Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật và Nghị quyết về thi hành Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết, để xác định có tội phạm xảy ra hoặc vụ việc có dấu hiệu tội phạm hay không thì cơ quan có thẩm quyền phải kiểm tra, xác minh nguồn tin, thu thập tài liệu chứng cứ và trên cơ sở đó Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) mới có căn cứ để thực hành quyền công tố.
Vì vậy, đề nghị giữ thời điểm thực hành quyền công tố bắt đầu từ khi cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra “giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm” như dự thảo luật.
Cũng theo giải trình của UBTVQH, nếu mở rộng thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát quân sự Trung ương điều tra lại tất cả các vụ án về tham nhũng xảy ra ngoài hoạt động tư pháp khi phát hiện bỏ lọt tội phạm hoặc oan, sai sẽ dẫn đến chồng chéo với thẩm quyền điều tra của các đơn vị điều tra chuyên trách thuộc Bộ Công an, đồng thời làm kéo dài việc điều tra vụ án.
Trong trường hợp này, dự thảo luật đã quy định Viện Kiểm sát có quyền yêu cầu Cơ quan đã điều tra vụ án tiến hành các biện pháp khắc phục, nếu đã yêu cầu mà chưa được khắc phục thì Viện Kiểm sát có quyền trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để quyết định việc đình chỉ vụ án hoặc quyết định truy tố (các điều 14, 15 và 16) là phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, bảo đảm khách quan, kịp thời trong việc giải quyết vụ án.
Thực tiễn hoạt động tư pháp cho thấy, cùng với tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thì đồng thời cũng xảy ra hành vi phạm tội về chức vụ như các tội: thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, làm môi giới hối lộ… Theo đề nghị của nhiều đại biểu Quốc hội, việc giao cho Cơ quan điều tra VKSNDTC, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát quân sự Trung ương điều tra tội phạm chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp là cần thiết, bảo đảm tính đồng bộ, liên tục trong việc giải quyết các vụ án.
UBTVQH đã chỉnh lý dự thảo luật quy định cơ quan điều tra của VKSNDTC, Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát quân sự Trung ương có thẩm quyền điều tra như sau: “Cơ quan điều tra VKSNDTC, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát quân sự Trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện Kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp”.
Về thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự của VKSND (khoản 3 Điều 27), để bảo đảm thận trọng, UBTVQH đã nghiên cứu, cân nhắc kỹ và thấy rằng: nếu giao cho VKSND có thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự trong những trường hợp do Bộ luật Tố tụng dân sự quy định để bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần và trong trường hợp này VKSND đồng thời là nguyên đơn dân sự thì không phù hợp với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; có một số ý kiến còn cho rằng nếu quy định như vậy là trái Hiến pháp.
Để bảo vệ lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần, Điều 162 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành đã giao cho các cơ quan, tổ chức khởi kiện. Vì vậy, không quy định VKSND có thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự.
Việc thi tuyển kiểm sát viên được chỉnh lý để quy định áp dụng việc thi tuyển đối với các ngạch kiểm sát viên sơ cấp, trung cấp, cao cấp; còn đối với kiểm sát viên VKSNDTC thì tiếp tục giữ cơ chế tuyển chọn như quy định hiện hành.
Luật Tổ chức Viện kiếm sát nhân dân (sửa đổi)quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của VKSND; về kiểm sát viên và các chức danh khác trong VKSND; về bảo đảm hoạt động của VKSND.
Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động, VKSND do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng VKSND cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng VKSND cấp trên. Viện trưởng các Viện Kiểm sát cấp dưới chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSND tối cao. Viện Kiểm sát cấp trên có trách nhiệm kiểm tra, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật của Viện Kiểm sát cấp dưới. Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp trên có quyền rút, đình chỉ, hủy bỏ quyết định trái pháp luật của Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp dưới.
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát hoạt động của VKSND theo quy định của pháp luật
Theo Điều 20 của Luật, cơ quan điều tra VKSND tối cao, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát quân sự Trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện Kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.
Hệ thống VKSND gồm có: VKSND tối cao; VKSND cấp cao; VKSND cấp tỉnh; VKSND cấp huyện; Viện Kiểm sát quân sự các cấp.
Ngạch kiểm sát viên VKSND gồm có bốn ngạch: Kiểm sát viên VKSND tối cao; kiểm sát viên cao cấp; kiểm sát viên trung cấp; kiểm sát viên sơ cấp. Số lượng kiểm sát viên VKSND tối cao không quá 19 người.
Kiểm sát viên được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là năm năm. Trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch, thời hạn là mười năm.
Kinh phí hoạt động của VKSND do VKSND tối cao lập dự toán và đề nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Trong trường hợp không thống nhất về dự toán kinh phí hoạt động, Viện trưởng VKSND tối cao kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định. Việc quản lý, phân bổ và sử dụng kinh phí được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách.
Kiểm sát viên, điều tra viên, kiểm tra viên có thang bậc lương riêng. Chế độ tiền lương do UBTVQH quyết định trên cơ sở đề nghị của Viện trưởng VKSND tối cao. Chế độ tiền lương đối với công chức khác, viên chức và người lao động khác của VKSND được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Chế độ phụ cấp đặc thù của cán bộ, công chức, viên chức VKSND do Viện trưởng VKSND tối cao đề nghị UBTVQH, Chính phủ quyết định.
Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2015.
Các Điều 49, khoản 3 Điều 63, Điều 74, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 79, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 80, khoản 1 Điều 93 của Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) có hiệu lực kể từ ngày 1-2-2015.
Đồng thời với thông qua Luật này, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết về việc thi hành Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) gồm ba điều.