ĐBQH Võ Thị Thúy Loan (đoàn Tiền Giang): "...Thủ tục tranh luận tại phiên tòa dân sự thường là một thủ tục buồn tẻ, thậm chí chỉ là hình thức...". |
Theo Báo cáo Thảm tra của Ủy ban Tư pháp, trong điều kiện chưa sửa đổi Hiến pháp và Luật tổ chức Tòa án nhân dân, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) như trong dự thảo Luật là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thi hành BLTTDS; những quy định không thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác; đáp ứng các yêu cầu cam kết quốc tế và cải cách tư pháp; hoàn thiện một bước hệ thống pháp luật tố tụng dân sự, bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng dân sự.
Về quy định trao cho Toà án quyền huỷ quyết định rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức khác, một số ý kiến đại biểu đồng tình với quan điểm tại Tờ trình của Toà án NDTC cho rằng: Trước đây, tại Điều 12 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 quy định trong quá trình xét xử vụ án dân sự, Tòa án có quyền huỷ quyết định rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức khác xâm phạm quyền lợi hợp pháp của đương sự trong vụ án mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết. Tuy nhiên BLTTDS năm 2004 đã bỏ quy định này.
Thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự tại TAND trong 5 năm qua cho thấy, việc bỏ quy định này đã làm cho Tòa án trong quá trình xét xử vụ việc dân sự phát hiện có quyết định rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết nhưng Tòa án không có thẩm quyền tuyên hủy quyết định đó mà chỉ kiến nghị cơ quan ban hành văn bản tự huỷ bỏ dẫn đến mất nhiều thời gian của nhà nước và không bảo đảm kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của các bên đương sự.
Từ những bất cập trên, các đại biểu cho rằng, việc dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lần này bổ sung thêm thẩm quyền cho Toà án “Khi xét xử vụ án dân sự, Tòa án có quyền huỷ quyết định rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức khác xâm phạm quyền lợi hợp pháp của đương sự trong vụ án mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết nhưng không trái với các quy định khác của pháp luật” là phù hợp với tình hình thực tiễn.
Việc bổ sung quy định này còn có ý nghĩa đảm bảo cho việc, Toà án khi nhân danh Nhà nước giải quyết các vụ án dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Về quy định kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, đại biểu Vi Thị Hương (đoàn Điện Biên) không đồng tình với quan điểm VKS tham gia phiên toà, phiên họp phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án. Theo đại biểu, về lý luận, VKS tham dự phiên toà, phiên họp phát biểu ý kiến là trái với nguyên tắc bảo đảm quyền tranh luận của đương sự và nguyên tắc quyền quyết định và định đoạt của đương sự. Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, đương sự có quyền chấm dứt hoặc thay đổi các quyết định của mình và thoả thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Đây là 2 nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình giải quyết vụ án.
Đại biểu Vi Thị Hương cũng cho rằng, thực tiễn áp dụng BLTTDS từ năm 2004 đến nay, trong quá trình xét xử, tất cả thủ tục tố tụng, như thông báo thụ lý, biên bản… đều được gửi về cho VKS. Trước đây khi thực hiện giải quyết các tranh chấp dân sự tại Toà án theo Pháp lệnh giải quyết các vụ án dân sự cũng đã quy định, VKS tham gia tố tụng, nhưng sau đó thấy không cần thiết mọi vụ án đều phải có sự tham gia của VKS nên BLTTDS năm 2004 đã quy định lại VKS không tham gia tất cả các phiên toà. “Nếu dự thảo Luật lần này lại đưa VKS tham gia phiên toà liệu có phải là một bước tiến hay không, hay đây lại là một bước lùi”, đại biểu Hương đặt câu hỏi.
Trái với quan điểm trên, đại biểu Phạm Quốc Anh (đoàn Đồng Nai) lại đồng tình với quy định VKS tham dự phiên tòa, phiên họp có quyền phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, của người tham gia tố tụng, phát biểu khách quan về quan điểm giải quyết vụ việc dân sự. Theo đại biểu, chức năng của VKS là ở đâu có hoạt động của Toà án, hoạt động xét xử thì nhất thiết phải có vai trò của VKS. Đại biểu Phạm Quốc Anh cho rằng, chức năng của VKS là kiểm tra, giám sát các hoạt động của Toà án có đúng pháp luật hay không, chứ không phải kiểm tra, giám sát bản thân vụ việc đương sự đưa ra có đúng sự thực hay không, hoặc đi sâu vào tình tiết của vụ án.
Quang Anh