Thống kê tại một ngã tư ở Hà Nội: Chưa đầy 2 phút, 87 phương tiện vượt đèn đỏ

GD&TĐ - Tại khu vực ngã tư Nguyễn Khang - Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội), trong một nhịp đèn tín hiệu giao thông chuyển đỏ 99 giây đã có gần 90 phương tiện vượt đèn đỏ.

Gần 90 phương tiện vượt đèn đỏ trong chưa đầy 2 phút. Ảnh cắt từ clip
Gần 90 phương tiện vượt đèn đỏ trong chưa đầy 2 phút. Ảnh cắt từ clip

Vượt đèn đỏ là một trong những lỗi mà người dân thường mắc phải khi tham gia giao thông. Mặc dù đã có nhiều biện pháp được đưa ra nhưng tình trạng này vẫn kéo dài và xảy ra thường xuyên, đặc biệt tại các thành phố lớn.

Theo ghi nhận của nhóm PV báo Dân trí tại khu vực ngã tư Nguyễn Khang - Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội), trong một nhịp đèn tín hiệu giao thông chuyển đỏ 99 giây (từ Nguyễn Khang di chuyển sang Nguyễn Ngọc Vũ) thì đã có đến 87 phương tiện (gồm xe gắn máy và ôtô) vượt đèn đỏ.

Có nghĩa là, trung bình cứ khoảng hơn 1 giây lại có 1 người vi phạm luật giao thông. Quan sát taị ngã tư này khoảng 10 phút, nhóm phóng viên đã chứng kiến hàng trăm lượt xe gắn máy bất chấp luật giao thông, vượt đèn đỏ.

Không những thế, nhiều trường hợp còn 40 giây nữa mới hết tín hiệu đèn đỏ nhưng người điều khiển phương tiện đã liên tục bấm còi inh ỏi rồi phóng lên phía trước, vượt đèn đỏ qua ngã tư.

Thậm chí, nhiều người vượt đèn đỏ khi đến giữa ngã tư đã cố luồn lách giữa các dòng phương tiện tham gia giao thông khác, gây ách tắc và nguy hiểm cho chính mình và những người xung quanh.

Theo quy định, khi có tín hiệu đèn đỏ, người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông phải dừng lại trước vạch kẻ đường. Những trường hợp dừng, đỗ xe chờ đèn đỏ đè lên vạch kẻ đường hoặc vượt đèn đỏ được coi là dừng, đỗ xe dưới lòng đường, dừng, đỗ sai quy định.

Nghị định 100 quy định chung về hành vi vượt đèn đỏ là hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông với mức phạt là như nhau, cụ thể:

Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện): Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng (Điểm e, khoản 4 và Điểm b Khoản 10 Điều 6).

Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng; từ 02 đến 04 tháng nếu gây tai nạn giao thông (Điểm a Khoản 5, Điểm b, c Khoản 11 Điều 5 ).

Đối máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng; từ 02 đến 4 tháng nếu gây tai nạn (Điểm đ Khoản 5; Điểm a, b Khoản 10 Điều 7).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ