt chuẩn quốc tế; 3 trung tâm dạy nghề kiểu mẫu.
Tại phiên họp, đa số các đại biểu đều tán thành với quan điểm và mục tiêu của Quy hoạch và nhấn mạnh: phát triển dạy nghề là sự nghiệp và trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội. Đại biểu Nguyễn Hữu Thắng, huyện Từ Liêm nêu ý kiến, tốc độ đào tạo nghề trong Tờ trình quá lớn, chưa phù hợp với tình hình thực tế vì vậy nên xem lại chỉ tiêu để tốc độ phát triển được bền vững. Nhấn mạnh tới lĩnh vực đào tạo nghề, đại biểu Nguyễn Tùng Lâm, huyện Ứng Hòa đề nghị làm rõ thế mạnh của làng nghề trên địa bàn, đưa ra một số làng nghề tiêu biểu nhằm gắn các trường đào tạo nghề với việc bảo tồn các làng nghề.
Theo đại biểu Nguyễn Đình Dương, huyện Từ Liêm, một trong những vấn đề quan trọng là định hướng lao động, từ đó thành lập các trung tâm tư vấn dạy nghề để hướng nghề cho các đối tượng có nhu cầu. Đại biểu kiến nghị, Quy hoạch nên xem xét, đề cập thêm đến việc xây dựng các trung tâm tư vấn phù hợp với thực tế thị trường. Cùng chung quan điểm trong việc đào tạo theo nhu cầu thị trường, đại biểu Nguyễn Văn Phong, huyện Sóc Sơn cho rằng cần có sự liên thông giữa dạy nghề và đào tạo giáo dục phổ thông nhằm định hướng nghề cho học sinh…
Về chất lượng đào tạo nghề, đại biểu Đặng Đình An, quận Đống Đa thẳng thắn chỉ ra ở đây mới chú ý đến số lượng các trường chứ chưa quan tâm đến quy mô của các trường, đào tạo nghề gì; chưa chú trọng đến đầu ra cho lao động được đào tạo. Đặc biệt, cần tập trung vào chất lượng đào tạo chứ không nên chạy theo số lượng. Đồng tình với đại biểu Đặng Đình An, theo đại biểu Nguyễn Doãn Hoàn, huyện Thạch Thất, phải đánh giá sâu thực trạng các trung tâm, các trường dạy nghề hiện nay trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, cần chú trọng đến việc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo nghề để nâng cao hiệu quả trong việc dạy nghề và đầu ra.
Kết thúc nội dung đầu tiên trong phiên họp sáng nay, đã có 89,5% ý kiến tán thành thông qua Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo Hanoi Portal