(GD&TĐ) - Lễ hội truyền thống đang diễn ra tưng bừng trên khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh sự gia tăng cả về quy mô lẫn số lượng của các lễ hội thì xã hội đã và đang chứng kiến nhiều hình ảnh, thông điệp buồn trong văn hóa tâm linh của một bộ phận người đi lễ. Hơn lúc nào hết, sự nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia lễ hội là vô cùng cần thiết, để những hình ảnh chưa đẹp trong văn hóa tâm linh không còn xuất hiện.
Xuống cấp văn hóa tâm linh
Sự méo mó biến dạng của tín ngưỡng thời cơ chế thị trường dẫn tới sự xuất hiện nhiều vấn đề khiến dư luận quan tâm lo ngại, các nhà văn hóa, nhà quản lý cũng không thể lý giải và “đau đầu” trong vấn đề quản lý.
Chen lấn, giẫm đạp lên nhau để xin ấn đền Trần |
Cũng như nhiều mùa lễ hội đã qua, tình trạng nhét tiền vào tay tượng Phật ở tất cả các chùa, chuyện rải tiền trắng mặt trống hay ném tiền vô tội vạ xuống giếng Tiên... không còn mới mẻ, thậm chí nhiều người đi lễ coi đó là bình thường khi tham gia lễ hội. Thế nhưng, sự méo mó trong tâm linh của người đi lễ không dừng lại ở đó, người ta còn sẵn sàng cài tiền vào miệng Phật, vào gốc cây, cành lá... trong chùa để thực hành lễ bái cầu xin. Nhiều nơi, tiền lễ trải đầy ra đất dày đến chục phân thay vì người đi lễ để tiền giọt dầu, công đức vào hòm công đức. Người ta cũng sẵn sàng trèo tường, giẫm đạp lên nhau, xếp hàng thâu đêm suốt sáng, người bị ngất, người bị thương... chỉ để mong cướp cho được chiếc ấn đền Trần.
Trong những ngày đầu xuân, các ngôi chùa nổi tiếng như chùa Hương (Hà Nội), Bái Đính (Ninh Bình), Yên Tử (Quảng Ninh)... nườm nượp khách thập phương, có những ngày lên đến vài vạn khách. Du khách đến đây phần ít để thưởng ngoạn vẻ đẹp của danh thắng, còn đa phần để cầu tài, cầu lộc, cầu an... Đa phần du khách cho rằng ở đây linh thiêng hơn những ngôi chùa khác thì việc cầu mong, ước muốn của mình sẽ trở thành hiện thực.
Điều đó bắt nguồn từ sự hiểu chưa đúng về đạo Phật. Thờ Phật để tu bản thân mình chứ không phải coi Đức Phật như một vị thánh đem đi điều không may, mang đến điều tốt lành mà coi thánh nơi này thiêng hơn thánh nơi khác.
Và cũng ít ai trong số dòng người chen chúc đi lễ chùa hiểu được nguồn gốc, truyền thuyết của những ngôi chùa này hay những tờ giấy có đóng dấu triện hay còn gọi là “ấn đền Trần” chỉ là một thủ tục mang tính cầu an, cầu phúc của một ngôi đền dành cho dân địa phương chứ không phải ai cướp được thì sẽ có lộc, được thăng quan tiến chức... như người ta vẫn đồn đại.
Thông điệp buồn từ những mùa lễ hội còn ở chỗ phát sinh hàng loạt các dịch vụ hàng quán xung quanh di tích. Người ta mang cả thịt động vật vừa được giết bầy bán ngay cạnh chùa chiền miếu mạo, rồi việc ăn ở mất vệ sinh, thiếu ý thức giữ gìn môi trường, bảo vệ tài sản nơi công cộng cũng không ngừng diễn ra. Các điểm lễ hội không khác những bãi rác khổng lồ. Núi Yên Tử linh thiêng cứ sau mùa lễ hội là trở thành núi rác khổng lồ. Người ta đến các đền thờ, miếu mạo như một cơn lốc, tàn phá cây xanh, hoa cỏ và để lại một bãi hoang tàn cùng với rác các loại. Không mấy ai tự giác cúi xuống nhặt chai nước suối, túi ni lông để bỏ đúng chỗ... Cứ đến mùa lễ hội, tôi lại thấy đau lòng khi nhiều người thấy bát hương mà lao đến như con thiêu thân để vái lạy, cầu đủ thứ mà không hiểu họ đang lạy ai.
Nhìn nhận về vấn đề này, GS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam cho rằng, người dân trong xã hội hiện nay đang thực sự có nhu cầu tâm linh rất lớn nhưng họ đến chùa trong khi tâm thế và sự hiểu biết về tín ngưỡng văn hóa không có hoặc còn sai lệch. Thời xưa việc đi chùa, đi đền... đều được các cụ quy định rất rõ về việc đi lại, hành động ra sao thì ngày nay người dân hầu như không còn ai được dạy cái đó.
Sự thiếu hụt vốn tri thức về văn hóa lễ hội dẫn đến nhiều thứ bị biến tướng, trong đó nguy hiểm nhất chính là hành vi ứng xử của con người khi đến với lễ hội. Người dân đang đến với lễ hội dường như chỉ để cầu tài, cầu lộc nhiều hơn là việc đi lễ hội để biết những ý nghĩa văn hóa xâu xa và hướng thiện mà ông cha đã thầm gửi gắm trong đó.
Quản lý cách nào?
Năm 2013, Bộ VHTT&DL đã rất sớm có chỉ đạo với các địa phương về công tác chuẩn bị lễ hội, đã thành lập 4 đoàn đi kiểm tra công tác chuẩn bị, lễ hội lớn trọng điểm. Và trong những năm qua, Bộ VHTT&DL tham mưu cho Chính phủ và trực tiếp ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn tổ chức lễ hội... Tuy nhiên trong thực tế, việc tổ chức quản lý ở địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, còn hạt sạn.
Cài tiền lên tượng Phật để cầu xin |
Được biết, trong cơ chế quản lý ngày nay thì các di tích, kể cả di tích đặc biệt quốc gia cho đến cấp tỉnh thì Chính phủ và Bộ đều phân cấp cho địa phương trực tiếp quản lý. Và lễ hội tổ chức tại đó đều do chính quyền địa phương quản lý. Nhiều nơi phân cấp cho cấp huyện, cấp xã quản lý. Thế nên, nếu tồn tại ở lễ hội nào thì trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương được giao trách nhiệm, và cán bộ rồi chính quyền địa phương theo sát lễ hội đó. Vì vậy, giải quyết tình trạng nêu trên chỉ một phần ở các cơ quan quản lý Nhà nước, còn chủ thể của lễ hội, nhất là những vị sư trụ trì các ngôi chùa, những ông chủ đền... mới đóng vai trò quan trọng. Nếu những vị trụ trì chùa và chủ đền yêu cầu người dân không đốt vàng mã và giải thích theo đúng quan niệm Phật giáo thì người dân liệu có không dám tuân theo?
GS Ngô Đức Thịnh cũng cho cho rằng, không cơ quan Nhà nước nào có thể cấm một cách triệt để khi người dân chưa hiểu. Có rất nhiều nơi người đến cúng sẵn sàng nộp luôn tiền phạt cho những ông chủ đền nếu có đoàn kiểm tra đến. Và khi tiền nộp sẵn rồi, thì họ làm thoải mái những gì họ muốn và cho là đúng. Hay tình trạng đốt vàng mã, chúng ta chỉ có thể kiểm tra và bắt phạt được những người vi phạm trong lúc này lúc khác, nơi này nơi khác nhưng không thể đủ nhân lực để đứng mọi nơi mọi lúc xử phạt triệt để 100% tình trạng này. Và như vậy pháp luật sẽ ngày càng bị nhờn trong ý thức của người dân và những lệnh cấm cũng không thể phát huy tác dụng.
Rõ ràng, xử phạt không phải là gốc của vấn đề trong quản lý lễ hội. Đối với hoạt động văn hoá, các hành vi trong văn hóa thì việc tăng cường tuyên truyền, giải thích, nâng cao nhận thức của dân mới là quan trọng. Khi người dân hiểu đúng vấn đề, nhận thức được đúng sai thì tự khắc hành động sẽ đúng đắn.
Sự thiếu hụt vốn tri thức về văn hóa lễ hội dẫn đến nhiều thứ bị biến tướng, trong đó nguy hiểm nhất chính là hành vi ứng xử của con người khi đến với lễ hội. Người dân đang đến với lễ hội dường như chỉ để cầu tài, cầu lộc nhiều hơn là việc đi lễ hội để biết những ý nghĩa văn hóa xâu xa và hướng thiện mà ông cha đã thầm gửi gắm trong đó. |
Hà Linh